Sử dụng giấy tờ giả nhập lậu gần 41,5 nghìn tấn phế liệu

Chủ Nhật, 28/07/2019, 06:25
Theo kết luận điều tra, DNTN Trường Thịnh đã làm giả 1.569 thông báo của Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình; 42 giấy xác nhận ký quỹ giả của Ngân hàng TMCP Đông Á; 1.614 giấy xác nhận phong tỏa giả của Ngân hàng TMCP KT Việt Nam...


Ngày 27-7, được biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã kết thúc điều tra và đề nghị truy tố đối với Nguyễn Đức Trường, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại XNK Đức Đạt, tỉnh Ninh Bình; Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân sản xuất bao bì Trường Thịnh, tỉnh Ninh Bình (DNTN Trường Thịnh); Dương Văn Phương, nhân viên DNTN Trường Thịnh và Phạm Quốc Huy (đối tượng làm dịch vụ thông quan hàng hóa), trú tại phường Phú Hữu, quận 9, TP Hồ Chí Minh. Bốn đối tượng nêu trên bị đề nghị truy tố về tội "Buôn lậu" theo khoản 4, Điều 188 Bộ luật Hình sự.

Từ trái qua phải: Nguyễn Đức Trường; Nguyễn Văn Sơn; Dương Văn Phương. (Ảnh: CTV)

Theo kết luận điều tra, DNTN Trường Thịnh được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình (Sở TN&MT tỉnh) cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu có giá trị đến ngày 18-8-2017. Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh cũng cấp thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra thông quan cho DNTN Trường Thịnh nhằm kiểm soát số lượng phế liệu nhập khẩu của doanh nghiệp này.

Đến ngày 24-5-2016, Sở TN&MT tỉnh có văn bản tạm ngừng cấp thông báo cho DNTN Trường Thịnh với lý do đến ngày 20-5-2016, doanh nghiệp do ông Sơn làm Giám đốc đã nhập đủ số lượng phế liệu để sản xuất trong năm 2016.

Tuy nhiên, từ sau ngày 20-5-2016, thời điểm bị Sở TN&MT tỉnh ngừng cấp thông báo đến ngày 6-2-2018, khi Bộ TN&MT cấp tiếp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho DNTN Trường Thịnh và cấp thông báo để kiểm tra theo số lượng hạn mức nhập khẩu cho doanh nghiệp này. Trong "khoảng trống pháp lý" giữa năm 2016 và năm 2017, DNTN Trường Thịnh vẫn tiếp tục nhập khẩu phế liệu về các cảng biển.

Để có thể thông quan, DNTN Trường Thịnh đã sử dụng giấy tờ giả để đưa vào bộ hồ sơ khai báo hải quan. Cụ thể, doanh nghiệp này đã làm giả 1.569 thông báo của Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình; 42 giấy xác nhận ký quỹ giả của Ngân hàng TMCP Đông Á; 1.614 giấy xác nhận phong tỏa giả của Ngân hàng TMCP KT Việt Nam...

Đồng thời, còn làm giả cả "vận tải đơn" của các hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận để làm thủ tục thông quan 1.666 lô hàng phế liệu nhựa, với tổng trọng lượng gần  41,5 nghìn tấn, tương ứng với 2.871 container. Tổng giá trị hàng hóa nhập lậu là hơn 84 tỷ đồng. Phần lớn số phế liệu nhập khẩu để xuất bán lại cho các doanh nghiệp, cá nhân  trong nước, DNTN Trường Thịnh chỉ giữ khoảng 657 tấn để sản xuất bao bì.

Trong vụ án này, mặc dù Nguyễn Đức Trường không phải là lãnh đạo DNTN Trường Thịnh, nhưng Trường là người điều hành, chỉ đạo các hoạt động liên quan đến việc nhập khẩu phế liệu nhựa của DNTN Trường Thịnh do em ruột là Nguyễn Văn Sơn làm giám đốc. Trường cũng đã chỉ đạo Dương Văn Phương làm giả các tài liệu để thông quan lô hàng phế liệu nhập lậu. Đồng thời, chỉ đạo Sơn ký kết các hợp đồng mua và bán phế liệu để hưởng lợi...

Đối với Phạm Quốc Huy, là đối tượng làm nghề dịch vụ thông quan hàng hóa. Từ tháng 5-2015 đến tháng 9-2017, Huy có bàn bạc, thỏa thuận với Trường về việc sử dụng giấy phép, pháp nhân của DNTN Trường Thịnh để thực hiện việc nhập khẩu phế liệu tại khu vực phía Nam, Huy trả cho Trường 1 triệu đồng/container sau khi thông quan.

Một số tổ chức, cá nhân trong nước có nhu cầu nhập khẩu phế liệu nhưng không có giấy phép nhập khẩu đã liên hệ với Huy để thuê, nhờ Huy sử dụng pháp nhân, giấy phép nhập khẩu phế liệu của DNTN Trường Thịnh để làm thủ tục thông quan cho các lô hàng phế liệu với giá 36 triệu đồng/container hoặc thuê Huy làm hồ sơ với giá 1,9 triệu đồng/container...

Qua vụ án này cho thấy, nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam thì bọn tội phạm sẽ lợi dụng, câu kết với nước ngoài nhập khẩu rác thải vào nước ta, biến nước ta trở thành nơi chứa  rác của một số nước trên thế giới.

Vì vậy, bên cạnh việc kiểm soát số lượng hạn mức nhập khẩu, cần theo dõi, truy xét đường đi của loại hàng hóa đặc biệt này. Nếu phát hiện có  hành vi gian dối, cần xử lý nghiêm doanh nghiệp nhập khẩu và các đối tượng liên quan, đồng thời kiên quyết xuất trả lại phế liệu về quốc gia "xuất khẩu" loại phế liệu này.

Đào Minh Khoa
.
.
.