Những người đàn bà lấy “mác” cán bộ để lừa đảo

Chủ Nhật, 23/10/2016, 17:47
Sử dụng mác cán bộ nhà nước, sau đó gây lòng tin rằng quen biết với nhiều lãnh đạo kèm theo những lời hứa chắc chắc để người dân tin tưởng giao tiền nhờ xin việc là thủ đoạn của những người phụ nữ không an phận này. 

Ba người đàn bà cùng trang lứa, đang làm việc ổn định tại một số cơ quan, đơn vị của nhà nước. Thế nhưng họ không chuyên tâm phấn đấu theo con đường đã chọn mà lại muốn lấy “mác” cán bộ để lừa đảo người dân, kiếm tiền bất chính. Hậu quả từ hành vi vi phạm pháp luật đã đưa họ đến với trại giam với thời gian thi hành án dài đằng đẵng. TAND TP Hà Nội vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử ba người đàn bà này.

1. Lương Thị Thúy Hải (41 tuổi, quê ở Hưng Yên) là nhân viên của Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Hội Cựu chiến binh Hà Nội từ năm 2007. Hải làm việc tại Văn phòng “Tư vấn và giới thiệu việc làm Gia Lâm” và được giao nhiệm vụ quản lý phụ trách văn phòng. 

Năm 2012, trung tâm này có quyết định giải thể văn phòng giao dịch trên. Do không đủ năng lực đáp ứng công việc, năm 2013, Hải bị cho thôi việc. Mặc dù không có giấy phép, không được trung tâm ủy quyền nhưng Hải tự mở văn phòng, treo các biển hiệu “Trung tâm giới thiệu việc làm Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội - Văn phòng Gia lâm”, “Việc làm lao động trong nước và nước ngoài”, “Liên kết tuyển sinh cao đẳng và đại học” để quảng bá. 
Các bị cáo (từ trái qua): Hải, Oanh và Hà.

Hải tự giới thiệu là cán bộ Trung tâm dịch vụ việc làm, Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội, có nhiều mối quan hệ và có khả năng xin việc làm cho người có nhu cầu vào làm việc tại các cơ quan nhà nước như bệnh viện hoặc xin học vào các trường Công an. Nhận tiền của nhiều người, nhưng Hải không thực hiện như hứa hẹn mà chiếm đoạt. 

Từ tháng 3-2013 đến tháng 9-2014, Hải đã chiếm đoạt tổng số tiền 950 triệu đồng của 4 bị hại. Bị hại ít nhất là 120 triệu đồng, người nhiều nhất là 440 triệu đồng. Hải khai nhận giao tiền cho những người khác nhau. 

Trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình giúp bị cáo Hải mới khắc phục, trả cho bị hại 100 triệu đồng, còn chiếm đoạt 850 triệu đồng. HĐXX đã tuyên phạt Hải 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

2. Phan Thị Oanh (37 tuổi, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) là giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh tại một trường THCS thuộc quận Nam Từ Liêm từ năm 2013. 

Tiếp xúc với mọi người, Oanh thường khoe quan hệ rộng, có khả năng xin học, xin việc tại các trường thuộc lực lượng vũ trang, trường học, bệnh viện, cơ quan nhà nước. Tùy từng vị trí, Oanh yêu cầu người xin việc phải đưa cho chị ta số tiền từ 80 triệu đồng đến 500 triệu đồng. 

Bằng thủ đoạn này, từ tháng 9- 2013 đến 10- 2014, có 24 người đã giao gần 8,7 tỷ đồng cho Oanh để chạy việc. Cầm tiền của mọi người, Oanh không xin được việc làm, xin học như hứa hẹn mà chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân. Nạn nhân bị thiệt hại nặng nề nhất có ông Nguyễn Văn Bình (ở Quảng Ninh). 

Do có nhu cầu xin cho con gái vào trường trung cấp y Học viện Hậu cần kỹ thuật, ông Bình đưa cho Oanh số tiền 500 triệu đồng. Một thời gian sau, lấy lý do điều chỉnh học bạ, Oanh đòi thêm 100 triệu đồng nhưng không thực hiện được như đã hứa. Khi ông Bình truy hỏi, chị ta tiếp tục nại ra việc có suất vào một trường Công an với giá 945 triệu đồng. Ông Bình vẫn tin tưởng và đưa tiếp cho Oanh 700 triệu đồng. Tổng số tiền Oanh chiếm đoạt của ông Bình là 1,3 tỷ đồng. 

Trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo mới hoàn trả được cho một số bị hại với số tiền hơn 1 tỷ đồng. HĐXX tuyên phạt Oanh 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

3. Phùng Thị Ngọc Hà (42 tuổi, ở phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) từng là chuyên viên UBND quận Hai Bà Trưng). Đầu tháng 11- 2014, anh Nguyễn Văn Trung, ở Hà Nội đến Phòng tiếp dân của UBND quận Hai Bà Trưng gặp Hà để hỏi việc cấp sổ đỏ nhà ở ngõ Đình Đông, phố Bạch Mai. 

Do là đất lấn chiếm nên anh Trung nhờ Hà giúp xin cấp sổ đỏ. Biết rõ hồ sơ không đủ điều kiện, Hà vẫn nói dối gia đình anh Trung, hứa hẹn sẽ thực hiện được. 

Để anh Trung tin tưởng, Hà cho anh Trung số điện thoại của một người xưng là Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường quận Hai Bà Trưng. Do đó, anh Trung nhiều lần đưa cho Hà số tiền gần 150 triệu đồng. Đến thời hạn, anh Trung gọi điện đòi lại tiền nhưng Hà khất lần. 

Tương tự, Hà khoe khoang có mối quan hệ thanh thiết với lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng để nhận số tiền 648 triệu đồng của ông Trần Ngọc Trấn (ở Hà Nội). Mảnh đất của ông Trấn thuộc diện tranh chấp, không được làm sổ đỏ, nhưng Hà vẫn bịa ra các số điện thoại của Chủ tịch UBND quận, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường để chiếm đoạt tiền. 

Khi ông Trấn gọi vào số điện thoại Oanh cung cấp  thì ở đầu dây bên kia, người nghe máy tự nhận mình là lãnh đạo quận, hoặc cán bộ Phòng Tài nguyên môi trường quận. Thực chất thì đây chính là người đã được Oanh nhờ mạo nhận làm lãnh đạo để người dân tin tưởng. Cùng thời gian trên, Hà còn nhận tiền của một nạn nhân khác để xin cấp sổ đỏ nhưng đều không thực hiện được.

Tại cơ quan điều tra, Hà thừa nhận bản thân không có nhiệm vụ nhận hồ sơ và tiền để làm thủ tục cấp sổ đỏ. Hà cũng biết rõ tình trạng đất ở của một số bị hại không đủ điều kiện. Nhằm chiếm lòng tin của nhiều người, Hà cấu kết với một số đối tượng  mạo danh lãnh đạo, cán bộ để liên lạc với các bị hại. Tổng số tiền Hà chiếm đoạt của 3 bị hại là gần 900 triệu đồng. HĐXX tuyên phạt  Hà 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sử dụng mác cán bộ nhà nước, sau đó gây lòng tin với người dân bằng quen biết với nhiều lãnh đạo kèm theo những lời hứa chắc chắc để người dân tin tưởng giao tiền nhờ xin việc là thủ đoạn của những kẻ cơ hội. 

Việc người dân cả tin chính là “miếng mồi” ngon để đối tượng có cơ hội chớp thời cơ thực hiện tội phạm. Với hành vi phạm tội đã gây ra, các đối tượng đã phải nhận hình phạt xứng với tội danh. Nhưng mong rằng qua các vụ án này là bài học cảnh tỉnh để mỗi người nêu cao cảnh giác, tránh mắc bẫy kẻ lừa đảo.

Nguyễn Hưng
.
.
.