Cần có biện pháp mạnh ngăn chặn "cơn bão tín dụng đen":

Phải dùng sức mạnh của luật pháp mới ngăn chặn được cơn bão "tín dụng đen"

Thứ Hai, 09/09/2013, 09:45
Tác hại của "tín dụng đen" thì rõ ràng ai cũng nhìn thấy. Nó đang từng ngày, từng giờ tàn phá đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm, hàng nghìn người dân. Nhiều vấn đề phức tạp về ANTT liên quan đến "tín dụng đen" đã xảy ra (như chúng tôi đã nêu ở các phần trước). Điều đó có lẽ buộc các cơ quan chức năng phải xem xét lại, liệu thời gian qua chúng ta đã quá thờ ơ trong việc giải quyết vấn nạn này hay không?
>> Bài 6: Bài học từ tín dụng đen tại Trung Quốc

Vấn đề khó khăn nhất, vướng mắc nhất trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" như chúng tôi đã phân tích ở trên chính là việc chưa rõ ràng về các quy định của điều luật xử lý. Vậy tại sao trong một thời gian dài, các cơ quan có chức năng không tiến hành đánh giá và có sự thay đổi, chẳng hạn có thông tư của 3 ngành tố tụng Trung ương hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về các hành vi như thế nào là phạm tội theo các điều luật kể trên?

Thiết nghĩ đây là vấn đề cần được sự vào cuộc sớm nhất của các nhà làm luật, bởi chỉ có sức mạnh của luật pháp mới có thể chặn lại cơn bão "tín dụng đen". Khi biết sẽ bị xử lý nghiêm khắc, rất nhiều người sẽ e dè trong chuyện cho vay lãi suất cao, khi đó các đối tượng huy động vốn sẽ khó đạt được mục đích. Và ngay cả các đối tượng có ý định huy động vốn, họ cũng sẽ thận trọng hơn khi biết rằng, nếu họ làm như vậy sẽ phải đối mặt với một mức án nghiêm khắc của luật pháp. Có thể chúng ta e ngại hình sự hóa các quan hệ dân sự, nhưng cũng không nên vì quá e ngại mà lại dân sự hóa các vụ án hình sự, để các đối tượng phạm tội vẫn được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Như vậy là bỏ lọt tội phạm, là có lỗi với người dân.

Nhằm mục đích đi tìm tiếng nói chung của các cơ quan bảo vệ luật pháp trong vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm:  Không thể tiếp tục để nạn "tín dụng đen" tàn phá hàng nghìn gia đình

Trong suốt quá trình làm việc với Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, chúng tôi cảm nhận được nỗi trăn trở của vị chỉ huy trước tình trạng "tín dụng đen" đang tàn phá hàng nghìn gia đình trong xã hội, gây mất ANTT. Ông cũng rất thẳng thắn trao đổi với chúng tôi về trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức xã hội, cũng như của các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Công an trong việc ứng xử với "tín dụng đen" và những hệ lụy do các loại tội phạm gây ra đằng sau vấn nạn này.

PV: Thời gian vừa qua, liên tiếp các vụ vỡ nợ "tín dụng đen" xảy ra, gây bức xức dư luận. Xin Trung tướng cho biết mức nguy hiểm của nạn "tín dụng đen" hiện nay?

Trung tướng Phan Văn Vĩnh: Ai cũng cảm nhận được sự tàn phá của nạn "tín dụng đen" trong thời gian gần đây. Hầu như ở tỉnh nào cũng có các vụ vỡ nợ xảy ra. Gần đây, nạn "tín dụng đen" càng trở nên bức xức hơn với các vụ vỡ nợ mà số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Bởi hệ lụy của nó vô cùng lớn. Hàng trăm, hàng nghìn gia đình đã rơi vào cảnh khốn cùng. Không đòi được tiền cho vay, nhiều chủ nợ đã tự ứng xử, trừng phạt lẫn nhau, thậm chí có trường hợp sử dụng đến thế lực của bọn tội phạm côn đồ, hoạt động theo kiểu "xã hội đen" để xiết nợ, xâm hại nghiêm trọng đến tình hình ANTT trong xã hội.

PV: Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước đã xảy ra 20.113 vụ phạm pháp hình sự, giảm 830 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Các lực lượng đã điều tra khám phá hơn 14 nghìn vụ, bắt giữ và xử lý trên 21 nghìn đối tượng. Trong đó, tình hình liên quan đến tín dụng đen đã xảy ra 4 vụ giết người, 28 vụ cướp tài sản, 98 vụ cưỡng đoạt tài sản, 55 vụ hủy hoại tài sản, 128 vụ lừa đảo và 124 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… Theo Trung tướng, để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về đâu?

Trung tướng Phan Văn Vĩnh: Tình trạng “tín dụng đen” vẫn diễn ra và ngày càng nghiêm trọng. Đây là những vấn đề rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội. Chính vì vậy, cả xã hội phải có trách nhiệm chung tay trong các giải pháp để kịp thời ngăn chặn và không để nó phát triển. Thời gian vừa qua, lực lượng Công an cũng đã nỗ lực tuyên truyền, kịp thời xử lý các tình huống phức tạp nảy sinh liên quan đến nạn "tín dụng đen", cũng như điều tra, xử lý nhiều vụ án liên quan đến tình trạng này. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, thì lực lượng Công an cần phải có sự đồng lòng của chính những người dân, của các cơ quan chức năng và của cả cộng đồng xã hội.

PV: Để ngăn chặn tình trạng này, theo Trung tướng, cần phải có những giải pháp như thế nào?

Trung tướng Phan Văn Vĩnh: Trước hết là trách nhiệm của mỗi công dân, cần phải tự nâng cao ý thức cảnh giác, thận trọng trong việc tiếp xúc với đối tác huy động vốn khi chưa nắm được thông tin chính xác, đầy đủ về đối tượng, không vì hám lợi mà mắc vào các vụ dụ dỗ tín dụng, đặc biệt là không nên kéo theo người thân quen vào vòng xoáy của việc vay nợ. Và trước hết là tích cực tham gia phát hiện và tố giác tội phạm sớm.

Các tổ chức xã hội như Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh… thông qua hoạt động của mình để tuyên truyền, giải thích cho các hội viên biết được "bộ mặt thật" của "tín dụng đen". Phải tuyên truyền cho mọi người cảnh giác với những loại hình huy động vốn với lãi suất cao. Tất cả các hoạt động huy động vốn có lãi suất càng cao thì nằm sau đó là rủi ro cực lớn. Lực lượng Công an, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngay cả mỗi cán bộ đảng viên đều phải là nòng cốt trong công tác tuyên truyền để người dân hiểu biết về chính sách tài chính, quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn vay an toàn, cũng như phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này. Từ đó nâng cao ý thức phòng ngừa cho cộng đồng.

Công an Hà Nội niêm phong nơi ở của đối tượng liên quan đến một vụ vỡ nợ tại quận Cầu Giấy.

Có thể thấy, tính chất của nạn "tín dụng đen" ở từng vùng miền có khác nhau, ở miền núi khác với miền biển, vùng nông thôn khác với đô thị... Nhưng nhìn chung, nó có mô hình và tính chất phạm tội tương tự giống nhau. Vì thế, để xử lý được "tín dụng đen" ở mỗi địa phương, các cơ quan công quyền phải kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, tăng cường nắm tình hình để kịp thời phát hiện sớm, có biện pháp xử lý, tránh để hậu quả và những hệ lụy khôn lường xảy ra đằng sau nạn "tín dụng đen".

Các cơ quan bảo vệ pháp luật, gồm: Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án cần thống nhất, hướng dẫn cho các đơn vị, địa phương trong toàn quốc nhằm xử lý nghiêm khắc hành vi này trước pháp luật. Bên cạnh đó, đối với các vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng liên quan đến "tín dụng đen" có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra phải thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thu hồi tài sản, thống nhất giữa ba ngành xử lý nghiêm đối tượng phạm tội theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, kiến nghị sửa đổi các điều luật quy định về các tội danh liên quan đến "tín dụng đen", đặc biệt là Điều 163 BLHS quy định về tội cho vay lãi nặng, Điều 140 BLHS về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bởi bọn tội phạm khi tham gia "tín dụng đen" luôn tìm cách "lách" để vụ việc trở về chông chênh giữa giải quyết dân sự và hình sự. Chính vì thế, chúng ta cần phải kịp thời sửa đổi điều luật để có thể xử lý nghiêm khắc tội phạm, đem lại niềm tin vững chắc cho người dân vào luật pháp. Từ đó, mọi công dân sẽ tự điều chỉnh các hành vi theo pháp luật, tránh những hệ lụy đau lòng từ nạn "tín dụng đen". 

PV: Vậy trước mắt, về phía các cơ quan bảo vệ luật pháp, chúng ta có thể thực hiện việc gì ngay để có thể tháo gỡ những khó khăn trong công tác xử lý các loại tội phạm liên quan đến nạn "tín dụng đen", thưa Trung tướng?

Trung tướng Phan Văn Vĩnh: Một là, lực lượng Công an phải làm thật tốt công tác phòng ngừa, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành đoàn thể kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả, kiềm chế không để "tín dụng đen" phát triển.

Hai là, như tôi đã nói, phải kịp thời thống nhất, sửa đổi các điều luật quy định các tội danh liên quan đến "tín dụng đen". Tuy nhiên, đó là việc không thể làm trong một sớm, một chiều. Trước mắt, 3 ngành Tư pháp Trung ương cần sớm có thông tư liên tịch, hướng dẫn cụ thể về xử lý các tội danh có liên quan đến "tín dụng đen" nhằm đấu tranh triệt để, không để oan sai, nhưng cũng kiên quyết không để lọt tội phạm. Có như vậy mới góp phần đẩy lùi và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trong giai đoạn hiện nay.

PV: Xin cảm ơn Trung tướng!

T.Hòa - X.Mai - M.Khoa - Q.Vinh
.
.
.