Vụ nghe lén hơn 14.000 thuê bao:

Nội dung nghe lén và việc xử lý các đối tượng liên quan như thế nào?

Thứ Năm, 03/07/2014, 11:03
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, vụ nghe lén hơn 14.000 thuê bao điện thoại ở Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (Công ty Việt Hồng) đã có những kết quả điều tra ban đầu. Bên cạnh một số nội dung đã được Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội báo cáo trong cuộc họp tại Thành ủy Hà Nội chiều 1/7, phóng viên Báo CAND đã có những tìm hiểu thêm về vụ việc này.

Những thông tin nào đã bị nghe lén

Đến thời điểm Công an TP Hà Nội phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra hoạt động của Công ty Việt Hồng, các dữ liệu thu thập được còn lưu giữ trong máy chủ, xác định đã có 14.140 tài khoản đã sử dụng gói phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng. Trong đó còn lưu dữ liệu của 7.447 tài khoản, còn 6.693 tài khoản đã bị xóa dữ liệu khỏi máy chủ. Thời điểm hiện tại còn 670 khách hàng đang còn trong thời hạn Công ty Việt Hồng giám sát các thuê bao di động đang hoạt động.

Sau khi phát hiện vụ án, bước đầu, cơ quan Công an đã rút xác suất một số dữ liệu từ các tài khoản còn đang lưu dữ liệu tại máy chủ của Công ty Việt Hồng để tiến hành kiểm tra nội dung (khoảng 40 dữ liệu). Theo Đại tá Dương Văn Giáp, qua kiểm tra, hiện chưa phát hiện nội dung nào liên quan đến an ninh quốc gia hoặc tính mạng con người.

Công an TP Hà Nội kiểm tra tang vật thu giữ tại Công ty Việt Hồng.

Được biết, các nội dung đã được kiểm tra chỉ liên quan đến đời sống cá nhân trong các gia đình. Có một trường hợp, người vợ nghi vấn chồng mình có người tình bên ngoài nên đã thuê Công ty Việt Hồng cài đặt việc nghe lén các cuộc điện thoại, tin nhắn của chồng mình. Nội dung các cuộc điện thoại, tin nhắn hằng ngày, tất tật từ trao đổi công việc, quan hệ bạn bè bên ngoài… đều được phần mềm của Công ty Việt Hồng lưu giữ lại.

Một trường hợp khác là người cô thuê cài đặt để nghe lén điện thoại của người cháu ruột. Số là, người cháu này đang ở cùng cô trên Hà Nội và mới được gia đình xin cho một công việc ổn định và thu nhập khá. Nhưng người cháu lại mới có người yêu, đưa về cho cô xem mặt và không được người cô đồng ý. Lo ngại đứa cháu không nghe lời mình, nên người cô đã thuê cài đặt, nghe lén điện thoại của cháu…

Chưa xử lý hình sự Giám đốc Công ty Việt Hồng

Theo báo cáo của Đại tá Dương Văn Giáp, hiện cơ quan Công an đã phân chia các đối tượng vi phạm pháp luật thành 2 nhóm: Nhóm 1 có hành vi “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông Internet” (vi phạm Điều 226 BLHS). Đây là nhóm các đối tượng là nhân viên của Công ty Việt Hồng.

Hiện cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can 4 đối tượng của Công ty Việt Hồng, gồm: Nguyễn Việt Hùng, 40 tuổi, Phó Giám đốc công ty; Lê Thanh Lâm, 32 tuổi, Trưởng phòng kỹ thuật; Trần Minh Ngọc, 24 tuổi, nhân viên hỗ trợ khách hàng và Nguyễn Thị Nga, 24 tuổi, nhân viên tư vấn khách hàng hỗ trợ văn phòng.

Ngày 26/6, Viện KSND TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố 4 bị can và phê chuẩn quyết định bắt 3 bị can là Nguyễn Việt Hùng, Lê Thanh Lâm và Trần Minh Ngọc để tạm giam. Riêng trường hợp bị can Nguyễn Thị Nga do đang mang thai nên cơ quan CSĐT đã thống nhất với Viện KSND TP áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo cơ quan điều tra, hiện vẫn đang tiếp tục xem xét, điều tra về hành vi của các đối tượng liên quan thuộc Công ty Việt Hồng. Tuy nhiên, ở một số đối tượng thuộc công ty này, việc khởi tố bị can là chưa đủ điều kiện. Chẳng hạn, đối với Giám đốc Công ty Việt Hồng, là người chịu trách nhiệm cao nhất của công ty này, nhưng lại giao toàn bộ việc kinh doanh, điều hành việc kinh doanh phần mềm cho Phó Giám đốc Nguyễn Việt Hùng nên chỉ liên đới trách nhiệm quản lý, chứ chưa thể xử lý hình sự. Hoặc một số nhân viên khác của Công ty Việt Hồng, cũng tham gia vào việc cài đặt, kinh doanh phần mềm nghe lén như Lê Thanh Tâm, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Ngọc Kiều, Lê Sỹ Phán. Theo chỉ đạo của Hùng, các nhân viên này đã xây dựng, phát triển, cung cấp dịch vụ phần mềm có chức năng giám sát di động (Ptracker). Tuy nhiên, đây chỉ là các nhân viên “làm công ăn lương” cho công ty, không được hưởng lợi từ hành vi phạm tội nên rất khó xem xét về trách nhiệm hình sự. 

Còn nhóm vi phạm pháp luật thứ 2 là số đối tượng đã thuê Công ty Việt Hồng sử dụng phần mềm Ptracker để giám sát máy điện thoại và đời tư của người khác, có dấu hiệu phạm tội “xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” theo Điều 125 BLHS. Đối với nhóm này, như chúng tôi đã đưa ở trên, kiểm tra xác xuất một số trường hợp thì toàn phát hiện nội dung liên quan đến việc giám sát các cá nhân trong gia đình. Theo cơ quan điều tra, xét về hành vi, những đối tượng thuê giám sát đã vi phạm pháp luật, nhưng khởi tố bị can đối với những người này cũng phải được xem xét kỹ lưỡng. Còn đối với các trường hợp khác, trong thời gian tới, cơ quan Công an sẽ tiến hành mở niêm phong các phương tiện thu giữ của công ty Việt Hồng liên quan đến việc lưu giữ các dữ liệu của những khách hàng thuê giám sát điện thoại

T. Hòa
.
.
.