Ngăn chặn ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam

Chủ Nhật, 18/10/2020, 09:26
Triệt phá những đường dây ma tuý cực lớn với số lượng lên đến hàng nghìn bánh, hơn nửa tấn heroin; bắt giữ được những “ông trùm” người nước ngoài điều hành xuyên quốc gia – đó là những chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng phòng, chống ma tuý do cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma tuý làm chủ công.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma tuý, Bộ Công an đã có cuộc trao đổi với Báo CAND về công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý trong thời gian vừa qua, những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ…

PV: Xin đồng chí Thiếu tướng, Cục trưởng cho biết mục tiêu công tác đấu tranh với tội phạm ma túy trong thời điểm hiện nay?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: Mục tiêu công tác đấu tranh với tội phạm ma túy trong thời điểm hiện nay là: Ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa, không để thẩm lậu vào nước ta qua các tuyến đường biên giới trên bộ, tuyến hàng không, đường biển.  Kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn, xuyên quốc gia. Triệt xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy, nhất là các tụ điểm lợi dụng hoạt động của cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, chúng tôi luôn nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, quản lý chặt chẽ tiền chất, hóa chất, không để các đối tượng lợi dụng để sản xuất trái phép chất ma túy trong nội địa. Kiềm chế sự gia tăng số lượng người nghiện ma túy; thống kê, quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma tuý, Bộ Công an.

PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn vì sao lực lượng chức năng phải tập trung đấu tranh với các đường dây ma túy lớn, xuyên quốc gia?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: Sở dĩ phải tập trung đấu tranh với các dường dây ma tuý lớn, xuyên quốc gia vì áp lực nguồn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam rất lớn. Do chúng ta triển khai tốt các biện pháp nên việc trồng cây có chứa chất ma túy trong nước cơ bản được kiểm soát chỉ còn một số hộ dân trồng nhỏ bé, phân tán. Nguồn ma túy ở nước ta hiện nay chủ yếu thẩm lậu từ nước ngoài, một phần được người nghiện ma túy trong nước sử dụng, phần lớn được chuyển đi nước ngoài; đặc biệt là ma túy thẩm lậu qua biên giới, đường bộ, tập kết ở các địa điểm trong nước nhất là TP Hồ Chí Minh rồi mới đi ra ngước ngoài...

Bên cạnh đó, nước ta có vị trí gần với khu vực “Tam giác vàng” - trung tâm sản xuất ma túy lớn của thế giới, trong khi tuyến biên giới đường bộ giữa Việt Nam và các nước láng giềng trải dài, phần lớn là rừng núi hiểm trở, có nhiều cửa khẩu lớn, nhỏ và rất nhiều đường mòn, lối mở, nên ma túy chủ yếu là từ khu vực Tam giác vàng vận chuyển trái phép qua Lào, Campuchia để vào nước ta. Các tuyến đường biển, đường hàng không, bưu điện có phạm vi rộng nên các lực lượng chức năng phòng, chống ma túy gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, phát hiện, bắt giữ.

Chính sách của các nước trên thế giới cơ bản đều coi ma túy là bất hợp pháp và phải tập trung phối hợp đấu tranh. Tuy nhiên gần đây một số nước trên thế giới, chủ yếu ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ hợp pháp hóa một số chất ma túy với các mức độ khác nhau. Tại ASEAN, Thái Lan đã chính thức cho phép sử dụng cần sa vào mục đích y tế, trong khi Lào, Campuchia, Malaysia, Philippines cũng đang có động thái tương tự. Đây là xu hướng rất đáng lo ngại, nếu quản lý, kiểm soát không chặt chẽ sẽ gây ra hiểm họa khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đấu tranh phòng, chống ma túy ở Việt Nam.

Tội phạm có yếu tố nước ngoài, nhất là tội phạm người Đài Loan, Trung Quốc có nguy cơ gia tăng, chuyển hướng hoạt động sang địa bàn Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm ma túy nói riêng và tình hình an ninh, trật tự của đất nước nói chung, thậm chí còn tác động đến cả lĩnh vực chính trị - ngoại giao và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thu hút đầu tư, kinh doanh của nước ta. Điển hình là chúng ta đã phát hiện việc các đối tượng người Trung Quốc mang quy trình công nghệ sản xuất ma túy tổng hợp từ nước ngoài vào Việt Nam để sản xuất ma túy (tại địa bàn tỉnh Kon Tum...).

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động hơn, sẵn sàng sử dụng vũ khí chống trả lực lượng chức năng, gây ra những tổn thất cả về con người, vật chất cũng như ảnh hưởng phần nào đến tinh thần chiến đấu của một bộ phận CBCS và quần chúng nhân dân. Tội phạm ma túy triệt để lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đầu tư, kinh doanh có yếu tố nước ngoài để hoạt động phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia với số lượng đặc biệt lớn. Số lượng người nghiện ma túy trong nước vẫn còn ở mức cao, tạo ra nhu cầu sử dụng ma túy trong nước rất lớn. Hiện có khoảng 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý và không ngừng gia tăng qua từng năm.

Với những lý do trên, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát Biển tập trung đấu tranh với các đường dây ma túy lớn, xuyên quốc gia như thời gian vừa qua. Đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất ngăn chặn “nguồn cầu” không để tội phạm ma túy quốc tế câu kết với các đối tượng trong nước thiết lập đường dây vận chuyển ma túy vào Việt Nam và đi tiếp sang nước ngoài. Khâu then chốt ngăn không để Việt Nam thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Nhiều đường dây ma tuý lớn đã bị lực lượng Công an triệt phá.

PV: Được biết, việc đấu tranh,  bóc gỡ các đường dây ma tuý lớn, xuyên quốc gia, bắt giữ các đối tượng cầm đầu gặp rất nhiều khó khăn. Đồng chí có thể chia sẻ để bạn đọc hiểu về công tác này, và quyết tâm của lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện:  Ma túy tại nước ta chủ yếu thẩm lậu từ bên ngoài, do đó trên các tuyến biên giới, hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy rất phức tạp. Chúng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh, tìm mọi cách đối phó với sự phát hiện của cơ quan chức năng, manh động chống trả bằng vũ khí nóng khi bị bắt giữ. Đặc thù công tác phòng, chống ma tuý thường xuyên đòi hỏi các CBCS phải độc lập tác chiến... Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đôi khi các trinh sát phải đi bộ hàng chục cây số đường rừng núi hoặc bám trụ nhiều ngày đêm tại địa bàn hiểm trở trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt… Bên cạnh đó, việc đấu tranh bóc gỡ các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia còn có những khó khăn sau:

Tội phạm ma túy hoạt động có tổ chức chặt chẽ theo đường dây, ổ nhóm câu kết móc nối từ nước ngoài vào; chúng triệt để lợi dụng khoa học công nghệ, phương tiện hiện đại che giấu, trốn tránh sự phát hiện đấu tranh của Công an và các lực lượng chức năng.  Phương thức thủ đoạn của chúng tinh vi, xảo quyệt, không từ một thủ đoạn nào để đạt mục đích,  từ mua chuộc dụ dỗ, đe dọa đến tấn công bằng vũ khí. Đồng thời khi phát hiện điều kiện thuận lợi sẵn sàng tổ chức lực lượng có vũ trang vận chuyển qua biên giới thách thức chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng.

Cùng với sự phát triển của thông tin liên lạc, toàn cầu hóa... các đối tượng mua bán ma túy dễ dàng kết nối, móc nối với nhau hình thành các đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Các đối tượng chủ mưu cầm đầu thường không trực tiếp tham gia vận chuyển ma túy mà chỉ đạo qua nhiều đối tượng… gây khó khăn cho công tác điều tra tố tụng đấu tranh mở rộng chuyên án, vụ án. Mặt khác, các đối tượng tham gia vận chuyển thuê thường khó khăn về kinh tế, kém hiểu biết về pháp luật, nhưng thông thạo trong đi lại hoặc có khả năng để giao cho một nhiệm vụ vận chuyển, cất giữ, đóng gói…

Bên cạnh đó, rào cản pháp lý giữa các quốc gia gây khó khăn trong việc thu thập thông tin tài liệu, xác minh, xác định… đặc biệt là khó khăn trong việc bắt giữ, dẫn độ, điều tra truy tố và xét xử. Với chính sách mở cửa, thông thương, phát triển kinh tế, thủ tục thông quan tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu... bị các tổ chức tội phạm trong và ngoài nước lợi dụng để vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào và từ Việt Nam ra nước ngoài thời gian qua. Những yếu tố trên đồng thời là khó khăn, thách thức cho các lực lượng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia thời gian qua.

PV: Trong kỳ họp Quốc hội tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật Phòng chống ma tuý sửa đổi. Vậy vì sao phải sửa đổi luật trong khi công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý đạt được nhiều kết quả?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện:  Tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm, mang lại siêu lợi nhuận, khiến các tổ chức tội phạm không từ thủ đoạn nào, phương thức hoạt động tinh vi và sẵn sàng dùng vũ khí nóng chống trả quyết liệt với các lực lượng chức năng. Công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy tuy còn gặp một số khó khăn như: Cơ sở vật chất, phương tiện nghiệp vụ chưa đáp ứng được nhu cầu công tác, địa bàn hoạt động phức tạp thường ở những vùng sâu vùng xa, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn cũng như luôn phải đối diện với nguy hiểm khi trực tiếp truy bắt đối tượng… nhưng lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy luôn đoàn kết, quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm và tệ nạn ma túy.

Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, đảm bảo TTATXH, việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.  Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, phải sửa đổi Luật Phòng chống ma tuý nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng CAND là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh, từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội; ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước...

Thời gian tới, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy sẽ tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các lực lượng chức năng trong nước khắc phục những khó khăn vướng mắc, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, phối hợp với lực lượng phòng, chống tập trung đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa với các đường dây ma túy lớn, xuyên quốc gia, trọng tâm là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Tuyên bố chung Hội nghị quốc tế cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy xuyên quốc gia với sự tham dự của: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Philippines, Cảnh sát Liên bang Úc, (DEA) Hoa Kỳ, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) và Việt Nam. Theo đó, các nước tăng cường phối hợp xác lập chuyên án đấu tranh chung và cử lực lượng sang các nước khác để phối hợp đấu tranh, nhằm phòng ngừa tội phạm ma túy từ xa, không để thẩm lậu vào nước ta qua các tuyến đường biên giới trên bộ, tuyến hàng không, đường biển…

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí Thiếu tướng, Cục trưởng!

Phương Thuỷ (thực hiện)
.
.
.