Ngày xét xử thứ 5, bị cáo Kiên vẫn chối tội

Thứ Năm, 04/12/2014, 17:55
Ngày 4/12, TAND Tối cao tại Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.
>> Xét xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm

HĐXX dành toàn bộ thời gian buổi sáng để thẩm vấn các bị cáo về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến việc Ngân hàng ACB ủy thác số tiền gần 720 tỷ đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Toàn bộ số tiền ủy thác đã bị Huỳnh Thị Huyền Như sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt. Nhóm bị cáo bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt về hành vi cố ý làm trái gồm: Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB 18 năm tù; Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB 5 năm tù ; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB 8 năm tù; Trịnh Kim Quang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB 4 năm tù; Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB 3 năm tù; Huỳnh Quang Tuấn, nguyên Thành viên HĐQT Ngân hàng ACB 2 năm tù.

Ngày xét xử thứ 5, bị cáo Kiên vẫn chối tội.

Trả lời HĐXX về lý do kháng cáo bản án sơ thẩm xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Lê Vũ Kỳ phân trần: “Tôi chủ yếu phụ trách về công nghệ thông tin nên  hạn nhận thức và tham gia thụ động vào các quyết định của HĐQT Ngân hàng ACB liên quan đến vấn đề tài chính. Nhiều người biết ảnh hưởng của tôi ở Ngân hàng ACB về công nghệ thông tin là rất lớn. Còn vai trò của tôi trong thường trực HĐQT là rất mờ nhạt. Trước đó, tôi không tham gia đào tạo các khóa về tài chính - ngân hàng. Tôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng chỉ là cái danh, còn chủ yếu là giúp việc cho Chủ tịch HĐQT. Mỗi khi tham gia họp HĐQT liên quan đến tài chính thì tôi có hiểu biết gì nên cứ đồng ý một cách thụ động mà không lường hết hậu quả. Mong HĐXX xem xét vấn đề này cho tôi”.  

HĐXX hỏi bị cáo Phạm Trung Cang về lý do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Cang thừa nhận có một phần trách nhiệm trong việc ủy thác cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền ở ngân hàng khác. “Khi họp HĐQT Ngân hàng ACB, tôi có ý kiến giảm lãi suất cho vay để giải quyết vốn tồn đọng. Tuy nhiên, ý kiến của tôi bị phản đối vì các thành viên khác trong HĐQT cho rằng, làm thế sẽ giảm lợi nhuận ngân hàng. Do nhận thức về pháp luật của tôi đối với lĩnh vực tài chính- ngân hàng hạn chế nên tôi không biết việc Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên của mình đi gửi tiền ở ngân hàng khác là vi phạm pháp luật. Vì thế, tôi đã đồng ý mà không lường hết hậu quả”. Khi HĐXX thẩm vấn, bị cáo Huỳnh Quang Tuấn trình bày về nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt như sau: “Tôi không biết rõ về hoạt động ủy thác tiền gửi của Ngân hàng ACB nên không tham gia góp ý kiến và ra quyết định chủ trương này. Tôi không có hành động nào thể hiện sự thống nhất hoặc đồng tình. Tuy nhiên khi xảy ra vụ án này, tôi thấy mình có trách nhiệm liên đới. Đề nghị HĐXX xem xét cho tôi được hưởng án treo”.

Trình bày về nội dung kháng cáo, bị cáo Lý Xuân Hải vừa đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ, vừa kháng cáo kêu oan cho một số hành vi mà Tòa sơ thẩm đã quy kết. Bị cáo Hải thanh minh “Khi đó, với vai trò là Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB nên bị cáo chỉ đạo cấp dưới thực hiện ủy thác tiền gửi vào các tổ chức tín dụng là để sinh lợi cho ngân hàng. Trong suy nghĩ của mình, bị cáo thấy việc làm đó là không sai. Nhưng cũng có thể do bị cáo chưa hiểu hết nên chỉ đạo cấp dưới thực hiện chưa chuẩn”.

Được HĐXX thẩm vấn cuối cùng về hành vi cố ý làm trái, bị cáo Kiên tiếp tục phủ nhận không làm sai. Kiên cũng không đổ thừa cho ai trong HĐQT Ngân hàng ACB làm sai. Theo cách lý giải của Kiên, việc Ngân hàng ACB tạm thời mang tiền nhàn rỗi đi gửi tại các tổ chức tín dụng khác (ngân hàng) là để sinh lợi cho ACB chứ không bỏ riêng vào túi ai. Để làm rõ thêm nội dung này, HĐXX hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước về chủ trương của HĐQT Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên mang tiền của Ngân hàng ACB đi gửi ở ngân hàng khác có đúng Luật không? Vị đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định “Việc ngân hàng ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi ở ngân hàng khác là trái Điều 106 Luật Tổ chức tín dụng năm 2010”.

Sau khi nghe ý kiến của các bị cáo khai nhận về quá trình thực hiện việc ủy thác tiền gửi từ Ngân hàng ACB sang ngân hàng khác; ý kiến của đại diện Ngân hàng Nhà nước và căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, HĐXX giải thích với các bị cáo rằng: Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 không cho phép ngân hàng này được mang tiền đi gửi ở ngân hàng khác để thu lợi. “Hành vi của các bị cáo không chỉ không chỉ trái với Luật Tổ chức tín dụng năm 2010, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền gần 720 tỷ đồng mà còn bóp méo chức năng tín dụng của ngân hàng”, HĐXX nhấn mạnh.

Ngày 5/12, phiên tòa tiếp tục.

Nguyễn Hưng
.
.
.