Ngày đầu xét xử vụ án tổ chức cho ông Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài trái phép: Chỉ do lụy một chữ tình (!)

Thứ Ba, 07/01/2014, 16:16
Ngày 7/ 1, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Bị cáo chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này là ông Dương Tự Trọng, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng. Người được ông Trọng tổ chức cho bỏ trốn chính là anh ruột mình - ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Đúng 8h, phiên xử bắt đầu. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Trương Việt Toàn. Ông Dương Chí Dũng được Tòa triệu tập đến phiên xử với tư cách là nhân chứng liên quan đến vụ án. Ba nhân chứng quan trọng khác là chị Hoàng Kim Nhung (bạn gái ông Trọng) và ông Hoàng Văn Chiến (bố đẻ chị Nhung) và ông Nguyễn Hồng Vinh (em vợ ông Trọng) được Tòa triệu tập nhưng không có mặt. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra làm rõ, chị Nhung, ông Chiến và ông Vinh có liên quan đến việc ông Dương Chí Dũng bỏ trốn, nhưng sau khi xem xét toàn diện hành vi của ba người nên cơ quan điều tra quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sau khi vị đại diện Viện KSND Tối cao công bố cáo trạng, bị cáo Hoàng Xuân Thắng, nguyên cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hải Phòng được HĐXX thẩm vấn đầu tiên. Bị cáo Thắng khai nhận: “Anh Trọng gọi điện thông báo cho bị cáo biết về việc anh Dũng sắp bị khởi tố, bắt tạm giam và bảo bị cáo đưa anh Dũng đi trốn. Khi bị cáo đi, anh Trọng dặn  đến đón một người anh em gần gũi của anh Trọng là anh Phạm Minh Tuấn, lúc đó là Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng đi cùng”. Nhận “chỉ thị” của anh Trọng, bị cáo và anh Tuấn đã từ Hải Phòng lên Hà Nội để đón anh Dũng và đưa đi Quảng Ninh trốn. Sau đó, bị cáo và một số anh em khác của anh Trọng tiếp tục dùng ô tô đưa anh Dũng vào TP Hồ Chí Minh để trốn sang Campuchia.

Khi HĐXX thẩm vấn, bị cáo Phạm Minh Tuấn thừa nhận những điều bị cáo Thắng khai là đúng thực tế. Theo lời khai của Tuấn thì bị cáo và gia đình anh Dũng, anh Trọng chơi có mối quan hệ thân thiết với nhau từ lâu. Vậy nên khi anh Trọng nhờ việc gì thì bị cáo cũng sẵn sàng giúp đỡ. “Kể cả việc anh Trọng nhờ bị cáo đưa anh Dũng đi trốn khi anh Dũng đang có hành vi vi phạm pháp luật?”, vị Chủ tọa hỏi. “Thưa tòa, vì nhận thức về pháp luật của bị cáo hạn chế, lại mang tính nể nang tình cảm nên bị cáo đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Khi bị cáo thức tỉnh được việc mình đã làm thì muộn rồi”, bị cáo Tuấn trả lời.

Từ trái qua phải: Bị cáo Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn và Hoàng Văn Thắng.

Đến lượt được HĐXX thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Trọng Ánh, nguyên cán bộ phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hải Phòng thừa nhận ngay hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố. “Bị cáo nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Nhưng bị cáo có nỗi niềm riêng rất cần chia sẻ:  Người trực tiếp chỉ đạo bị cáo đưa anh Dũng đi trốn là anh Trọng, sếp của bị cáo. Hơn nữa, thời điểm ấy bị cáo lại vừa nhận công tác nên rất khó từ chối. Bị cáo mong HĐXX xem xét đến hoàn cảnh của bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội là do nể nang trong quan hệ cấp trên với cấp dưới mà buộc phải làm”, bị cáo Ánh nói.          

Trả lời thẩm vấn HĐXX về hành vi đưa ông Dương Chí Dũng bỏ trốn, bị cáo Vũ Tiến Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hải Phòng khai nhận “Sau khi nhận lệnh của anh Trọng về việc có thông tin cho biết anh Dũng sắp bị khởi tố, bắt tạm giam, bị cáo băn khoăn và suy nghĩ rất nhiều. Nhưng sau đó, do lý trí không thắng nổi quan hệ cấp trên, cấp dưới và cả những tình cảm lâu ngày anh em dành cho nhau nên bị cáo đã giúp đỡ anh Trọng thực hiện xuyên suốt toàn bộ quá trình giúp anh Dũng bỏ trốn ra nước ngoài. Chính vì chữ tình mà bị cáo đã phải sử dụng các mối quan hệ tình cảm của mình để nhờ họ giúp cho anh Dũng bỏ trốn. Bị cáo biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật, nhưng đề nghị HĐXX xem xét đến hoàn cảnh phạm tội mà xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”, bị cáo Sơn phân trần.

Toàn cảnh phiên tòa (Ảnh  T. Tr)

Bị cáo Dương Tự Trọng được thẩm vấn sau cùng. Bị cáo Trọng không thanh minh nhưng cũng không nhận tội và không phản ứng bất cứ một lời khai nào của đồng phạm về hành vi chỉ đạo cấp dưới giúp anh trai bỏ trốn. Với nét mặt chứa đầy tâm trạng, bị cáo Trọng chỉ trả lời ngắn gọn: “Những gì cần khai trong vụ án này bị cáo đã khai hết trước cơ quan điều tra. Do thời gian gần đây trí nhớ của bị cáo có vấn đề nên trước tòa, bị cáo không có gì để khai thêm nữa. Bị cáo cũng không có ý kiến gì về lời khai của các bị cáo khác”.    

Trong suốt quá trình HĐXX thẩm vấn các bị cáo, ông Dương Chí Dũng luôn thể hiện thái độ trầm tư. Khi được HĐXX thẩm vấn với tư cách là nhân chứng trong vụ án, ông Dũng trả lời mà giọng nói lạc đi. “Kể từ khi biết tin em trai tôi (bị cáo Trọng) bị bắt, tôi rất thương chú ấy. Tôi đã bị Tòa án tuyên phạt mức án cao nhất là tử hình rồi. Giờ em trai tôi lại đứng trước Tòa, chú ấy có vấn đề về trí nhớ rồi”, ông Dũng nói.

Trong ngày đầu xét xử, tổng hợp lời khai của các bị cáo cho thấy, chỉ vì lụy một chữ tình với Dương Tự Trọng mà các cán bộ dưới quyền của ông Trọng đã để tình cảm lấn át lý trí, để tự mình vướng vào vòng lao lý.

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, chiều 17/ 5/ 2012, Dương Chí Dũng, thời điểm này đang là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam biết được thông tin cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam mình về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nên thông báo với em trai ruột là ông Dương Tự Trọng và được ông Trọng hướng dẫn tạm thời đến trốn ở nhà bạn gái ở Hà Nội. Sau đó, ông Trọng bảo Vũ Tiến Sơn và Hoàng Văn Thắng là cán bộ dưới quyền đến phòng làm việc của ông Trọng để thông báo việc ông Dương Chí Dũng sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam và bàn bạc việc tổ chức cho ông Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài.

Thực hiện chỉ đạo của ông Trọng, Sơn trực tiếp đứng ra điều hành, thống nhất tổ chức cho ông Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch qua biên giới cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, sau đó từ Camphucia trốn sang Mỹ. Sau khi ông Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch, các đối tượng giúp ông Dũng từ Campuchia đi sang Singapore để ông Dũng làm thủ tục xuất cảnh sang Mỹ. Do không được phép nhập cảnh vào Mỹ nên ông Dương Chí Dũng đã thông báo cho ông Trọng biết. Trong quá trình lẩn trốn tại Campuchia, ngày 4/ 9, ông Dương Chí Dũng đã bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ.

Nguyễn Hưng
.
.
.