Phía sau những vụ lừa tiền tỷ bằng… điện thoại

Thứ Bảy, 04/07/2015, 10:04
Thời gian gần đây rộ lên tình trạng lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn, chat... Chỉ một cú điện thoại hù dọa, vài lời rao... nhiều người đã dễ dàng tin, chuyển tiền cho bọn lừa đảo từ vài chục đến vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng.

Giữa tháng 2/2014, bà N.T.B.L. (ngụ quận Bình Thạnh) đang ở nhà nhận được điện thoại của một người tự xưng là người của Công ty điện thoại VNPT thông báo bà đang nợ tiền cước điện thoại 8,9 triệu đồng. Kẻ gọi đến còn cho biết, hồ sơ vụ việc đã được chuyển đến Công an Hà Nội và yêu cầu bà L. gọi vào số tổng đài 041080 sẽ được chuyển máy để làm việc với cán bộ điều tra. Mặc dù không có nợ nần gì ai nhưng bà L. vẫn răm rắp làm theo yêu cầu này. 

Từ đầu dây bên kia, một người tự xưng là Phó trưởng Công an TP Hà Nội thông báo bà đang đứng tên một tài khoản ngân hàng liên quan đến hoạt động phạm pháp rửa tiền mà Công an đang điều tra. Bà L. rụng rời tay chân nên lần lượt trả lời hàng loạt câu hỏi của kẻ tự xưng là cán bộ điều tra. Khi biết bà L. đang có tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng, đối tượng này đã đề nghị bà chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản Thanh tra Công an mang tên Dương Hứng Nữ để giám định. 

Các băng nhóm lừa đảo qua điện thoại bị đưa ra xét xử.

Kẻ này còn đe dọa bà L. nếu giám định số tiền trên có liên quan đến hoạt động rửa tiền, bà sẽ bị tạm giam để điều tra. Lo sợ, bà L. đã đến ngân hàng chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm 337 triệu đồng vào số tài khoản mà đối tượng kia cung cấp. "Ăn" quen, sáng 13/2, đối tượng này yêu cầu bà chuyển tiếp 60 triệu đồng bà L. nghi ngờ nên mới đến Công an trình báo.

Tương tự như bà L., chiều 10/3/2014, bà Nguyễn Thị C. nhận được điện thoại của một người phụ nữ cũng tự xưng là nhân viên tổng đài điện thoại thông báo còn nợ số tiền cước gần 9 triệu đồng. Sau đó, người này nối máy cho bà C. gặp một người đàn ông tự xưng là trung úy Nguyễn Trung Hiếu, cán bộ Công an TP Hà Nội. 

Qua khai thác thông tin, biết bà C. đang có 569 triệu đồng gửi tại ngân hàng, Hiếu cho biết nếu muốn chứng minh số tiền trên không phải là tiền liên quan đến tội phạm rửa tiền thì phải rút và gửi hết vào tài khoản của Công an TP Hà Nội để kiểm tra. Trong vòng 24h, nếu là “tiền sạch” thì Công an sẽ hoàn trả lại cho bà C. Nghe đến đây bà C. có hơi nghi ngờ nên đã gọi điện trình báo Công an địa phương. 

Sau đó, dù được cơ quan Công an cảnh báo là đây là băng nhóm lừa đảo, bà không nên chuyển tiền mà nhanh chóng đến Cơ quan Công an để trình bày cụ thể hơn. Nhưng do chủ quan, trước khi đến cơ quan Công an, bà C. đã chuyển tổng cộng 550 triệu đồng vào 4 tài khoản mà băng nhóm này cung cấp. Chưa đầy một giờ đồng hồ sau đó toàn bộ số tiền bà vừa chuyển, nhóm đối tượng lừa đảo đã nhanh chóng rút hết.

Gần đây cũng rộ lên tình trạng lừa đảo trúng thưởng qua mạng Zalo. Ngày 8/3/2015, chị N.T.N.D. (29 tuổi, ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) nhận được tin nhắn từ mạng Zalo với nội dung: “Bạn đã trúng được giải nhất của chương trình tri ân khách hàng, giải thưởng gồm 1 xe SH125i và 1 phiếu quà tặng trị giá 100 triệu đồng”. Theo yêu cầu của tin nhắn, chị D. truy cập vào trang web “trangchuzalo.vn” để nộp khoản tiền phí hơn 24 triệu đồng bao gồm: phí làm hồ sơ gốc, phí vận chuyển, phí trước bạ (của chiếc xe máy trúng thưởng), phí cho bên giao giải thưởng, phí cho hệ thống đến nhà trao giải thưởng... vào các tài khoản ngân hàng do “ban tổ chức” cung cấp. Đến khi đã nộp tiền nhưng không thấy giải thưởng đâu, chị D. mới đến Công an địa phương trình báo.

Từ các vụ lừa trên cho thấy nguyên nhân dẫn đến người dân dễ bị lừa là do lòng tham và sự thiếu hiểu biết.

Khi kẻ nắm thế chủ động là những tên lừa đảo, nạn nhân dễ dàng tin những lời kẻ xấu nói, sự kiểm chứng không được thực hiện và chỉ cần một cú điện thoại hay dòng tin nhắn hù dọa nạn nhân cũng thấy hoang mang, lo lắng. Lúc đó, nạn nhân chỉ nghĩ được rằng, chỉ cần làm theo yêu cầu của kẻ xấu thì có thể sẽ được “yên thân”. Cá biệt, có nạn nhân đã báo Công an và được cảnh báo đã bị lừa, đừng chuyển tiền cho bọn chúng nhưng nạn nhân vẫn lo sợ và chuyển tiền là vì vậy.

Tham dự các phiên tòa xét xử các băng nhóm lừa đảo qua điện thoại mới đây, nhiều người không khỏi phì cười khi nghe HĐXX hỏi hàng loạt nạn nhân: Các ông bà có làm ăn gì phi pháp không? Có mua bán ma túy không? Có tham gia băng nhóm rửa tiền nào không...? Tất cả đều nhận được câu trả lời "không". Vậy tại sao các ông bà lại dễ dàng chuyển cho những đối tượng từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng? Lần này thì chỉ nghe tiếng ú, ớ hoặc im lặng chứ không nghe ai trả lời. Không trả lời câu hỏi của tòa nhưng khi ngồi xuống lại nghe có tiếng rù rì: "Hghe hù như vậy ai mà không sợ..." (!).

Vì vậy, để tránh rơi vào bẫy của kẻ xấu, người dân nên cảnh giác. Chỉ khi tìm hiểu kỹ, biết tường tận về các thông tin đó mới có những động tác tiếp theo. Chỉ có chủ động, bình tĩnh thì mới tránh được các chiêu lừa đảo, bảo vệ được tài sản của mình.

A. Huy
.
.
.