Những vụ đoạt mạng người từ nguyên nhân chẳng giống ai

Thứ Sáu, 04/09/2015, 08:20
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xảy ra hàng chục vụ giết người vì nguyên nhân xã hội. Chỉ riêng trong tháng 8/2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra liên tiếp 5 vụ giết người làm 8 người chết, 5 người bị thương mà nguyên nhân các vụ việc xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân đơn giản, gây án có tính bột phát... 

Trong 4 ngày từ 22 đến 26/8 đã xảy ra 4 vụ giết người tại các huyện Ia Grai, Chư Prông, Krông Pa, Chư Sê (Gia Lai) làm 7 người chết. Ngay sau khi các vụ án xảy ra, lực lượng Công an đã nhanh chóng vào cuộc, sớm điều tra làm rõ và kịp thời bắt giữ các đối tượng gây án để xử lý theo pháp luật. 

Vụ trọng án xảy ra ngày 23/8/2015, tại thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông (Gia Lai) do Vũ Văn Đản (39 tuổi), gây ra làm 4 người chết và 3 người bị thương mà nguyên nhân ban đầu xác định chỉ vì chuyện mâu thuẫn nợ nần tiền bạc và hung thủ có dấu hiệu biểu hiện tâm thần... 

Lực lượng Công an tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt pháp luật, xóa bỏ hủ tục.

Gia đình nạn nhân cho biết, trước khi án mạng xảy ra, Đản đã 6 lần cầm dao chém vào cột nhà, đập phá đồ đạc, dọa giết vợ con... thế nhưng không được đưa đi chữa bệnh kịp thời. 

Vụ án mạng xảy ra ngày 24/8/2015, ở xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa (Gia Lai) cũng sau khi tổ chức uống rượu chia buồn đám tang của anh Kpă Vaih (Ama Ngoái), chồng của Ksor HĐiên. Anh này bị bệnh gan chết vào ngày 21/8/2015. 

Trong lúc uống rượu thì Kpă Phu rót một ly rượu mời Nay Loang uống nhưng Nay Loang đổ ly rượu xuống đất dẫn đến cãi nhau. Phu có lời nói đe dọa khiến Loang nghĩ rằng Phu bỏ thuốc độc “thư” cho Loang chết nên đã hành động một cách sai trái, đánh chết anh Kpă Phu ném xác xuống sông và đánh bị thương vợ con anh Phu.

Ở địa bàn Kon Tum, chỉ từ giữa tháng 6/2015 đến nay, đã xảy ra 4 vụ giết người do nguyên nhân xã hội. Hầu hết đều xuất phát từ những mâu thuẫn trong sinh hoạt đời thường không được hòa giải kịp thời, nhận thức về pháp luật của người dân địa phương còn hạn chế, mâu thuẫn nhỏ nhặt trong lúc ăn nhậu hoặc có liên quan đến rượu bia...

Cụ thể như vụ đối tượng A Blen (45 tuổi) và con trai A Nhôm (20 tuổi), ở xã Đắk Nhoong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, giết anh Nông Văn Tuyên (29 tuổi), là con rể của nghi phạm A Blen chỉ vì mâu thuẫn trong gia đình...

Phân tích một số vụ án trên cho thấy nguyên nhân đối tượng gây án chủ yếu do hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số một số nơi chưa giải quyết dứt điểm. Bên cạnh là tình trạng uống rượu bị kích thích và dẫn đến những phản ứng thái quá của đối tượng liên quan làm cho tội phạm nảy sinh một cách bột phát nhất thời không ngăn chặn kịp...

Vì vậy, để làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm đến mức thấp nhất ở vùng cao, vùng sâu... phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc để làm tốt các mặt công tác tuyên truyền, vận động, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở buôn làng, xóa bỏ hủ tục, ngăn chặn tệ nạn bia rượu sa đà, kịp thời tư vấn giúp đỡ người dân khi đau ốm, bệnh tật đi chữa trị để tránh những hậu họa lạc hậu nghi hoặc về “ma lai, thuốc thư”, hay gây án do tâm thần...

Ngọc Như
.
.
.