Tại sao ACB bị mất tiền – nhìn từ vụ án Huyền Như

Thứ Sáu, 26/12/2014, 09:11
Ngày 08/12/2014 Tòa Phúc thẩm TAND tối cao đã ra phán quyết đối với Nguyễn Đức Kiên và 8 bị cáo khác, trong đó hành vi ủy thác trái pháp luật cho các nhân viên gửi tiền vào Vietinbank bị Huyền Như chiếm đoạt số tiền 718 tỷ đồng, bị quy kết về tội cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
>> Xử phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như
Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật nhưng trong phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ Huyền Như, một số luật sư và đại diện ACB dường như muốn “lật lại” phán quyết trên để “níu kéo” hòng bênh vực cho những lợi ích trái phép và gán ghép trách nhiệm cho VietinBank. Vậy nhìn dưới khía cạnh vụ án Huyền Như, sự thật khách quan phản ánh bản chất vụ án như thế nào?Đâu là nguyên nhân khiến ACB bị mất tiền?

Chủ trương “chết người”.

Đầu phiên tòa phúc thẩm vụ Huyền Như, luật sư bảo vệ Vietinbank đề nghị được sử dụng chứng cứ, kết quả xét xử vụ Nguyễn Đức Kiên và được Hội đồng xét xử chấp thuận. Trong vụ án ấy, dù Hội đồng sáng lậpkhông là một “thực thể” trong cơ cấu tổ chức ACB, song “các ý kiến của Kiên thường biến thành nghị quyết của TT HĐQT ACB” - đã nói lên sự ảnh hưởng của Kiên (Chủ tịch, “đại diện” cho nhóm cổ đông lớn chiếm đến 9,03% vốn điều lệ ACB - tương đương thị giá 943 tỷ) như thế nào và với “vị thế” ấy, triết lý “tìm kiếm lợi nhuận cao từ rủi ro” cùng với sáng kiến “ngân hàng gửi tiền vào ngân hàng hưởng lãi suất cao” Kiên đã lèo lái “con thuyền ACB” và “các bạn Kiên” đến … ngày hôm nay.

Theo kết quả điều tra vụ án bầu Kiên, để thu lợi nhuận chỉ tình từ ngày 22/05/2005 – 28/12/2010 ACB đã ủy thác cho nhân viên và 4 công ty (Cty TNHH Chứng khoán ACB, Cty TNHH MTV quản lý quỹ ACB, Cty TNHH TMDV Việt Thanh và Cty CP Kim Ngân Việt) để gởi tiền vào các TCTD với tổng số tiền 93.024.755.893.181đ, lãi suất từ 8,5 – 18,5%/năm và 10 triệu USD (5,6%/năm), qua đó đã thu được số tiền lãi 4.645.945.007.531đ và 569.333 USD, trong đó phần vượt trần là 11.226.874.267đ. Nếu chỉ tính từ tháng 03/2010 đến tháng 9/2011, ACB đã thực hiện ủy thác gửi tiền tại 29 TCTD với số tiền gởi trên 37.000 tỷ và 71 triệu USD, hưởng lãi gần 1.600 tỷ và 1,3 triệu USD (trong đó phần thu nhập bất chính từ lãi vượt trần là 247 tỷ) đến nay đã thu hồi hết chỉ còn 718,908 tỷ đồng bị HTHN chiếm đoạt. 

Việc ACB “thỏa thuận ngầm” ủy thác gửi tiền vào Vietinbank nhưng lại “trao nhầm” cho Như, đã bị Như khai thác yếu tố ham lãi suất mà chiếm đoạt thành công. Tại cuộc họp ngày 25/03/2011 TT HĐQT ACB đã quyết định “tạm thời dừng chủ trương ủy thác cá nhân gởi liên ngân hàng”, nhưng đến tháng 6/2011 ACB lại tiếp tục thực hiện và thực tế hậu quả mất 718 tỷ là từ chính 34hợp đồng ủy thác được thực hiện từ 6/2011 bởi Huyền Như. Có lẽ không bàn cãi tính đúng sai của chủ trương, biết sai vẫn làm, các hành vi “lách luật”… trong tổ chức thực hiện - là nguyên nhân “ACB bị mất tiền” bởi nó đã được làm rõ và Tòa án đã có phán quyết. Việc bị Huyền Như chiếm đoạt – là rủi ro đã có trong lường định trước của chính cấp lãnh đạo cao nhất của ACB, do vậy đây phải thuộc về trách nhiệm của chính ACB, của tự các cá nhân là lãnh đạo ACB với các cổ đông của ACB và của chính các cổ đông ACB, như chính lời khai nhận của Kiên tại cơ quan điều tra.

Huyền Như đã “lừa” để lấy được tiền ACB thế nào?

Với chủ trương “lách luật” song việc quản trị hoạt động ủy thác của ACB lại có quá nhiều sai sót để Huyền Như, trong cơn khát tiền, đã tính toán “bày trận” và tận dụng triệt để. Giao cho Bảo Ngọc đứng ra giao dịch “tìm mồi”, ACB đã không thể ngờ mình có thể bị Huyền Như “mua” bằng … 3,7 tỷ đồng hoa hồng, và đổi lại Như đã được “bật đèn xanh” cho hàng tá cơ hội, điều kiện để có thể lấy được tiền bằng việc “tiếm quyền” ngay khi tiền được ACB chuyển đến tài khoản thanh toán của các nhân viên mở tại NHCT. Không chỉ từ kết quả thương thảo, soạn thảo hợp đồng ban đầu với nội dung “tự trích để gửi có kỳ hạn” giống như sự điều chỉnh ngay cả đối với chủ trương ủy thác gửi tiền bằng “hình thức gửi là gửi tiết kiệm” của ACB, mà việc thực hiện các thủ tục mở tài khoản để ACB chuyển tiền vào, ký các giấy tờliên quan,… Bảo Ngọc đều đã “tư vấn” để các nhân viên “nhắm mắt” thực hiện theo đúng hướng dẫn có tính toán trước của Huyền Như: từ ký các giấy tờ Như đưa cho đến khi đem về nộp ACB để nhận được tiền công 200 – 500.000đ/hợp đồng, là chấm dứt trách nhiệm.

Ngay từ khi mở tài khoản, các nhân viên ACB đều không có mục đích mở và sử dụng cho nhu cầu cá nhân mà chỉ để cho ACB và Như sử dụng - biểu hiện đặc trưng của hình thức “cho thuê, cho mượn” tài khoản của chủ tài khoản, vi phạm quy định “Không được cho thuê, cho mượn tài khoản, hoặc sử dụng tài khoản của mình cho các giao dịch thanh toán đối với những khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp”. Nhận thức không phải tiền của mình, các cá nhân đứng ra gửi tiền chỉ làm theo chỉ đạo mà bỏ mặc trách nhiệm trên danh nghĩa của chủ tài khoản, của người gửi tiền – đúng như TGĐ Lý Xuân Hải từng khai nhận “một số nhân viên khi đi gửi tiền đã không tuân thủ các quy định về mở TK và chứng từ kế toán nên đã tạo điều kiện cho Huyền Như dễ dàng chiếm đoạt tài sản và chị Ngọc còn hưởng lợi bất chính”.

Từ ngày 08/10/2010, ACB đã giao dịch với Huyền Như và thông qua việc ủy thác cho nhân viên nhiều lần thực hiện “gửi tiền” vào VietinBank với tổng số tiền 1.101 tỷ, đã tất toán 382,5 tỷ (trong đó tại CN Nhà Bè là 332,5 tỷ; tại CN TPHCM là 50 tỷ), còn lại 718,908 tỷ hiện còn bị Huyền Như chiếm đoạt và sử dụng.

Huyền Như không phải là một giao dịch viên, nhưng tất cả 19 tài khoản đều đã được mở với sự “vô trách” của chủ tài khoản khi đều không trực tiếp giao địch với giao dịch viên của VietinBank dẫn đến có 5 nhân viên ACB bị Như tráo hồ sơ mở TKTT, và đã có 34 hợp đồng tiền gửi (có 2 do Như làm giả) với số tiền trên 718 tỷ đồng đã được 19 nhân viên ACB ký (để che dấu thỏa thuận ngoài, Như chỉ đưa nội dung lãi suất 14% vào HĐTG). Hơn nữa, chính các nhân viên ACB còn ký cả các Lệnh chi chuyển tiền đi và gửi tiết kiệm, tự thực hiện quyền của chủ tài khoản thay đổi phương thức đã ghi trên hợp đồng. Dù để “gửi tiết kiệm” nhưng họ lại không hề yêu cầu Huyền Như bàn giao thẻ tiết kiệm cho mình, chỉ biết nhận và đem hợp đồng tiền gửi về giao cho Bảo Ngọc để “làm vật bảo đảm” cho hợp đồng ủy thác với ACB mà mình là bên đã nhận tiền ủy thác. Và đáng buồn là cũng chẳng ai “nhắc nhở” cho họ cả, thế nên mới có chuyện Huyền Như không thực hiện hợp đồng tiền gửi để trích tiền mà sử dụng chính lệnh chi của các nhân viên để lập thẻ tiết kiệm, giữ lại, chiếm đoạt thẻ và cầm cố vay tiền.

Theo “thỏa thuận ngầm”, Vietinbank phải trả lãi14% như Hợp đồng tiền gửi và còn phải trả lãi ngoài. Thế nhưng, tại phiên tòa đại diện Vietinbank đã chứng minh rằng: toàn bộ nguồn tiền do Huyền Như chi trả cho ACB bao gồm cả lãi trong hợp đồng (14%/năm) và trên 10 tỷ tiền lãi thỏa thuận chi ngoài hợp đồng cho ACB (lãi vượt trần) mà ACB đã nhận được đều do Như dùng tiền cá nhân trả trước bằng tiền mặt và nộp vào tài khoản đứng tên các cá nhân gửi tiền. Nếu tin rằng Vietinbank có thực hiện các hợp đồng tiền gửi, thì không hiểu sao ACB và các nhân viên ACB (là các chuyên viên về huy động vốn) lại không đặt câu hỏi tại sao Vietinbank lại trả lãi bằng tiền mặt nộp vào tài khoản của cá nhân nhân viên ACB?

Phải chăng ACB và nhân viên của họ không biết tiền gửi tiết kiệm phải nhận thẻ?

Là tổ chức tín dụng ACB nhận biết rõ với sản phẩm tiền gửi tiết kiệm cá nhân  tổ chức nhận tiền có phát hành thẻ tiết kiệm (TTK) nhưng ACB đã không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đối với số tiền ủy thác khi về chủ trương là ủy thác cho nhân viên gửi tiết kiệm nhưng lại không hề yêu cầu thực hiện đúng quy trình gửi tiết kiệm, nhận TTK để giao cho ACB cầm giữ (chỉ yêu cầu nộp hợp đồng), mặc dù chính tại hợp đồng ủy thác được ký kết giữa ACB và nhân viên để thực hiện hành vi đem tiền đi gửi đã qui định rất rõ: “hình thức gửi là gửi tiết kiệm”; trách nhiệm của người nhận ủy thác (nhân viên ACB) là: “nhận và giao lại cho ACB các TTK, tiền lãi, … ngay sau khi bên nhận ủy thác nhận được từ TCTD với tư cách là chủ TTK” (Điều 6 HĐUT).

Thực ra việc ủy thác và phải nhận lại TTK là vấn đề từng được TT HĐQT ACB xem xét tại cuộc họp HĐQT ngày 22/3/2010 v/v ủy thác cho nhân viên bằng sổ tiết kiệm tại các ngân hàng, sau đó ACB sẽ mua lại các STK đó , việc sau đó chính ACB lại triển khai không nhận TTK là vấn đề thuộc về lỗi của chính ACB. Nhìn lại các giao dịch ủy thác gửi tiền trước đây ACB có nhận TTK và chưa xảy ra rủi ro mất tiền, nhưng chỉ các khoản ACB đã không nhận TTK và hậu quả là đã bị Huyền Như lợi dụng chiếm đoạt tiền (718,908 tỷ). Ngay khi xảy ra vụ án Huyền Như, nhận thức được tính nghiêm trọng của sai lầm trong việc không nhận TTK, nên để “hợp thức nội bộ” về quan điểm “không nhận TTK … vẫn đúng”, kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa đã lập báo cáo “chữa cháy” (được TGĐ Hải và TT HĐQT ký phê duyệt) đề ngày 29/3/2010 có nội dung: “Theo Phòng kế toán thì về bản chất việc gửi tiền dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn cũng tương tự như việc gửi tiết kiệm và HĐTG có kỳ hạn sẽ thay thế TTK để chứng minh quyền sở hữu tiền gửi của ACB…”. Hiển nhiên, Vietinbank không thể chịu thay trách nhiệm bởi quan điểm sai của ACB. 

Điều trên vừa tiếp tục chứng minh việc không nhận TTK là một trong những nguyên nhân thuộc về ACB dẫn đến việc bị Huyền Như chiếm đoạt, vừa thể hiện rõ sự kiện “rủi ro từng lường định nay đã đến” và ACB đã cố tình, bằng mọi cách thực hiện những hành vi đối phónhằm tránh né trách nhiệm, đổ vấy cho VietinBank bằng việc tiếp tục tạo dựng thêm 03 văn bản giả mạo (ngoài văn bản ngày 29/03/2010) đề ngày 07/06/2011 để “hợp thức hóa các giao dịch ủy thác gửi tiền trong nội bộ của ACB” (thực tế chính là các giao dịch đã dẫn đến hậu quả ACB đang bị mất 718,908 tỷ). Việc hợp thức hồ sơ đã phản ánh rõ nhận thức và mục đích đối phó của ACBlà tìm cách “hợp thức thủ tục” bằng các tài liệu nội bộ để hướng đến mục tiêu “đòi NHCT trả tiền”.

Kết luận gì cho ACB?

Với thủ đoạn gian dối, Huyền Như đã khai thác đúng thái độ bất chấp pháp luật, chấp nhận rủi ro, nhu cầu gửi tiền vào các TCTD khác và việc quản trị vốn lỏng lẻo của ACB, lợi dụng sự tắc trách, sai phạm của nhân viên ACB, để dẫn dụ ACB ủy thác gửi tiền bằng lãi suất cao do cá nhân Huyền Như chiếm đoạt từ nguồn khác chi trả, nhằm chiếm đoạt tài sản. Việc Như sử dụng số tiền gửi sau đó như thế nào chỉ là các phương thức sử dụng số tiền đã lừa đảo chiếm đoạt được của ACB trong đó chủ yếu dùng vào việc thanh toán các khoản nợ đến hạn khác do Như gây ra, thậm chí dùng trả cho chính các khoản nợ có nguồn gốc từ nguồn ACB ủy thác, nhằm tránh sự phát hiện của các chủ nợ và có điều kiện tiếp tục thực hiện chuỗi hành vi phạm tội của mình.

Khi thực hiện ủy thác sai pháp luật, bất chấp rủi ro, ACB đã tự đánh mất quyền kiểm soát đối với toàn bộ số tiền kể từ thời điểm chuyển tiền đi theo HĐUT cho các nhân viên để gửi tiết kiệm mà không yêu cầu nhận lại thẻ tiết kiệm, cùng với một loạt các sai phạm khác và chính đó là nguyên nhân gây ra hậu quả bị Huyền Như lợi dụng để chiếm đoạt tài sản của ACB. Tất cả những vụ việc huy động vốn, giao dịch bất hợp pháp để chiếm đoạt tài sản trong vụ án này là do cá nhân Huyền Như thực hiện; các thoả thuận, giao dịch bất hợp pháp giữa Huyền Như với ACB (và các nhân viên ACB) đều được thực hiện không đúng qui trình, quy định; có phát sinh các khoản lãi suất vượt trần, lãi suất chênh ngoài hợp đồng do cá nhân Huyền Như chi trả.

Tại phiên tòa phúc thẩm, khi tự bào chữa bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã chua chát thừa nhận HĐQT ACB có sai và từng đề nghị dùng tiền cá nhân để khắc phục khoản 718 tỷ đồng được ủy thác cho nhân viên gửi vào Vietinbank rồi bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Đó có lẽ cũng là một lời kết cho bài viết này.

P.V
.
.
.