Phá án xuất nhập cảnh trái phép:

Phiêu lưu tìm miền đất hứa

Thứ Bảy, 20/03/2021, 09:19
Không chỉ biên giới đường bộ diễn biến phức tạp, tình hình xuất cảnh trái phép trên các cảng hàng không cũng xuất hiện nhiều phương thức và thủ đoạn mới để qua mắt lực lượng chức năng… 

Chỉ tính riêng trong năm 2020, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã tổ chức điều tra, xác minh ban đầu 17/42 vụ đối tượng tổ chức cho người Việt Nam trốn đi nước ngoài, chuyển cơ quan ANĐT của Bộ và các địa phương xử lý.

Khốn đốn vì những lời hứa có cánh

Đáng chú ý là đường dây tổ chức cho người Việt Nam nhập cảnh trái phép vào Mỹ. Trong vụ án này, ba đối tượng đã tổ chức cho hai người Việt Nam nhập cảnh trái phép vào Mỹ nhưng bất thành.

Đây cũng là vụ án đầu tiên, Cục Quản lý xuất nhập cảnh khởi tố hình sự theo nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh thuộc lực lượng CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; được lãnh đạo Bộ Công an khen thưởng. 

Vụ án bắt nguồn từ việc Cục Quản lý xuất nhập cảnh tiếp nhận hai công dân do phía Mỹ trao trả về nước là Nguyễn Văn T và Trần Thị A (cùng trú tại Hà Tĩnh). Cuối năm 2017, đầu năm 2018, do có nhu cầu sang Mỹ định cư, T và A đã qua một đối tượng ở TP Hồ Chí Minh xin thị thực sang Mỹ nhưng đã bị từ chối… Thế nhưng, vợ chồng họ chưa bao giờ nguôi ngoai ý định tìm đến miền đất hứa. Vì thế, khoảng cuối năm 2019, T tiếp tục liên lạc với các đối tượng ở TP Hồ Chí Minh thông qua số điện thoại các đối tượng đăng quảng cáo về việc xin cấp thị thực Mỹ. Sau khi thống nhất, anh T đã vào TP Hồ Chí Minh gặp các đối tượng trong đường dây.

Cái giá phải trả cho chuyến xuất ngoại chui này là 86 nghìn USD (tương đương hơn 4 tỷ đồng cho hai người), quả là một số tiền không nhỏ. Thế nhưng, khát khao tìm đến miền đất hứa khiến họ chẳng tính toán thiệt hơn, đồng ý với cái giá mà bọn chúng đưa ra. Việc đưa tiền được thực hiện khi họ sang đến châu Âu và người được giao trọng trách chuyển tiền này chính là bố vợ T…

“Ngày 2/8/2019, chúng tôi đến Mexico, bố vợ tôi đã chuyển cho các đối tượng 700 triệu đồng. Khi ấy, chúng tôi mừng mừng tủi tủi, nào ngờ… lại bị bắt giữ vào trại tập trung ở Mỹ. Trong thời gian ở đây, các đối tượng tiếp tục yêu cầu chuyển tiền và bố vợ tôi lại tiếp tục chuyển 700 triệu đồng và 1.000 USD… Tổng số tiền tôi đã chuyển cho các đối tượng là là 61 nghìn USD”, Nguyễn Văn T cho biết.

Theo thoả thuận giữa vợ chồng T và đối tượng đưa dẫn thì khi sang đến Mexico, cả hai sẽ được nhận thẻ xanh để nhập cảnh vào Mỹ nhưng giấc mơ thiên đường của họ đã sụp đổ. Trong vụ án này, phương thức của đối tượng là sẽ cho khách xuất cảnh hợp pháp sang Nhật du lịch; sau đó, sử dụng thị thực Nhật Bản sang Mexico, vì ở đây miễn thị thực cho công dân Nhật Bản. Tại Mexico sẽ có đối tượng là người Mỹ, gốc Việt đón; hướng dẫn đưa đi xuất cảnh trái phép qua đường bộ giữa Mexico vào Mỹ qua đường bộ.

Trong quá trình vợ chồng T và A ở tại trại tỵ nạn, các đối tượng vẫn liên lạc và hứa hẹn sẽ có luật sư bảo lãnh, sẽ có thẻ xanh và yêu cầu họ không khai báo về nơi cư trú để tránh bị đẩy đuổi về Việt Nam… Tất cả những điều đó, vợ chồng anh T đều làm theo. Nhưng sau đó, họ vẫn bị đưa về Việt Nam.

Trong năm 2020, tình trạng xuất cảnh trái phép trên đường biển cũng diễn biến phức tạp. Mới đây, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phát hiện đường dây đưa người Việt Nam xuất cảnh trái phép vào Đài Loan bằng đường biển. Trong vụ án này, các đối tượng thu, gom người ở khu vực biên giới phía Bắc ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Lạng Sơn rồi đưa sang Trung Quốc, tập trung tại Phúc Kiến. Từ đây, những người có nhu cầu xuất cảnh tiếp tục được đi bằng đường biển từ Trung Quốc sang Đài Loan.

Các trường hợp xuất cảnh trái phép phần lớn là những người Việt Nam sang Đài Loan lao động, vi phạm pháp luật và bị cấm nhập cảnh vào Đài Loan. Biết rằng không thể quay lại hợp pháp nên họ tìm con đường bất hợp pháp để đi. 

Vụ án bắt nguồn từ việc Phòng 6 phát hiện phía Đài Loan trục xuất 30 công dân Việt Nam (CDVN) trên chuyến bay VJ24…, ngày 27/10/2020 qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ do nhập cảnh trái phép. Nhận định đây là đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép, lãnh đạo đơn vị đã cử tổ công tác của Phòng 6 nắm tình hình hình, xác minh, xử lý.

Trong số 30 công dân Việt Nam (CDVN) có 23 nam và 7 nữ có độ tuổi từ 21 đến 50 thường trú tại các địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Ninh… Tất cả đều từng bị Đài Loan trục xuất do cư trú, lao động bất hợp pháp, nay tiếp tục có nhu cầu trở lại Đài Loan để lao động nên đã thông qua thân nhân, bạn bè đang sinh sống, làm việc tại Đài Loan hoặc tìm kiếm trên facebook, zalo để liên hệ các đối tượng tổ chức xuất cảnh trái phép.

Các đối tượng tổ chức với phương thức rất tinh vi. Hai người Trung Quốc, trong đó có đối tượng chủ mưu sẽ trực tiếp đưa, dẫn, thu tiền theo chỉ đạo của đối tượng người Việt Nam hiện đang ở Đài Loan. Nhóm từ Hà Giang sang Trung Quốc có 19 người, liên hệ với các đối tượng ở Việt Nam; nhóm từ Cao Bằng sang Trung Quốc có 11 đối tượng. 

Tất cả 30 CDVN được tập trung tại Hà Nội, trong đó có 4 người đã liên hệ với đối tượng đón. Sau đó, các trường hợp này được tổ chức vượt biên vào ban đêm do 2 người thông thạo địa hình và ngôn ngữ Trung – Việt) trực tiếp đưa dẫn. Tiếp đó, họ bị tập trung tại một trang trại nuôi heo ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).Để tránh bị phát hiện, đối tượng chủ mưu đã thu giữ điện thoại và yêu cầu đương sự nộp cho đối tượng từ 2.000 đến 3.000 USD/người. 

Ngày 6/7/2020, các đương sự được tổ chức xuất cảnh đi sang Đài Loan bằng tàu cá của Trung Quốc, do 2 người Trung Quốc lái. Sau đó, chuyển sang tàu Đài Loan do 2 người Đài Loan lái đến vùng biên giới biển của Đài Loan gần thành phố Cao Hùng. Đường dây đã hoạt động từ năm 2013 và nhiều lần tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép Đài Loan trót lọt.

Đầu năm 2020 đến thời điểm bị phát hiện, các đối tượng đã tổ chức 3 nhóm với 96 người xuất cảnh trái phép đi Đài Loan cùng phương thức như trên nhưng đều bị cơ quan chức năng của Đài Loan phát hiện và bắt giữ. Nhóm 30 người đến Đài Loan vào tháng 3/2020 trả về Việt Nam vào tháng 6/2020 ; nhóm đến vào tháng 7/2020 đã trả về vào tháng 10/2020 và nhóm 36 người đến Đài Loan vào tháng 9/2020, trong đó có 34 người đã bị tạm giữ, 1 người trốn thoát, 1 người đã được trả về Việt Nam qua cửa khẩu Cam Ranh vào ngày cuối tháng 10 do đang mang thai..

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Cục An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết, các nước mà người xuất cảnh trái phép hướng đến ở châu Á gồm có Trung Quốc, Đài Loan, nơi không cần lao động có trình độ cao. Nếu châu Âu thì điểm đến của người xuất cảnh trái phép sẽ là Đức, Pháp, Séc, Angola. Nguyên nhân của tình trạng xuất cảnh trái phép theo lãnh đạo Cục An ninh điều tra Bộ Công an thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là vấn đề kinh tế….

Những người này ra đi đều có cơ sở là có người nhà đang sinh sống ở nước ngoài. Cùng với đó là do trình độ nhận thức còn hạn chế, đầu tiên là về pháp luật, sau đó là quy định về xuất, nhập cảnh nên nhiều người đánh đổi số phận để tìm miền đất hứa.

Công an tỉnh Lào Cai trao trả đối tượng cho Công an tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Quyết liệt ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép

Tham vọng về một cuộc sống giàu sang, nhiều người đã bỏ mạng ở nơi đất khách quê người như trường hợp của 39 người tử nạn trên chiếc xe container ở Anh cách đây hơn một năm. Không ít người trở thành nạn nhân của những đường dây mua bán người; số còn lại rơi vào cảnh nợ nần chồng chất… Vậy giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng trên? 

Việc xuất cảnh trái phép để lại những hệ lụy khôn lường, người vi phạm có thể bị nguy hiểm đến tính mạng; bị lừa đảo; nguy cơ muốn đi phải vay mượn về thì nhà mất, gia đình ly tán. Giấc mơ Mỹ và giấc mơ châu Âu sụp đổ khi không ít người ở lại lao động trái phép phải sống chui rúc trong các container, làm việc ở các xưởng may đen…, trốn tránh sự truy tìm gắt gao của cơ quan chức năng của sở tại. Các lao động bất hợp pháp thường không có giấy tờ (muốn vào trại tị nạn phải vứt hộ chiếu đi) chấp nhận lang bạt nơi đất khách quê người, không ít trường hợp bị bóc lột sức lao động, bị lừa bán, bóc lột tình dục; nguy cơ tống về nước và vào các trại tị nạn.

Trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an đã chủ động đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý người nước ngoài nhập cảnh trái phép; kết quả đã phối hợp với Công an 40/63 địa phương phát hiện, xử lý 164 vụ/ 968 người Trung Quốc và 53 người nước ngoài thuộc các quốc tịch khác nhập cảnh trái phép.

Đáng chú ý đã phát hiện, phối hợp với Công an các địa phương đấu tranh hoạt động lợi dụng pháp nhân doanh nghiệp, lập doanh nghiệp “ma” để làm thủ tục mời, bảo lãnh cho người nước ngoài vào làm việc không đúng đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ. Điển hình là vụ việc xảy ra tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh với 15 đối tượng, 16 doanh nghiệp mời bảo lãnh cho 200 người Trung Quốc nhập cảnh. Bàn giao 639 người nước ngoài, trong đó có 31 đối tượng truy nã…

Để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, mới đây, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xây dựng Luật Xuất nhập cảnh của Công dân Việt Nam… Nội dung của Luật có nhiều điểm mới, cải tiến, đơn giản hóa so với quy định hiện hành; việc áp dụng công nghệ trong cấp giấy tờ và kiểm soát xuất nhập cảnh; những vấn đề về hộ chiếu công vụ và hộ chiếu ngoại giao của công dân Việt Nam. Đây là hành lang pháp lý điều chỉnh lĩnh vực xuất nhập cảnh. Ngoài việc mở rộng, tạo điều kiện cho công dân xuất nhập cảnh cũng đã quy định rõ công tác quản lý và xử lý vi phạm về hành vi xuất nhập cảnh.

 Để ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, chỉ lực lượng Công an không đủ mà còn sự phối hợp của các cấp các ngành trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, UBND thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động quần chúng trong việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19; đấu tranh phòng, chống tấn công tội phạm, ngăn chặn việc đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép.

Cùng với đó, tiếp tục củng cố, duy trì và nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng, điển hình tiên tiến thực sự có hiệu quả trong phòng, chống tội phạm. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự tuyến biên giới Việt Nam- Trung Quốc; Việt Nam- Lào và Việt Nam Campuchia…

Chủ động trong công tác nắm tình hình và xử lý kịp thời những vấn đề liên quan tới tội phạm có liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép; phối hợp với các lực lượng có liên quan tiến hành khảo sát các tuyến, hành lang xuất nhập cảnh dọc tuyến biên giới để chủ động trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này. Cùng với đó, đẩy mạnh việc thực hiện quy chế phối hợp với Viện Kiểm sát và Tòa án cùng các lực lượng điều tra, xử lý ngăn chặn tội phạm có liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép.

Một giải pháp tất yếu nữa là việc phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; chính quyền sở tại trong việc tạo công ăn việc làm tại địa phương… Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép.

Xuân Mai
.
.
.