Ngày thứ ba xét xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm:

Nữ Tổng Giám đốc Công ty B&B phân trần về sự thiếu hiểu biết

Thứ Ba, 02/12/2014, 19:42
Sáng 2/12, TAND Tối cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Bị án Trần Văn Thanh sau hai ngày được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đã được đưa trở lại phiên tòa. Ngay đầu giờ làm việc, phiên tòa đã “nóng” với đối đáp của bị cáo Kiên với HĐXX về hành vi kinh doanh vàng trái phép và kinh doanh tài chính trái phép.

Bị cáo Kiên không trả lời ngay câu hỏi của HĐXX mà xin đọc toàn bộ nội dung đơn kháng cáo dài 118 trang: “Toàn bộ nội dung kháng cáo này tôi viết tay trong thời gian 50 ngày ở trại giam. Đề nghị HĐXX cho tôi được đọc hết toàn bộ như sự trình bày có hệ thống về những điều tôi kháng cáo bản án sơ thẩm”. HĐXX yêu cầu bị cáo Kiên không đọc nguyên văn đơn mà chỉ trình bày ngắn gọn những nội dung cần kháng cáo. Tuy nhiên, bị cáo Kiên vừa đọc đơn kháng cáo, vừa lập luận theo suy nghĩ của mình buộc HĐXX phải “dọa” cắt quyền được trả lời của bị cáo thì Kiên mới thôi. Nhưng sau đó, Kiên xin HĐXX dành cho mình khoảng 3 tiếng liên tục để trình bày quan điểm của mình đối với quy kết của Tòa sơ thẩm mà Kiên cho là sai sót. “HĐXX sẽ dành thời gian cho bị cáo nói dài, nhưng thời gian ấy sẽ ở phần tranh luận chứ không phải bây giờ”, vị Chủ tọa nói. “Bản án sơ thẩm phán quyết các công ty của tôi không đăng ký kinh doanh vàng, nhưng lại kinh doanh vàng là vi phạm là chưa thỏa đáng. Vì trong giấy phép đăng ký kinh doanh của các công ty có ghi rõ là mua - bán hàng hóa. Theo cách hiểu của tôi thì vàng là một loại hàng hóa. Vậy thì không phải đăng ký kinh doanh thêm mặt hàng vàng nữa. Ngoài ra, bản án sơ thẩm cũng phán quyết các công ty của tôi không kinh doanh các ngành nghề đã đăng ký mà lại kinh doanh tài chính không được cấp phép là chưa thuyết phục. Bởi tôi cho rằng, không nhất thiết cứ đăng ký ngành nghề nào thì công ty phải kinh doanh ngành nghề ấy”, Kiên biện minh. Kết thúc trả lời thẩm vấn nội dung này, bị cáo Kiên không thừa nhận đã phạm tội tội kinh doanh trái phép như bản án sơ thẩm quy kết.

Bà Lan và bà Hương.

HĐXX chuyển sang thẩm vấn về hành vi trốn thuế: Theo bản án sơ thẩm, bà Đặng Ngọc Lan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại B&B (viết tắt là Công ty B&B) được bị cáo Kiên, khi đó là Chủ tịch HĐQT Công ty B&B ủy quyền ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Ngân hàng ACB thực hiện các hợp đồng đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sau khi trừ chi phí vốn và phí ủy thác, Công ty B&B thu được số tiền lãi hơn 100 tỷ đồng. Do biết  Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong sáu tháng đầu năm 2009, để trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B, theo chỉ đạo của Kiên, bà Lan đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với em gái Kiên là bà Nguyễn Thúy Hương. Bà Hương cũng là cổ đông của Công ty B&B. Nhưng do Công ty B&B không có đăng ký ngành nghề kinh doanh “nhận ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài” nên hợp đồng ủy thác giữa bà Hương và Công ty B&B được xác định là không hợp pháp. Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh trạng thái vàng của công ty cho bà Hương thụ hưởng để trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền hơn 25 tỷ đồng.

Khi HĐXX thẩm vấn về việc Công ty B&B ký hợp đồng ủy thác trái pháp luật để trốn thuế, bà Lan thừa nhận mình là người ký hợp đồng này, còn có đúng pháp luật hay không thì bà không biết. Theo bà Lan thì bà ký các hợp đồng này vì tin chồng chứ không hiểu hết bản chất vấn đề. “Tất cả các hoạt động điều hành công ty này đều do anh Kiên thực hiện. Chỉ những văn bản, giấy tờ gì liên quan đến chức danh Tổng Giám đốc công ty thì tôi ký. Nhưng trước khi ký, tôi đều hỏi anh Kiên và phải được anh Kiên cho phép tôi mới ký” HĐXX hỏi tiếp bà Lan về việc thanh toán tiền giữa Công ty B&B với Ngân hàng ACB. Bà Lan trả lời, không biết về vấn đề này. “Tôi là Tổng Giám đốc công ty nhưng chủ yếu ở nhà làm công việc của phụ nữ và nuôi dạy con. Các văn bản anh Kiên mang về nhà bảo tôi ký thì tôi ký”, bà Lan nói. HĐXX hỏi “Khi vụ án xảy ra, bà có nghĩ mình là đồng phạm với Kiên không?”. Nghe câu hỏi này, bà Lan đã khóc “Thưa tòa, tôi hiểu là mình đã ký vào bất kỳ văn bản gì thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều đó. Nhưng do không hiểu nhiều về Luật Doanh nghiệp nên tôi hành động cũng vì niềm tin. Tôi không nghĩ có một ngày sẽ là đồng phạm với anh Kiên. Dù không hiểu hết các nội dung liên quan trong hợp đồng nhưng tôi vẫn ký vì tôi tin anh Kiên. Rất mong Tòa hiểu cho tôi điều này”. HĐXX hỏi bà Nguyễn Thúy Hương “Lý do bà ký hợp đồng ủy thác cho Công ty B&B?”. Bà Hương trả lời “Vì tôi không có năng lực này và tôi tin tưởng anh Kiên nên mới ủy quyền cho Công ty B&B”.

Cũng theo bà Hương thì bà đã được nhận tiền từ việc ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính cho Công ty B&B, nhưng không nhớ đã nhận được cụ thể bao nhiêu. Khi HĐXX thẩm vấn về hành vi trốn thuế, bị cáo Kiên không thừa nhận đã phạm tội này như bản án sơ thẩm quy kết.

Tiến hành thẩm vấn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX đã cách ly bị cáo Kiên khỏi phòng xử án. Theo bản án sơ thẩm, với tư cách là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, Kiên đã chỉ đạo hai cấp dưới là Trần Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc công ty và Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng công ty lập khống biên bản họp HĐQT, lập khống quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương từ Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội bán 20.000.000 cổ phần của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát đang thế chấp tại Ngân hàng ACB để chiếm đoạt số tiền 264 tỷ đồng. HĐXX thẩm vấn hành vi này, bị án Yến thừa nhận nội dung bản án sơ thẩm nêu là đúng. Yến khẳng định “Toàn bộ nội dung liên quan đến hành vi này đều do anh Kiên chỉ đạo, tôi chỉ là người thực hiện”. Sáng 3/12, phiên tòa tiếp tục.

Nguyễn Hưng
.
.
.