Tài xế lái công nghệ "truyền tai" nhau kỹ năng phòng chống cướp ban đêm

Thứ Năm, 03/10/2019, 18:15
Sau vụ việc “rúng động” nam sinh viên lái xe Grab Nguyễn Cao Sang bị sát hại, giới lái xe công nghệ Hà Nội đã nhìn nhận vấn đề đón đưa khách một cách vô cùng nghiêm túc....

Bên cạnh việc chia buồn với “đồng nghiệp” xấu số, không ít bàn luận sôi nổi về kỹ năng phòng và tránh trường hợp tương tự khi hành nghề vào ban đêm.

Có nên chụp ảnh khách hàng đi xe ôm?

Anh Nguyễn Hòa Thanh – lái xe ông Grab lâu năm tại phố Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, gặp phải trường hợp khách lạ vào ban đêm tôi thường từ chối vì lý do an toàn. 

Bởi xét về tâm lý, sau 22h những khách đi xe ôm thường rơi vào trường hợp nhà có việc đột xuất, dân xã hội và cả gái hành nghề mại dâm. Mỗi một người lái xe ôm truyền thống hay Grab dường như có một khu vực hành nghề nhất định nên lượng khách quen ổn định và ít gặp phải khách lạ.

Cũng như anh Thanh, anh Nguyễn Tiến Dũng quê Thanh Hóa làm xe ôm bán chuyên khu vực phố Trung Kính cũng cho biết,  chủ yếu chạy khách quen mặt, gặp phải trường hợp khách lạ mà cánh xe ôm gọi là “khách qua đường” tùy theo nhu cầu lái xe ôm mới chở đi. 

Thực nghiệm điều tra vụ nam sinh lái xe Grab bị sát hại.

Ví dụ khách đặt chở ra bến tàu, bến xe, những nơi có địa điểm cụ thể thì người lái xe ôm hoàn toàn yên tâm chở đi. Còn với những khách khả nghi như thanh niên “đầu xanh, đầu đỏ”, con nghiện... chỉ cần “trông mặt bắt hình dong” hẹn đưa đến những địa điểm rất chung chung, mơ hồ người lái xe ông có kinh nghiệm thường từ chối những cuốc đi này. 

Đơn giản chưa tính đến tình huống nguy hiểm bị cướp tài sản thì khả năng “bùng”  tiền công là rất cao.

Nhân chuyện em sinh viên Nguyễn Cao Sang hành nghề lái xe Grab bị sát hại,  anh Dũng và anh Thanh đều đồng ý cách làm chụp lại ảnh khách gửi cho người thân quen đề phòng bất trắc chính là giải pháp an toàn như vậy. Và an toàn hơn là để cho khách hiểu rằng người lái xe ôm đang làm việc đó. Kinh nghiệm này hiện đang được cánh lái xe ôm truyền thống và cả Grab truyền tai nhau như một kỹ năng phòng vệ, đề phòng rủi ro nghề nghiệp.

 Tuy nhiên với kinh nghiệm lâu năm làm nghề xe ôm, bác Duy Khánh ở đầu cầu Long Biên cho rằng việc chụp ảnh khách rồi báo cho đồng nghiệp, người thân đúng là kỹ năng phòng vệ hữu hiệu nhất. Nhưng việc làm đó cần bí mật tế nhị vì đa số khách hàng sẽ không thích điều đó. 

Bác Khánh cho biết, từng chở nhiều khách hàng “Vip” đi công chuyện  đến những khu vực tập trung nhà nghỉ ở phường Bồ Đề, Long Biên chỉ đoạn đường ngắn với giá rất hậu hĩnh, nhưng đa số họ đều thích kín đáo, không muốn ai  biết nên việc chụp ảnh họ phải rất tinh tế...

Các chuyên gia nói gì

Trung tá Trần Anh Sơn – Đội chống tội phạm liên tuyến, địa bàn - Phòng CSHS, Tổ phó tổ Y5/14 cho biết, kinh nghiệm phòng chống rủi ro nghề nghiệp đối với người hành nghề xe ôm, lái xe taxi chính là phải đánh trúng và đúng tâm lý tội phạm trước khi bọn chúng muốn ra tay. Vì tội phạm thường chọn thời điểm đêm khuya, địa điểm vắng người qua lại để ra tay cướp nên trước khi thực hiện giao dịch đối với đối tượng khả nghi, người lái xe cần để nhiều người biết đến việc mình làm.

Có thể thời điểm đêm khuya vắng, hoạt động đơn lẻ trên một cung đường nhưng khi tiến hành chở khách đã có điện thoại, liên lạc tổng đài nên trước mặt đối tượng khả nghi cần thực hiện cuộc điện đàm cho người thân, đồng nghiệp thông báo rõ điểm đến, điểm đi tả sơ qua khách lạ...

 Càng công khai thông tin bao nhiêu thì sẽ càng làm đối tượng xấu chứng kiến sẽ bớt đi “thú tính” bấy nhiêu, thậm chí nếu có ý đồ xấu cũng khó vượt qua được tâm lý để thực hiện hành vi thủ ác.

Từ kinh nghiệm thực tế này, theo Trung tá Trần Anh Sơn: Đội Phòng chống tội phạm liên tuyến vẫn tổ chức các buổi tuyên truyền, dạy các kỹ năng cơ bản phòng chống cướp, giật với lái xe các hãng taxi.  Phát tờ rơi tuyên truyền  tại các bến tàu, bến xe trên địa bàn thành phố theo đúng chức năng quản lý. Cách làm mà lái xe ôm đang lan truyền nhau như trên đã nói đúng là một trong những biện pháp hay để người hành nghề dịch vụ chở khách tự bảo vệ mình và giúp ích rất nhiều cho cơ quan chức năng nếu xảy ra các tình huống xấu.

Thực nghiệm điều tra vụ nam sinh lái xe Grab bị sát hại

Trung tá Vũ Văn Hoài – Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm và điều tra TNGT , Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết thêm, muốn phòng chống tội phạm trước tiên người hành nghề lái xe ôm, Grab cần tuân thủ đúng luật giao thông không chở quá người quy định.  Đi đúng lộ trình, khi đón khách tại các địa điểm phát sinh cần thông báo cho tổng đài để quản lý. Có tuân thủ những quy tắc này, chính là bảo vệ bản thân và làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm.

Trở lại câu chuyện, sinh viên Nguyễn Cao Sang bị sát hại, đến nay, hai kẻ thủ ác đã bị tóm gọn rất nhanh nhờ tấm ảnh anh Sang nghi ngờ gửi cho người thân trước khi đón khách. Là người tình nguyện bảo vệ hợp pháp cho nạn nhân xấu số, Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng Luật sư... nhận định, hoàn toàn có thể phòng ngừa, ngăn chặn hành vi thủ ác của kẻ xấu nếu người hành nghề, lái taxi, xe ôm biết dựa vào đồng nghiệp vào công nghệ, vào tập thể khi lao động trong một tổ chức nào đó để bảo vệ bản thân. 

Tội phạm sẽ không dám hành động liều lĩnh khi biết được hành tung, thân thế của mình đã bị chính những người lái xe ghi lại và theo dõi qua khâu trung gian là tổng đài, bạn bè, người thân của người lái xe theo lộ trình rõ ràng.


An Bích Ngọc
.
.
.