Những thăng trầm trong đời nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải

Thứ Tư, 04/06/2014, 11:24
Xuất hiện trước vành móng ngựa tại phiên tòa xét xử vụ án này sau gần hai năm sống trong trại tạm giam, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải không còn vẻ hào hoa, phong độ ngày nào, thay vào đó là gương mặt tiều tụy và tinh thần suy sụp. Trong suốt những ngày diễn ra phiên xử, ông Hải luôn biện minh rằng: “Tôi nghĩ những việc tôi đã làm không sai” hoặc “Những sai phạm ấy chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Từ một doanh nhân thành đạt

Ông Lý Xuân Hải, 49 tuổi, trú tại phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh từng được nhiều nhà kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng xem như một điển hình của tài năng và thành đạt. Ông Hải được biết đến là doanh nhân có quan điểm sống mạnh mẽ, có năng lực quản lý tài chính, trình độ học vấn cao với bằng: Thạc sĩ Kinh tế Đại học Paris Dauphine, Tiến sĩ Toán - Lý Đại học Tổng hợp quốc gia Belarus...

Bắt đầu giữ cương vị Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB năm 2005, ông Hải đã nhanh chóng khẳng định được mình trong vai trò của một nhà quản lý kinh tế giỏi. Trong hai năm 2007 và 2010, ông Hải được đánh giá là một trong những lãnh đạo ngân hàng cổ phần xuất sắc nhất Việt Nam. Thời điểm ấy, những thành công của ông Hải và của Ngân hàng ACB được đánh giá rất ấn tượng. Cùng với cộng sự, ông Hải đã dẫn dắt Ngân hàng ACB gặt hái nhiều thành công và đưa ngân hàng này trở thành một trong những ngân hàng cổ phần có thương hiệu ở Việt Nam. Thế nhưng tất cả những thành công của ông Hải giờ đã là quá khứ, khi chính ông thực hiện quyết định sai lầm.

Trong bối cảnh rất nhiều ngân hàng cổ phần đang đối mặt với doanh thu thì ACB cũng không ngoại lệ. Dưới áp lực của Nguyễn Đức Kiên, thời điểm đó là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, có lẽ ông Hải phải chấp nhận phương án không được làm giảm tổng tài sản của ngân hàng này(?). Để thực hiện Nghị quyết của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB về việc ủy thác cho nhân viên mang tiền của Ngân hàng ACB gửi vào các tổ chức tín dụng để nhận lãi suất tiền gửi và hưởng thêm hoa hồng, ông Hải đã trực tiếp chỉ đạo cấp dưới trong Ngân hàng ACB thực hiện nhiệm vụ gửi trái quy định số tiền rất lớn vào các tổ chức tín dụng. Hậu quả của việc làm trái này đã khiến Ngân hàng ACB bị mất toàn bộ số tiền gửi. Trách nhiệm này không chỉ thuộc về cá nhân ông Hải mà còn thuộc về cả Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, những người đã tham gia cuộc họp và thống nhất Nghị quyết về việc gửi tiền trái quy định cho các tổ chức tín dụng.

Ông Lý Xuân Hải khi làm Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB và bị cáo Lý Xuân Hải trước vành móng ngựa.

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, thực hiện chủ trương của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, từ ngày 27-6 đến 5-9-2011, ông Lý Xuân Hải, khi đó là Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB đã ủy thác gửi tiền và chỉ đạo nhân viên của Ngân hàng ACB mang số tiền gần 719 tỷ đồng gửi tiết kiệm vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Việc làm của ông Hải và Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB tưởng như là phương án làm kinh tế hiệu quả, nhưng trớ trêu thay là toàn bộ số tiền mà Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên mang gửi đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh chiếm đoạt hoàn toàn.

Ngoài ra, ông Hải còn bị cáo buộc trong việc thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền gần 688 tỷ đồng. Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã chỉ ra những sai phạm có hệ thống của ông Hải và đồng phạm, qua đó đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt ông Hải mức án từ 12 đến 14 năm tù giam về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

Đến quyết định sai lầm vướng vòng lao lý

Xuất hiện trước vành móng ngựa tại phiên tòa xét xử vụ án này sau gần hai năm sống trong trại tạm giam, ông Hải không còn vẻ hào hoa, phong độ ngày nào, thay vào đó là gương mặt tiều tụy và tinh thần suy sụp. Trong suốt những ngày diễn ra phiên xử, ông Hải luôn biện minh rằng: “Tôi nghĩ những việc tôi đã làm không sai” hoặc “Những sai phạm ấy chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Những biện minh của ông Hải hoàn toàn dựa vào suy diễn của cá nhân mình với lập luận kiểu như: “Cơ quan quản lý chưa có văn bản nào quy định không được làm nên không thể quy kết là tôi đã làm sai”. Là một doanh nhân, lại là doanh nhân thành đạt nên hơn ai hết ông Hải phải là người nắm rất rõ về Luật Doanh nghiệp, về những quy định của Nhà nước cho phép doanh nghiệp được kinh doanh căn cứ vào cơ sở pháp lý nào. Nhưng dường như ông Hải cố tình quên đi điều kiện cần và đủ đối với một doanh nghiệp là khi kinh doanh lĩnh vực nào thì bắt buộc phải đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng, và phải được cơ quan chức năng cấp phép thì kinh doanh nghiệp mới được doanh lĩnh vực đó. Chính từ những việc làm trái quy định pháp luật của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB và cá nhân ông Hải đã  khiến cả Thường trực Ngân hàng ACB hùng mạnh ngày nào vướng vòng lao lý.

Có thể thấy, các hoạt động trên thị trường tài chính, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng rất phức tạp. Để thành công, ngoài tài năng, trình độ, hiểu biết và kinh nghiệm của các doanh nhân thì còn phải làm đúng các quy định của pháp luật. Chính vì thế, dù biện minh thế nào thì với những sai phạm xảy ra, các cá nhân vẫn phải chịu phán xét của pháp luật. Bài học vi phạm trong công tác quản lý kinh tế từ nhà quản lý tài ba như Lý Xuân Hải là một minh chứng rõ nhất. Chỉ một sai lầm trong công tác quản lý đã đưa ông Hải từ đỉnh cao của danh vọng, tiền bạc trở thành người vi phạm pháp luật và đang phải đối diện với bản án nghiêm khắc sẽ được Tòa tuyên phạt vào ngày 9-6 tới đây.

Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, điều khiến các nhà kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng lấy làm tiếc cho cá nhân ông Hải và những người có trọng trách ở Ngân hàng ACB khi họ cùng nhau thực hiện kế hoạch kinh doanh “lầm đường lạc lối”. Điều đó đã gây tổn thất cho ngân hàng và gây họa cho chính họ. Suốt những ngày diễn ra phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, dư luận cho rằng, cái tài của ông Hải là chưa đủ, bởi ông còn phải chịu ảnh hưởng quá lớn của một cổ đông quan trọng trong ngân hàng này là Nguyễn Đức Kiên. Nhưng cũng những ý kiến trái chiều về vấn đề này khi nêu quan điểm, ông Hải cũng là cổ đông lớn, cũng là một trong những người cầm trịch của Ngân hàng ACB thì tại sao lại không đủ bản lĩnh để ngăn chặn những phương án sai lầm của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB(?).

Vẫn biết mọi quyết định đều có thể xảy ra rủi ro trong quá trình thực hiện. Nhưng vấn đề quan trọng lại phụ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Trong quá trình công tác ở lĩnh vực ngân hàng, ông Hải có nhiều lựa chọn đúng và thực hiện thành công. Nhưng cũng chính ông Hải đã phạm sai lầm trong quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh ngân hàng để bây giờ phải gánh chịu hậu quả

Nguyễn Hưng
.
.
.