Phúc thẩm vụ “siêu lừa” gần 4.000 tỷ đồng Huỳnh thị Huyền Như:

Nhắm mắt cho giải ngân dù không có chữ ký của khách hàng

Thứ Bảy, 20/12/2014, 13:04
Ngày 19/12, HĐXX bắt đầu thẩm vấn nhóm bị cáo liên quan đến hành vi “vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
>> Triệu tập mẹ ‘siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như’ đến tòa phúc thẩm

Tại tòa, Huỳnh Thị Huyền Như thừa nhận đã sử dụng các hợp đồng gửi tiền của các nhân viên ACB và Navibank ký hợp đồng gửi tại Vietinbank, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh tự trích lập thành các thẻ tiết kiệm, đem thế chấp tại 2 phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh để vay trên 514 tỷ đồng. Mặc dù không có chữ ký của các khách hàng nhưng vì tin tưởng Như, 12 nhân viên, cán bộ của 2 phòng giao dịch nói trên vẫn ký duyệt cho vay. Hậu quả là toàn bộ số tiền trên đã bị Như chiếm đoạt. Với hành vi như trên, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt 12 nhân viên, cán bộ Vietinbank hai chi nhánh trên với mức án từ 6 đến 17 năm tù.

Trong phần xét hỏi, các bị cáo Đoàn Lê Du, Nguyễn Thị Phúc Ngân, Huỳnh Trung Chí, Trần Thanh Thanh, Tống Nguyên Dũng… đều thừa nhận đã làm sai quy trình khi cho giải ngân mà không có chữ ký của khách hàng. Các bị cáo chỉ mong HĐXX xem xét vì không hề được hưởng lợi ích vật chất gì trong vụ án này, mà chỉ vì tin tưởng đồng nghiệp, cả nể cấp trên và Như, áp lực chỉ tiêu… nên phạm tội.

Trong khi đó, với kháng cáo yêu cầu “xin xem xét lại tội danh và mức độ hành vi phạm tội” của mình, Bùi Ngọc Quyên (Phó phòng Giao dịch Điện Biên Phủ; sơ thẩm 14 năm tù) khai, nhiệm vụ của bị cáo là kiểm soát xác thực tài sản đảm bảo, nhập kho tài sản đảm bảo. Quá trình kiểm soát tài sản cho vay, Quyên thừa nhận đã phát hiện không có chữ ký của khách hàng nhưng không có ý kiến. Với lỗi này, Quyên thừa nhận đã làm sai quy trình cho vay của Vietinbank nhưng vẫn không nhận là phạm tội “Vi phạm cho vay…”. Trả lời câu hỏi của HĐXX: “Trường hợp nếu bị cáo không bỏ qua chữ ký này thì Như có lấy được tiền không?”, Quyên thừa nhận là “không”. Sau một hồi lúng túng, Quyên trả lời: “Bị cáo chỉ vì mong muốn hoạt động chung của ngân hàng thôi, chứ không có mục đích gì”. Theo hồ sơ vụ án, Quyên là người tham gia duyệt 29 hồ sơ tín dụng, cho 7 người vay số tiền trên 132 tỷ đồng, tài sản thế chấp là 20 thẻ tiết kiệm tổng trị giá 135 tỷ đồng mang tên 5 cá nhân của ACB. Tất cả hồ sơ vay trên đều không có chữ ký của người vay và người bảo lãnh. Hậu quả của việc làm trên là Như đã lừa đảo chiếm đoạt 132 tỷ đồng của khách hàng.

Phúc thẩm vụ “siêu lừa” gần 4.000 tỷ đồng Huỳnh thị Huyền Như:

Tương tự Quyên, Vũ Nguyễn Xuân Tiên (Phó phòng Giao dịch phụ trách kế toán Đinh Tiên Hoàng; sơ thẩm 11 năm tù) lại kháng cáo kêu oan, đề nghị cấp phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội. Tiên khai, bị cáo không ký duyệt hồ sơ cho vay, bộ phận kế toán của bị cáo chỉ thực hiện việc giải ngân. Cụ thể, trong 6 hồ sơ vay 33,2 tỷ đồng mà Huỳnh Trung Chí đưa qua, sau khi kiểm soát hồ sơ vay, bị cáo đã phê duyệt giải ngân, toàn bộ đều có chữ ký của khách hàng. Tiên khẳng định: “Bị cáo làm việc rất nguyên tắc, không bao giờ có chuyện không có chữ ký khách hàng mà ký duyệt giải ngân”. Tuy nhiên, lời khai của Tiên mâu thuẫn với lời khai của Chí, Đoàn Lê Du và Phúc Ngân. Đối chất tại tòa với Tiên, ba bị cáo này khẳng định, tất cả các hồ sơ vay đều không có chữ ký của khách hàng. Trong đó, là người kiểm soát hồ sơ cuối cùng, Đoàn Lê Du khẳng định “toàn bộ số hồ sơ đều không có chữ ký khách hàng, mà sau này mới bổ sung sau”. Để Tiên “tâm phục khẩu phục”, HĐXX đã tìm bản cung gốc ký ngày 21/8, trong đó Tiên đã thừa nhận tội.

Trước đó, dù chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng tại tòa, HĐXX và đại diện VKSND Tối cao vẫn thẩm vấn hành vi phạm tội của Phạm Thị Tuyết Anh (giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ). Theo nội dung vụ án, với nhiệm vụ tiếp nhận và kiểm tra các thông tin, thủ tục hồ sơ cho vay; kiểm soát chứng từ giải ngân để thực hiện việc giải ngân, từ tháng 6/2010 đến tháng 9/2011, Tuyết Anh đã thực hiện xác thực hồ sơ và thực hiện giải ngân 55 khoản vay với tổng số tiền 254,6 tỷ đồng cho 15 khách hàng. Hầu hết các hồ sơ này thiếu chữ ký của khách hàng vay và người có tài sản bảo lãnh, nhưng Tuyết Anh vẫn giải ngân theo lệnh chi đã có sẵn (chữ ký của khách hàng do Huyền Như cung cấp) mà không có mặt khách hàng. Như đã dùng thủ đoạn sử dụng thẻ tiết kiệm mang tên 11 cá nhân là nhân viên ACB để thế chấp vay tiền, ký giả chữ ký của người vay và người có tài sản bảo lãnh, ký giả chữ ký của chủ tài khoản trên lệnh chi, chiếm đoạt 254,6 tỷ đồng.

Tuyết Anh còn thừa nhận, trước đó đã ký rất nhiều chứng từ khống do Như đưa với số tiền trên 5.000 tỷ đồng. Trong phần thẩm vấn hai ngày trước đó, Tuyết Anh cũng thừa nhận đã nhờ mẹ chồng mở tài khoản tiết kiệm để giúp Như chuyển tiền chiếm đoạt của các cá nhân, đơn vị khác, sau đó rút ra rồi chiếm đoạt.

Huỳnh Hữu Danh (nguyên nhân viên ngân hàng TMCP Quốc tế - VIB, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) cũng thừa nhận, quá trình làm các hồ sơ vay tiền, thẩm định tài sản đảm bảo bị cáo không làm đúng quy trình, tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt của VIB - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh số tiền 180 tỷ đồng. Bị cáo nhận tội và chỉ đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt vì cho rằng mức án 17 năm tù án sơ thẩm tuyên bị cáo là quá nặng.

Trong việc đem tiền nhà nước giao để đóng tàu đem cho vay, hậu quả là bị Như chiếm đoạt 80 tỷ đồng, tại tòa, Phạm Minh Tuấn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Thái Bình Dương) thừa nhận sai phạm và chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Về phần dân sự, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét lại số tài sản kê biên, trong đó có căn nhà ở quận Bình Thạnh là tài sản của vợ chồng bị cáo có trước khi xảy ra vụ án và hơn 72 tỷ đồng được cho là số tiền thu lợi bất chính của bị cáo trong vụ án này.

Theo lịch, ngày 22/12, Tòa làm việc trở lại. 

A.Huy
.
.
.