Máu rừng Suối Hương, Suối Mì trước nguy cơ cạn kiệt

Chủ Nhật, 02/06/2013, 08:00
Mới 8h sáng, nhưng cái nắng cuối tháng năm ở vùng đất huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã như trút lửa. Trong vai dân “săn” phong lan, tôi bám theo một người quen ở xã Vạn Khánh ngược lên hướng tây bắc hơn 8 cây số để tiếp cận địa hạt Suối Hương, Suối Mì - nơi đó máu rừng đang có nguy cơ cạn kiệt khi giới lâm tặc đua nhau đốn hạ gỗ lậu.

Vượt qua khỏi con suối Dốc Mõ, đi thêm đoạn đường nữa chúng tôi đến cửa rừng. Ở đó có hai quán giải khát tồn tại từ nhiều năm qua và cũng là nơi lâm tặc dừng chân trước khi vào rừng, hoặc chuẩn bị đưa gỗ lậu về xuôi. Khi nhận được điện thoại của người “dọn đường” báo tin có dấu hiệu bất ổn, lâm tặc tạm thời cất giấu gỗ để chờ cơ hội thuận lợi mới xuất phát. Và nếu vắng bóng kiểm lâm, từng nhóm người tất bật chở gỗ về xuôi trên xe đạp.

Từ cửa rừng, theo đường mòn chông chênh sỏi đá, nối tiếp dốc cao, lắm lúc suýt ngã nhào vì trượt chân, chúng tôi phải vất vả nhiều giờ mới lần lượt vượt qua khỏi những địa hạt Suốt Đát, Suối Hương, Dốc Cắt, Dốc Mồng, Suối Gà, Dốc Giang…

Nhìn “con đường gỗ lậu” do lâm tặc kéo gỗ xói mòn, hằn sâu như giao thông hào cũng đủ để nhận biết nạn khai thác gỗ lậu hoành hành ở đây lâu lắm rồi. Phía sau những khoảnh rừng xanh là tiếng cây gỗ đổ gục ầm ào lẫn trong tiếng rít của máy cưa lốc âm vang. Lội sâu hơn nữa, chúng tôi bắt gặp nhiều vết tích phá rừng với những gốc cây đã bị cắt ngang bề mặt, cạnh đó là những cây gỗ lớn nhỏ bị đốn hạ ngổn ngang, trong đó có không ít cây gỗ sơn, ruột đỏ au, đường kính 30 - 50cm.

Một cây gỗ lớn bị đốn hạ còn trơ lại gốc.

Sau khi giả vờ dò hỏi nơi nào có nhiều phong lan để tạo chút thiện cảm, tôi lựa lời “khai thác” Năm Tân - một lâm tặc trạc ngoài 45 tuổi: “Đi rừng đốn gỗ cực nhọc thế này, mỗi ngày kiếm đủ tiền chăm lo đời sống gia đình không?”.

Không chút do dự, gã thợ rừng bày tỏ: “Gia đình tui làm nông. Ruộng đất chưa đến ba sào, trừ khâu gieo giống, cấy giặm, bón phân do vợ chồng tui làm, những công đoạn cày bừa, gặt lúa, tuốt lúa đều phải thuê máy móc, cộng với chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ… chỉ thu hơn hai trăm ký lúa. Thiếu thốn nên tui mới vô rừng kiếm ăn, dù cực nhưng mỗi khúc gỗ sơn đưa xuống tới khu dân cư bán được hơn nửa triệu. Nhờ khoản tiền này mới có chi phí sinh hoạt, chăm lo việc học cho hai đứa con”. Tôi hỏi tiếp “Hai năm làm thợ rừng, có lần nào anh chạm trán kiểm lâm không ?”. Năm Tân đáp ngay “Có chớ. Ít nhất ba lần rồi. Lần nào cũng bỏ của chạy thoát thân để khỏi bị xử phạt”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, cách đây hơn chục năm, rừng Suối Hương, Suối Mì có nhiều gỗ quý như: Hương, sao, chò. Cuộc mưu sinh của lâm tặc khiến cho những cây gỗ đó đã bị đốn hạ cạn kiệt, bây giờ đến lượt những cây gỗ sơn, trâm, muồng… phải đối mặt với nạn phá rừng đang bùng phát khốc liệt. Mỗi ngày, những nhóm lâm tặc vào rừng từ mờ sáng, họ dùng máy cưa đốn gỗ, xẻ thành hộp, buộc dây kéo theo “con đường gỗ lậu”, khuân vác qua suối, đẩy gỗ xuống dốc để đưa ra cửa rừng. Những khoảnh rừng đang bị đốn hạ thuộc tiểu khu 8, 13, 16 xã Vạn Bình, tiểu khu 12 xã Vạn Khánh và một vạt rừng phòng hộ đầu nguồn tiếp giáp với huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Gỗ lậu về xuôi bán cho lái buôn, xưởng mộc ở các xã Vạn Bình, Vạn Phú và thị trấn Vạn Giã.

Tận mắt chứng kiến thảm cảnh cây rừng bị đốn hạ, chúng tôi chợt nhớ ở Trạm Quản lý bảo vệ rừng Dốc Mõ chỉ có… 2 kiểm lâm, nên không đủ “lực” để tuần tra, truy chặn gỗ lậu. Mỗi tháng một vài lần, Hạt kiểm lâm phối hợp BQL rừng phòng hộ Vạn Ninh vào tới Dốc Mõ thì bên trong rừng trở nên trầm lặng, tiếng máy cưa im bặt, gỗ lậu đã được tẩu tán cất giấu, những nhóm lâm tặc rút lui êm gọn, trên tay chẳng có công cụ nào cho thấy họ đã cưa xẻ, đốn hạ gỗ lậu. Một gã thợ rừng có hơn chục năm đốn hạ gỗ lậu “bật mí” rằng “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thu hồi khu rừng này để giao cho Công ty TNHH Vạn Hương... phát dọn để trồng cao su, tụi tui tranh thủ “xin” mấy cây gỗ, chứ nay mai họ phát dọn cũng phí”.

Vì sự sinh tồn một “lá phổi xanh” nguyên sinh, đã đến lúc các lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng phòng hộ ở huyện Vạn Ninh cần sớm có biện pháp ráo riết, kiên quyết đấu tranh, truy chặn lâm tặc nạn chảy máu rừng ở Suối Hương, Suối Mì. Hơn thế nữa, nhiều người dân cho rằng UBND tỉnh Khánh Hòa cần xem xét lại Quyết định 2842/QĐ-UB ngày 13/11/2012 về việc thu hồi gần 496ha đất và rừng do BQL rừng phòng hộ Vạn Ninh quản lý để giao cho Công ty TNHH Vạn Hương phát dọn, trồng cây cao su, trong đó có các tiểu khu rừng nêu trên vốn còn rất nhiều cây gỗ…

PV
.
.
.