Từ hai vụ sát hại bạn đời vì ghen xảy ra ở Hà Nội:

Mọi hiểu lầm cần giải quyết ngay để tránh hậu quả

Thứ Tư, 13/11/2013, 12:58
Họ là vợ chồng đang chung sống thời gian dài hạnh phúc. Thế nhưng chỉ vì hiểu lầm từ một phía về sự thiếu chung thủy, trong khi bên còn lại không kịp thời giãi bày để giải quyết mâu thuẫn đã dẫn tới hậu quả đau lòng. Hai vụ án dưới đây xảy ra ở Hà Nội là bài học cảnh tỉnh cho mỗi người trong cách ứng xử gia đình để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Ngày 12/ 11, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án giết người. Bị cáo Chu Thị Quý, 35 tuổi, ở xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Bị hại là anh Phùng Văn Tuân, 37 tuổi, chồng của bị cáo. Kết quả điều tra thể hiện, anh Tuân và Quý đã có gần 20 năm sống hạnh phúc bên nhau. Thời gian gần đây, do nghi ngờ chồng có quan hệ bất chính với người phụ nữ khác nên Quý rất bức xúc. Thế nhưng thay vì hỏi chồng về việc này cho ra nhẽ thì Quý lại nảy sinh ý định giết chồng cho hả giận.

Để thực hiện hành vi phạm tội, Quý mua thuốc ngủ và bốn gói thuốc diệt chuột để sẵn trong nhà. Chiều 26/4, biết chồng chuẩn bị sang nhà chú ruột ăn cơm, Quý cho ba viên thuốc ngủ vào chai bia rồi mời chồng uống. Không mảy may nghi ngờ hành động lạ lùng của vợ, anh Tuân rót bia ra uống rồi sang nhà chú ruột ăn cơm. Sau khi chồng ra khỏi nhà, Thuý lấy con dao nhọn giấu dưới đệm.

Tối hôm đó, Quý chủ động gây sự và cãi nhau với chồng rồi đi ngủ trước. Anh Tuân sau khi ngấm thuốc đã ngủ li bì. Nửa đêm, Quý thức dậy và dùng dao đâm vào bụng chồng. Trúng thương, anh Tuân kêu cứu nhưng Quý bỏ mặc chồng nằm đó chạy ra khỏi nhà nhờ người khác đưa chồng đi cấp cứu. Nạn nhân may mắn thoát chết. Một ngày sau khi gây án, Quý bị bắt giữ.

Biết tin này, anh Tuân đã đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Quý. Trước khi hầu tòa, Quý đã được vào bệnh viện thăm chồng. Trong buổi trò chuyện ngắn ngủi giữa hai vợ chồng, sau khi nghe chồng khẳng định không có chuyện ngoại tình, Quý đã khóc trong ân hận và đòi tự tử để chuộc lỗi với chồng, nhưng được mọi người ngăn cản kịp thời. Quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan bảo vệ pháp luật xác định hành vi phạm tội của Quý là rất nghiêm trọng nên xét thấy cần phải áp dụng hình phạt tù để răn đe Thuý và phòng ngừa chung cho xã hội. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Quý 11 năm tù về tội giết người.

Nếu như sự hiểu lầm ở vụ án trên vẫn còn cơ hội cho vợ chồng anh Tuân đoàn tụ thì sự hiểu lầm ở vụ án dưới đây đã nghiêm trọng hơn rất nhiều. Hậu quả từ việc gây án do hiểu lầm đã khiến người vợ bị tử vong tại chỗ. Đối tượng gây án đang phải đối diện với khung hình phạt cao nhất của tội giết người.

Kết quả điều tra ban đầu thể hiện, chị Bùi Thị Hồng, 27 tuổi, quê ở tỉnh Hậu Giang, làm nghề tự do ở Hà Nội. Năm 2008, chị Hồng và Lê Phương Quý, 31 tuổi, trú tại phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội tình cờ gặp nhau tại một quán cà phê rồi nảy sinh tình cảm và quyết định sống chung như vợ chồng. Sau một thời gian chung sống, họ đã sinh được bé trai. Cuộc sống gia đình từ khi có con đã thêm những khó khăn chồng chất.

Trong khi chị Hồng phải lao động trong môi trường nhạy cảm, thường xuyên phải đi làm đêm để kiếm tiền thì Quý lại không có nghề nghiệp ổn định. Không những vậy, anh ta lại còn vướng vào tệ nạn xã hội và thường giao du với các phần tử tệ nạn xã hội như mình. Mỗi lần chịu ảnh hưởng từ tệ nạn xã hội, Quý lại ghen tuông, mắng mỏ, đánh vợ khiến hàng xóm phải kịp thời can ngăn để tránh xảy ra hậu quả xấu.

Ngày 15/10, sau khi bị tệ nạn xã hội làm cho đầu óc ngây dại, Quý không đi đâu được nên ở nhà trọ tại khu chung cư 5 tầng, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội suy nghĩ lung tung. Nửa đêm, khi chị Hồng đi làm về, Quý gây sự và cả hai đã to tiếng tiếng. Thấy vợ thu dọn quần áo, Quý tưởng vợ bỏ đi nên trong lúc đầu óc ngây dại, anh ta đã dùng hai tay bóp cổ vợ mình. Mặc cho chị Hồng kêu cứu, Quý tiếp tục dùng dây điện của máy sấy tóc siết cổ mạnh khiến nạn nhân tử vong. Sau khi gây án, Quý đã gọi điện cho người thân của vợ và một số người khác thông báo sự việc. Khi người thân của nạn nhân và cơ quan Công an có mặt, Quý đang khóc bên thi thể vợ…

Thực tế trong cuộc sống vợ chồng cho thấy rất khó tránh khỏi những lúc hiểu lầm, lời qua tiếng lại. Khi đó giải pháp tốt nhất là mỗi người nên tự kìm lòng mình để lắng nghe giải thích của bạn đời về sự hiểu lầm đó để làm sáng tỏ sự việc, nhanh chóng hòa giải những nghi ngờ vô cớ để vợ chồng sớm trở về với yêu thương, trách nhiệm. Với truyền thống của người Việt Nam là "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại" thì ngay cả trong trường hợp người vợ hoặc chồng vì sai lầm nhất thời mà có lỗi với bạn đời thì người còn lại cũng nên rộng lòng tha thứ trong cao thượng để hướng đến cuộc sống tốt đẹp cho ngày mai, chứ đừng vì ghen tuông mà hành xử nóng vội sẽ dễ dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Theo Trung tá Cao Văn Thái, Đội trưởng Đội 13, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Hà Nội, để hạn chế xảy ra những vụ án gây hậu quả nghiêm trọng trong gia đình cần phải tập trung thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp phòng ngừa. Trong đó công tác phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật đến từng người dân giữa các phòng nghiệp vụ với Công an các quận, huyện, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố phải chặt chẽ và được thực hiện thường xuyên. Và biện pháp quan trọng của khâu phòng ngừa là các đơn vị chức năng ở cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an nắm bắt những mâu thuẫn trong từng hộ dân, để có biện pháp giải quyết, tránh xung đột không đáng có.

Từ hai vụ án đau lòng như đã nêu trên, thiết nghĩ mỗi người hãy lấy đó làm bài học kinh nghiệm để sống đẹp hơn, yêu thương nhau hơn

Nguyễn Hưng
.
.
.