Người dân quá lơ là, chủ quan trong việc bảo vệ tài sản

Chủ Nhật, 19/07/2020, 09:53
Dự báo, trong 6 tháng cuối năm, án trộm có thể tăng cao bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng người thất nghiệp nhiều dễ phát sinh hành vi tiêu cực. Trong khi đó ý thức bảo vệ tài sản của người dân còn quá chủ quan, lơ là dù mặc dù ngành Công an đã tuyên truyền sâu rộng, thậm chí đến cả từng người, từng nhà…


Trung bình mỗi năm TP Hồ Chí Minh xảy ra từ 4.000-5.000 vụ phạm pháp hình sự (PPHS) và một nửa con số này là trộm cắp tài sản. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, số vụ PPHS ghi nhận xảy ra 1.979 vụ, giảm so với cùng kỳ nhưng riêng án trộm không giảm. 

Dự báo, trong 6 tháng cuối năm, án trộm có thể tăng cao bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng người thất nghiệp nhiều dễ phát sinh hành vi tiêu cực. Trong khi đó ý thức bảo vệ tài sản của người dân còn quá chủ quan, lơ là dù mặc dù ngành Công an đã tuyên truyền sâu rộng, thậm chí đến cả từng người, từng nhà…

Băng trộm cắp chuyên nghiệp do Lợi Vĩ Minh và Võ Thi Tuyết Em (cùng ngụ quận 8) vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ cũng chuyên tranh thủ sự hớ hênh của nạn nhân để ra tay.

Ôtô đậu qua đêm trên lòng, lề đường ở phường Linh Xuân, quận Thủ Đức.

Khoảng 3h sáng 8/7, Minh và Em đi ngang nhà trọ không số ở phường 7, quận 8 thì phát hiện chiếc xe Honda Winner BKS 65G1-261.55 để trước cửa không người trông coi. Minh chỉ việc đi bộ, bẻ khóa xe và tẩu thoát. Trước đó mấy ngày, khi đi ngang một nhà trọ ở ấp 4, xã Phong Phú (huyện Bình Chánh), Minh và Em cũng phát hiện “miếng mồi ngon” là chiếc Yamaha Luvias BKS 94K1-36076 để trước cửa không người trông coi. Ngoài 2 vụ này Minh và Em còn thực hiện gần 10 vụ trộm khác bằng cách cắt cửa cổng đột nhập vào nhà…

Không chỉ tài sản là xe gắn máy, ngay cả ôtô, đậu ban đêm ở lòng, lề đường không người trông coi còn khá phổ biến ở TP Hồ Chí Minh mặc dù chuyện bị trộm bẻ kính hoặc trộm cả ôtô đã xảy ra rất nhiều. 

Tuần tra đêm hàng ngày, Công an phường Linh Xuân (quận Thủ Đức) phát hiện khá nhiều ôtô đỗ ngày này qua ngày nọ ở khắp các tuyến đường. Cảnh sát khu vực ghi lại hình ảnh, đưa lên trang tin Phòng chống tội phạm của phường chỉ đích danh từng chủ xe và nhắc nhở, đề nghị không đỗ xe vì vi phạm luật và dễ bị mất trộm nhưng vẫn còn nhiều người không chấp hành.        

Trong khi ý thức bảo vệ tài sản của người dân chưa được nâng cao thì “tay nghề” của kẻ trộm chuyên nghiệp ngày được “cải tiến” và “trộm nghiệp dư” cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trộm nhập nha được chia thành 2 “trường phái”: Thứ nhất, trộm tài sản là vòng vàng, tiền bạc (chủ yếu để trong két sắt); kẻ trộm nghiên cứu rất kỹ, theo dõi chi li từng giờ giấc sinh họat cũng như thói quen của gia chủ nên chỉ cần sơ hở là gặp họa ngay. Điểm đáng lưu ý, loại trộm này đa phần là người quen và biết rõ gia chủ có tài sản cất giấu trong nhà. Chúng thường chọn đột nhập vào nhà không có người giữ dù có khóa bao nhiêu lớp cửa đi nữa. Nếu không thể đột nhập vào cửa chính (do có người qua lại) thì trộm có thể đột nhập từ lỗ thông gió, trổ mái tôn nhưng phổ biến nhất là từ cửa sổ. Nếu gia chủ thường xuyên vắng nhà vào thời điểm cố định nào đó trong ngày thì có khả năng bị trộm đột nhập rất cao. 

Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, trộm nhập nha dạng này chủ yếu thực hiện vào ban đêm, chiếm tỷ lệ trên 80% số vụ. Để phòng trộm khi đi chơi xa, gia chủ nên nhờ người thân (hay thuê dịch vụ bảo vệ) trông giữ thì sẽ tránh được họa. Mặt khác, người dân không nên để tiền, vàng trong két sắt mà cần để ở một nơi nào khác trong nhà vì khi đột nhập kẻ trộm luôn tìm đến két sắt.

Bộ đồ nghề của một băng trộm chuyên nghiệp.

“Trường phái” còn lại là trộm nhập nha lấy xe gắn máy. Đây là loại trộm phổ biến nhất hiện nay. Hai thời điểm trộm thường đột nhập là vào tầm từ 12h-13h, lúc mọi người đang ngủ trưa. Vì chủ quan, gia chủ để xe trước sân nhà hoặc phía trong nhà nhưng không khóa cửa, không người trông giữ nên trộm dễ dàng mở khóa cổng, khóa xe lấy cắp. Xe có khóa từ tưởng là an toàn nhưng thực ra chỉ gây khó hơn đôi chút cho kẻ trộm. Còn xe có cài thiết bị chống trộm (xe không nổ máy hoặc bật công tắc sẽ hú còi) thì cũng bị lấy nốt bằng cách đẩy đi. Để phòng bị mất xe vào giữa trưa, gia chủ phải cho xe vào nhà, chốt cửa phía bên trong như ban đêm mới an toàn.

Thời điểm thứ hai là từ 24h trở về sáng. Mục tiêu của trộm là các căn hộ cho thuê, xe của người thuê để cùng một chỗ, chỉ có khóa cửa, không người trông coi hoặc gia chủ để xe dưới tầng trệt nhưng lại ngủ trên lầu. Kẽ hở của những căn hộ này là do có nhiều người ở, đi làm giờ giấc khác nhau nên mỗi người có 1 chìa khóa riêng để tự mở cửa nhà. Muốn vậy thì buộc phải chừa một khoảng trống ở cửa để thò tay vào mở khóa, mà chính lỗ trống này đã giúp trộm dễ dàng bẻ khóa. Mặt khác, khá nhiều nhà có cửa kính trong suốt, bên ngoài có thể nhìn vào thấy rõ xe để ở bên trong. Do vậy muốn phòng trộm dạng này phải thay đổi cửa kín đáo và bố trí người chốt, khóa cửa phía bên trong trước khi đi ngủ.

Trước thực tế số vụ việc trộm trên địa bàn ngày càng tăng, Công an TP Hồ Chí Minh đã có cảnh báo và đề nghị người dân nâng cao ý thức phòng ngừa. Trong đó, cần lưu ý những việc cơ bản như: Trước khi đi ngủ, cần kiểm tra kĩ các cửa ra vào, cửa sổ, các cửa trên tầng, cửa ra ban công, sân thượng. Gia cố cửa nhà, sử dụng các loại khóa có chức năng chống trộm, chống a-xít, khóa phía bên trong để chống cắt khóa. Nhờ người trông coi hoặc đem gửi các tài sản có giá trị khi vắng nhà qua đêm hoặc nhiều ngày. Trang bị camera giám sát hoặc chuông báo động chống trộm để quan sát từ xa. Không để xe trước cửa nhà không người trông coi và tuyệt đối không để nguyên chìa khóa trên xe khi về nhà…

Mã Hải
.
.
.