Xét xử vụ sát hại lái xe taxi ở Hà Nội:

Một bản án chưa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật

Thứ Năm, 07/05/2015, 08:57
Sau khi nghị án, HĐXX khẳng định, hành vi mà bị cáo Tường không chỉ trực tiếp tước đoạt quyền được sống của anh Lương mà còn kéo theo bao hệ lụy đối với gia đình anh Lương nên cần phải có bản án nghiêm khắc... Thật bất ngờ ngay sau đó, vị Chủ tọa phiên tòa lại quyết định thay đổi tội danh đối với bị cáo từ “giết người” sang “cố ý gây thương tích” và tuyên phạt bị cáo Tường 12 năm tù giam.

Hai người đàn ông trong vụ án này đều là trụ cột của hai gia đình. Nhưng chỉ từ một tình huống mâu thuẫn nhỏ trên xe taxi đã dẫn đến hậu quả đau lòng cho cả hai khi một người phải vào tù, một người ra đi mãi mãi. Ngày 6/5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Bùi Mạnh Tường, 33 tuổi, trú tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Bị hại là anh Lê Văn Lương, 37 tuổi, ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Theo cáo trạng, khoảng 20h ngày 30/6/2013, hai anh em Bùi Mạnh Tường (đã có một tiền án về tội trộm cắp tài sản) và Bùi Mạnh Tú sau khi đi hát karaoke đã gọi taxi, BKS 29Z- 9381 do anh Lê Văn Lương điều khiển chở về nhà ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong lúc xe chạy, do mâu thuẫn trong việc bật điều hòa taxi nên Tường đã lôi anh Lương từ trong xe ra ngoài và cùng Tú dùng tay chân đấm đá anh Lương khiến anh bị thương nặng.

Bị cáo Tường và gia đình bị hại tại phiên xử.

Dù sau đó anh Lương đã được người trong gia đình đưa đi cấp cứu ở bệnh viện nhưng do vết thương nặng nên hai ngày sau, anh Lương đã tử vong. Gần một tháng sau, Tường đã đến cơ quan Công an đầu thú, còn Tú vẫn bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã quyết định tách vụ án và bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Tại phiên xử, bị cáo Tường thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên.

Trong phần luận tội, vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố nêu quan điểm, hành vi phạm tội của bị cáo Tường đã gây ra đối với anh Lương là đặc biệt nghiêm trọng, dẫn đến hậu quả là trực tiếp gây ra cái chết cho anh Lương. Hành vi ấy không chỉ thể hiện sự coi thường pháp luật mà còn xâm hại đến tính mạng của anh Lương.

Tuy nhiên, vị đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo với lý do, sau khi gây án, bị cáo và gia đình đã có ý thức khắc phục một phần hậu quả như bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 210 triệu đồng và đại diện gia đình bị hại đã có đơn đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Với đánh giá và phân tích trên, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tường từ 12-14 năm tù về tội giết người. Ngoài ra, HĐXX buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường về dân sự cho gia đình bị hại theo quy định của pháp luật.

Trong phần tranh luận, chị Trần Thị Thu (vợ bị hại) trình bày, lý do chị viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là do bị ép buộc.

“Gia đình bị cáo bảo tôi, nếu muốn nhận tiền bồi thường thì phải viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Thưa Tòa, chồng tôi là lao động chính nhiều năm qua, bản thân tôi thường xuyên ốm đau, bệnh tật nên không có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế gia đình. Vì gia cảnh lúc đó quá khó khăn nên tôi buộc phải viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để nhận tiền từ gia đình bị cáo lo trang trải tiền viện phí, tiền lo lễ tang cho chồng, tiền nuôi hai con nhỏ dại và phụng dưỡng mẹ chồng đã 74 tuổi. Rất mong Tòa hiểu cho hoàn cảnh của tôi để ra một bản án thấu tình, đạt lý”, chị Thu cho biết.

Ngoài việc đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo nghiêm khắc, chị Thu còn đề nghị HĐXX buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường về dân sự cho gia đình chị theo luật định.

Vị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo cũng đồng quan điểm với đại diện Viện Kiểm sát về tội danh và mức hình phạt dành cho bị cáo. “Mức hình phạt mà đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo đã được giảm nhẹ nên tôi không có ý kiến gì. Dù là luật sư bảo vệ cho bị cáo, tuy nhiên tôi cũng đồng tình với ý kiến của vợ bị hại khi chị đề nghị bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường các khoản tiền thuốc men, tiền lo tang lễ cho bị hại, tiền tổn thất về tinh thần, tiền nuôi hai đứa con thơ của chị cho đến khi 18 tuổi và tiền để chị phụng dưỡng mẹ chồng. Đề nghị HĐXX xem xét vì điều này là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật”, vị luật sư nêu quan điểm. Khi HĐXX cho nói lời sau cùng, bị cáo xin lỗi gia đình bị hại và đồng ý bồi thường các khoản tiền mà vợ bị hại yêu cầu.

Sau khi nghị án, HĐXX khẳng định, hành vi mà bị cáo đã gây ra đối với anh Lương là rất nguy hiểm cho xã hội. Hành vi ấy không chỉ trực tiếp tước đoạt quyền được sống của anh Lương mà còn kéo theo bao hệ lụy đối với gia đình anh Lương nên cần phải có bản án nghiêm khắc để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Dù đã phán quyết rõ ràng như vậy, nhưng thật bất ngờ là ngay sau đó, vị Chủ tọa phiên tòa lại quyết định thay đổi tội danh đối với bị cáo từ “giết người” sang “cố ý gây thương tích” và tuyên phạt bị cáo Tường 12 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích.

Cùng với hình phạt, HĐXX còn buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 500 triệu đồng liên quan đến các khoản tiền như đại diện Viện Kiểm sát và luật sư đề nghị. Ngoài ra, HĐXX còn buộc bị cáo chu cấp cho mẹ đẻ của bị hại 300.000đ một tháng cho đến khi bà qua đời. Ngay sau khi HĐXX tuyên án, vợ bị hại cho biết, chị sẽ làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chị Trần Thị Thu hiện đang bị bệnh về xương khớp, sức khỏe rất yếu nên hạn chế khả năng lao động. Hiện tại, nguồn thu nhập duy nhất của chị để nuôi hai con gái, một cháu 6 tuổi, một cháu 3 tuổi chỉ trông vào một sào ruộng khoán. Ngoài ra, chị Thu không có nguồn thu nhập nào khác. Sau khi anh Lương bị sát hại, hoàn cảnh kinh tế của gia đình chị Thu rất khó khăn vì không có nguồn thu nhập ổn định.
Nguyễn Hưng
.
.
.