Những cú lừa ngoạn mục của Tuấn ‘trà xanh’

Chủ Nhật, 08/03/2015, 10:11
Sau khi làm thân với “anh trai”, “em trai” đồng hương, Tuấn “trà xanh” mượn xe máy của anh em kết nghĩa rồi... “không liên lạc được”.

Sinh trưởng trong một gia đình có 3 anh em ở một làng quê nghèo thuộc huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), từ bé Phạm Văn Tuấn (Tuấn “trà xanh”) đã phải làm ruộng phụ giúp cha mẹ. Bởi cái đói cứ đeo bám nên Tuấn quyết định từ bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn vào Bình Dương làm công nhân mưu sinh. Tại đây, Tuấn kết thân với các thanh niên hư hỏng tụ tập ăn chơi ở các quán bar, vũ trường. Từ những mối quan hệ này, Tuấn “trà xanh” đã lừa đảo nhiều người để có tiền ăn chơi.

Gần đây nhất, lúc 17h30 một ngày trung tuần tháng 2/2015, Tuấn chở “em trai” tên Lê Sỹ L. (23 tuổi, quê huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) đến phòng trọ thuộc khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao (thị xã Thuận An) để chơi. Sau đó, một cô gái tên Hoa (bạn gái Tuấn) gọi điện cho Tuấn. Tuấn vờ ra khỏi phòng nói chuyện với bạn gái khoảng 20 phút rồi hỏi mượn xe máy hiệu Exciter của L. để đi chở bạn gái.

Cùng đồng hương, L. đồng ý và giao ngay chìa khóa xe cho Tuấn. Sau gần 2 giờ đồng hồ mà vẫn không thấy Tuấn đến trả xe, L. đã đến phòng trọ tìm Tuấn thì y đã trả phòng. L. gọi vào số máy thuê bao của Tuấn thì thấy y tắt nguồn.

Cùng thủ đoạn như trên, đến 19h cùng ngày, Tuấn đến nhà của “anh trai” tên T.T.V. ở khu phố Bình Phước A, phường Bình Chuẩn (thị xã Thuận An, Bình Dương) để nhờ anh chở đi công việc. Khi đến một quán cà phê thuộc khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao, Tuấn nói với V. rằng, em cùng “anh trai” vào quán uống nước khoảng 5 phút, rồi anh cho em mượn xe rước bạn đến chơi.

Tin lời, anh V. cho Tuấn mượn xe. Sau đó, gọi điện thoại lấy xe thấy thuê bao của y không liên lạc được. Khoảng 0h10 ngày hôm sau, anh V gọi điện thoại được cho Tuấn thì y nói đã bán xe của anh lấy tiền đi chơi bar rồi tắt máy.

Tại cơ quan Công an, Tuấn “trà xanh” đã thừa nhận hành vi phạm tội như trên. Trong quá trình làm công nhân, Tuấn đã quen biết một số người cùng quê hương và thường gọi họ với cụm từ thân mật như “anh trai” hoặc “em trai”. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của họ, Tuấn tiếp cận từng “con mồi” để gây niềm tin. Khi được họ yêu mến và thường xuyên mời đến nhà ăn nhậu, đi chơi, uống cà phê thì Tuấn đã chọn thời điểm thích hợp để gây án.

Đức Mừng
.
.
.