Ngăn chặn "cơn bão tín dụng đen" - Cần có thông tư hướng dẫn của 3 ngành Tư pháp TW

Thứ Ba, 10/09/2013, 09:37
Để tiếp tục tìm những tiếng nói chung trong việc đi tìm những giải pháp nhằm hạn chế sự phát triển của “tín dụng đen”, Báo CAND có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Mạnh Hiền, Vụ trưởng Vụ 1, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện.
>> Phải dùng sức mạnh của luật pháp mới ngăn chặn được cơn bão "tín dụng đen"

PV: Xin ông cho biết một số ý kiến về tình hình vay và cho vay “tín dụng đen” đang gây rúng động, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội hiện nay?

Chúng ta thấy hoạt động tín dụng là nhu cầu cần thiết của mọi thành phần kinh tế, cũng như của nhu cầu cá nhân trong đời sống xã hội. Xuất phát từ nhu cầu đấy, thời gian qua do nhiều nguyên nhân khác nhau, những đơn vị kinh tế và cá nhân có nhu cầu vay vốn nhưng không tiếp cận được nguồn tín dụng của ngân hàng, phải tìm những nguồn vốn ngoài xã hội. Hoạt động tín dụng ngoài sự quản lý của Nhà nước diễn ra hết sức phức tạp, ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều địa phương, đã kéo theo nhiều hệ lụy về mặt xã hội phức tạp, gây hậu quả lớn, mất ANTT, dẫn đến việc đòi nợ thuê của các đối tượng “xã hội đen”, xảy ra việc bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích… thậm chí có nhiều đối tượng không trả được món nợ quá lớn dẫn đến tự sát.

Qua thực tế xử lý, chúng tôi thấy có 3 dạng: Dạng thứ nhất, những đối tượng cho vay lợi dụng nhu cầu cần thiết của người cần vay, cho vay tiền với lãi suất cao, có khi từ 4%/ngày và có thể còn cao hơn thế nữa. Dạng thứ hai, đối tượng lợi dụng nhận thức hạn chế về mặt pháp luật của người đi vay để yêu cầu thế chấp tài sản, đồng thời ủy quyền cho họ quyết định bán các tài sản của mình. Các đối tượng đưa ra lãi suất không cao, hợp đồng đều có công chứng, nhưng nhiều trường hợp sau khi cho vay, đối tượng lập tức bán tài sản của họ với mức giá không phù hợp với giá thực tiễn để chiếm đoạt tài sản của họ. Dạng thứ 3, lợi dụng nhu cầu cho vay của người vay, một số đối tượng đứng ra huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong nhân dân với hứa hẹn lãi suất cao, nhưng thực tế chúng huy động xong không cho ai vay mà chiếm đoạt, bỏ trốn luôn.

PV: Trước tình hình vỡ "tín dụng đen", có những đơn vị, địa phương thì cho là dân sự, nhưng cũng có đơn vị cho rằng hình sự… Theo quan điểm của ông,  với cương vị là lãnh đạo cơ quan kiểm tra, giám sát tiến hành tố tụng thì nên như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Hiền, Vụ trưởng Vụ 1, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Để xử lý chính xác, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, trước hết ngoài hành vi của các đối tượng này phải quan tâm, làm rõ được động cơ, mục đích, ý thức chủ quan của họ như thế nào. Phải làm rõ được thì mới định được tội danh một cách chính xác. Nếu động cơ, mục đích chỉ nhằm cho vay để hưởng lãi suất cao thì có thể là tội "cho vay lãi nặng". Nhưng nếu cho vay có thế chấp tài sản, lợi dụng nhận thức kém của người dân sau khi cho vay để bán tài sản người ta thì rơi vào tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Nếu huy động tín dụng nhằm mục đích chiếm đoạt, cũng là tội lừa đảo. Hoặc có động cơ, mục đích khác rơi vào tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", ví dụ như ban đầu cho vay, huy động chưa có ý chiếm đoạt, nhưng sau này khi vay mượn, huy động được tài sản rồi mới nảy sinh thì rơi vào tội "lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản".

Như vậy căn cứ vào từng hành vi, động cơ, mục đích, ý thức chủ quan của các đối tượng phạm tội mới xác định được chính xác tội danh. Cụ thể, nếu là tội lừa đảo, phải có yếu tố chiếm đoạt, còn tội "cho vay lãi nặng" phải có hành vi cho vay hưởng lãi suất cao gấp 10 lần mức lãi suất quy định.

PV: Các cơ quan tư pháp, tổ chức chính quyền xã hội cần phải làm gì để ngăn chặn những hành vi trên?

Thời gian vừa qua các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung từ trung ương đến địa phương đã có sự phối hợp nhằm ngăn chặn tình trạng này, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Đối với hành vi "cho vay lãi nặng", theo quy định pháp luật, mức lãi suất phải gấp 10 lần lãi suất của ngân hàng, phải có tính chuyên nghiệp và có tính bóc lột. Tuy nhiên hiện nay Nhà nước chỉ khống chế trần huy động chứ không quy định trần lãi suất cho vay. Mà lãi suất cho vay các đối tượng tự thỏa thuận. Vì thế nhiều địa phương lúng túng ở chỗ gấp 10 lần này là lãi suất huy động hay lãi suất cho vay. Rồi như thế nào là có tính chuyên nghiệp hay có yếu tố bóc lột… cũng chưa có một văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền quy định và hướng dẫn cụ thể để xử lý…

Đối với trường hợp cho vay thế chấp tài sản có ủy quyền được công chứng, hầu hết hợp đồng này có ý thức từ đầu. Mặc dù đối tượng không đòi hỏi lãi suất cao nhưng mọi thủ tục về cho vay tiền rất chặt chẽ, nhiều trường hợp có xác nhận của công chứng viên, nhất là hợp đồng ủy quyền. Vì vậy sau khi mất tài sản, mất nhà, nạn nhân mới có đơn tố cáo, nhưng khi xem xét văn bản thì rất khó khăn trong việc bác các công chứng, vì chính công chứng đã xác nhận sự tự nguyện giao dịch trong dân sự của hai bên. Cơ quan chức năng gặp khó khăn trong khâu xử lý.

Trường hợp đối tượng đi huy động vốn, đôi khi do các đối tượng dựa vào lòng tham lãi suất cao của người cho vay tiền nên mới bị lừa. Khi xử lý, có khi chính những người bị hại lại là đối tượng phạm tội vì đi cho vay lãi nặng. Mặc dù họ chưa lấy được lãi nhưng họ đã sai khi cho vay lãi vượt mức quy định của Nhà nước.

Trên cơ sở đó, Vụ 1, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, là cơ quan tham mưu cho ngành trong lĩnh vực quản lý kinh tế và chức vụ, vừa qua đã tập hợp những tình hình hoạt động tín dụng trái pháp luật (mà chúng ta vẫn gọi là “tín dụng đen”) và những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý. Chúng tôi đã xây dựng một chuyên đề nghiệp vụ. Tuy nhiên việc làm của chúng tôi mới chỉ đáp ứng một phần nào đó để giải quyết những bức xúc trong thực tiễn đặt ra, đối với việc xử lý các hành vi này ở góc độ cơ quan kiểm sát điều tra. Còn muốn xử lý, áp dụng một cách thống nhất, triệt để, thiết nghĩ cần phải có một thông tư liên tịch của 3 ngành Tư pháp Trung ương để hướng dẫn cho tất cả cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng để xử lý hành vi này.

Mặt khác chúng tôi cũng đề nghị ngành ngân hàng cần nghiên cứu để có cơ chế về mặt hành chính, thủ tục, điều kiện thông thoáng hơn để mọi thành phần kinh tế cũng như người dân có nhu cầu tín dụng có thể tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng. Nếu chúng ta làm được như vậy thì mới có thể ngăn chặn có hiệu quả hành vi “tín dụng đen” này được.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Đào Vĩnh Tường, Chánh Tòa hình sự TAND Hà Nội.
Ông Đào Vĩnh Tường, Chánh Tòa hình sự (TAND TP Hà Nội): Nhiều hướng dẫn về xử lý tội danh liên quan đến "tín dụng đen" đã lỗi thời

Tại Hà Nội, thời gian qua, đã diễn ra nhiều vụ việc vỡ nợ lớn liên quan đến "tín dụng đen". Cũng rất nhiều vụ đã được các cơ quan tố tụng tại đây xử lý nghiêm khắc. Điều đó chứng tỏ quyết tâm của các cơ quan tố tụng của thành phố Hà Nội cũng như sự thống nhất trong đường lối xử lý của cơ quan này. Từ thực tế và kinh nghiệm tại Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đào Vĩnh Tường, Chánh Tòa hình sự thuộc Tòa án Hà Nội để có thêm những giải pháp cho việc giải quyết vấn nạn "tín dụng đen". 

PV: Để khống chế sự phát triển của "tín dụng đen" và những hệ lụy đau lòng của nó, theo ông, cần phải có những giải pháp gì?

Ông Đào Vĩnh Tường: Trước hết, phải tăng cường các biện pháp hành chính trong việc quản lý cho vay lãi của cá nhân. Tập trung điều tra, làm rõ được các vụ cho vay lãi nặng để răn đe tội phạm. Phải quản lý chặt dịch vụ cầm đồ, bởi đây chính là một biến tướng của hành vi cho vay lãi nặng, nếu không quản lý được thì đề nghị không cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ cầm đồ nữa.    

Trước đây, TAND tối cao cũng đã có hướng dẫn về việc xử lý các loại tội phạm có tính chiếm đoạt. Tuy nhiên, hướng dẫn đó đã chỉ mang tính tương đối, có từ rất lâu rồi và cũng đã lỗi thời. Chẳng hạn, theo hướng dẫn này, nếu số tiền chiếm đoạt từ 4 tỷ đồng trở lên là áp dụng hình phạt tử hình. Theo BLHS sửa đổi năm 2009 đã bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này nên những người làm công tác xét xử như chúng tôi đành "tự" hạ mức xử lý theo hướng dẫn trên xuống mức chung thân. Mà trong thời điểm hiện nay, hầu như vụ vỡ nợ nào cũng có số tiền chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng, vì thế cái ngưỡng 4 tỷ đồng cũng không còn hợp lý nữa. Chính vì thế, chúng tôi rất cần một thông tư liên tịch mới của 3 ngành Tư pháp Trung ương, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn về đường lối xử lý, về các dấu hiệu của các tội danh liên quan đến "tín dụng đen", đặc biệt là các loại tội như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng…; quy định lại mức độ xử phạt, cũng như "ngưỡng" của số tiền chiếm đoạt trong quy định tội danh…

Luật sư Nguyễn Hữu Vượng, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Vượng và cộng sự

Để ngăn chặn vấn nạn này, thiết nghĩ, thị trường tài chính, tín dụng phải đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân và các doanh nghiệp khi có nhu cầu vay vốn, không nên quá thắt chặt chính sách tiền tệ khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, vì việc quá thắt chặt là một trong những nguyên nhân nảy sinh, phát triển "tín dụng đen". Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải phối hợp với nhau để xây dựng một khung pháp lý chuẩn cho việc quản lý ngăn chặn các hệ quả của “tín dụng đen", không để "tín dụng đen" phát triển trở thành một nguy cơ tiềm ẩn trực tiếp hoặc gián tiếp đe dọa đến sự ổn định của xã hội, đe dọa đến người dân.

Cụ thể như xây dựng một Thông tư hướng dẫn phòng việc xử lý khi có vụ việc xảy ra. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành những Thông tư hướng dẫn về lãi suất ngân hàng ở từng thời điểm để xác định vay và cho vay như thế nào là vượt quá lãi suất của Ngân hàng Nhà nước quy định, là một trong những căn cứ để xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính. Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Điều 140 nên có sự bổ sung hoặc sửa đổi. Chẳng hạn nên áp dụng, các vụ vay và cho vay tiền với lãi suất cao vượt quá số lần cho phép Ngân hàng Nhà nước quy định nên xử lý về hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Việc cho vay và vay tiền không nhất thiết phải sử dụng đồng tiền vào mục đích bất hợp pháp thì mới xử lý hình sự mà có căn cứ chứng minh không trả được tiền thì nên đưa vào xử lý hình sự.

Minh Khoa - Quỳnh Vinh
.
.
.