Người đàn bà mang hai tiền án lại chiếm đoạt tiền tỷ của tiểu thương

Thứ Ba, 03/12/2019, 12:10
Hoàng Thị Thơm (SN 1985, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không có nghề nghiệp ổn định. Năm 2012, Thơm phải nhận bản án 4 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm 2016, Thơm lại gây ra vụ lừa đảo khác và phải nhận thêm bản án 30 tháng tù. 


Trong thời gian được tạm hoãn thi hành án để nuôi con nhỏ, Thơm không tu tỉnh làm ăn mà tiếp tục chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Chiều 2-12, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Thơm bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015). Nạn nhân của Thơm là một số tiểu thương ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, cuối tháng 4-2018, Thơm đến chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) làm quen với bà Trần Thị Thanh Hương là tiểu thương trong chợ, sau đó lấy lòng với một số tiểu thương buôn bán quần áo ở chợ này. Trong lúc nói chuyện, Thơm không nói tên thật mà tự nhận là Thúy, làm nghề buôn bán quần áo. 

Bị cáo Hoàng Thị Thơm.

Cũng thời gian này, Thơm tìm cách kết bạn và xin số điện thoại của chị Trần Thị Thùy là tiểu thương của chợ Đồng Xuân. Ít ngày sau, Thơm gọi điện cho chị Thùy xưng tên là Thúy để hỏi mua áo để bán tại cửa hàng kinh doanh của mình. Tin rằng Thơm nói thật, chị Thùy đã gửi các mẫu áo và thông báo giá bán từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng một áo vào tài khoản Zalo của Thơm. 

Sau khi xem hàng, Thơm đồng ý mua nhưng nói chị Thùy chuyển lô hàng quần áo mà chị ta định mua lên quầy của bà Hương rồi nhờ người khác đến nhận. Để chị Thuỳ tin tưởng, Thơm tự nhận bà Hương là mẹ chồng mình.

Quá trình giao dịch, cả hai thỏa thuận, chị Thùy sẽ giao hàng trước và khi nào món nợ lên đến 300 triệu đồng thì Thơm sẽ thanh toán. Với mục đích chiếm đoạt tiền quần áo của chị Thuỳ, hàng ngày, Thơm đều đặn báo các đơn hàng cho chị Thùy. 

Ở chiều ngược lại, do tin Thơm là con dâu của bà Hương nên chị Thùy đã nhiều lần chuyển cho Thơm 36 đơn hàng, tổng số 11.814 sơ mi các loại, trị giá hơn 1 tỷ đồng. Sau khi nhận hàng từ chị Thuỳ, Thơm không kinh doanh mà thuê người chở đến các địa điểm khác để bán hoặc bán tại các chợ nhỏ quanh nội thành Hà Nội với giá rẻ hơn nhiều giá Thơm mua (chỉ từ 30.000 đến 40.000 đồng một áo).

Đến hạn thanh toán, chị Thùy nhiều lần gọi điện đòi nợ thì Thơm chỉ chuyển 15 triệu đồng trả cho chị Thuỳ. Nghi ngờ Thơm có hành vi lừa đảo mình. Chị Thuỳ tìm hiểu mới biết, Thơm không phải là con dâu của bà Hương và cũng không phải làm nghề kinh doanh quần áo như đã nói. Ngày 6-6-2018, chị Thùy đã gửi đơn đến cơ quan Công an tố cáo hành vi lừa đảo của Thơm.

Người đàn bà mang hai tiền án bị bắt sau đó. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã chuyển lại cho chị Thùy 262 chiếc áo đã thu giữ trị giá hơn 23 triệu đồng. Số tiền còn lại, bị hại yêu cầu bị cáo phải hoàn trả số tiền còn lại là 989 triệu đồng.

Tại phiên xử, bị cáo Thơm thừa nhận hành vi phạm tội như trên và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Về phía bị hại đề nghị HĐXX xử lý bị cáo theo quy định của pháp luật và buộc bị cáo bồi thường cho mình số tiền đã chiếm đoạt. HĐXX khẳng định, hành vi của bị cáo là rất nghiêm trọng vì đã chiếm đoạt của bị hại số tiền lớn. 

Ngoài ra, bị cáo đã từng có 2 tiền án chưa thi hành nên lần phạm tội này được xác định là tái phạm nguy hiểm nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc mới tương xứng với hành vi phạm tội. Với phán quyết trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thơm 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Do đây là bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật nên HĐXX chưa tổng hợp cùng hình phạt của hai bản án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bị cáo đang được hoãn thi hành trước đó. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc bị cáo bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Hưng
.
.
.