Đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng:

Luật sư của bà Trần Ngọc Bích phản đối đề nghị của Viện kiểm sát

Thứ Bảy, 14/01/2017, 09:17
Ngày 13-1, phiên tòa xét xử đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục phần tranh luận.

Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quí Thanh và 16 cá nhân đứng tên trong sổ tiết kiệm liên quan đến khoản tiền 5.490 tỷ đồng đã phát biểu quan điểm tranh luận lại với Viện kiểm sát.

Theo luật sư, thời điểm năm 2012, bà Bích, ông Thanh gửi tiền vào VNCB (trước đây là Trustbank) vì thời điểm đó các thông tin công khai về ngân hàng này toàn là thông tin tốt, không có thông tin nào từ VNCB hay cơ quan quản lý nhà nước về tình trạng thua lỗ, khó khăn của VNCB. Do thông tin tốt, lãi suất VNCB công bố là lãi suất cạnh tranh nên bà Bích, ông Thanh và các cá nhân mới gửi tiền vào VNCB.

Theo luật sư, hoàn toàn không có chứng cứ nào thể hiện giữa bà Bích và ông Thanh với Phạm Công Danh có quan hệ vay mượn tiền, không có chuyện bà Bích cho Phạm Công Danh vay tiền thông qua ngân hàng.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Đối với khoản tiền 5.190 tỷ đồng đã bị chuyển ra khỏi tài khoản, bà Bích cũng không cho bị cáo Danh hay Phạm Thị Trang vay. Bởi, nếu muốn cho bị cáo Danh hay Phạm Thị Trang vay thì bà Bích đã thực hiện việc chuyển tiền hợp pháp.

Theo quy định pháp luật, chứng từ bắt buộc phải có chữ ký, không có chữ ký của chủ tài khoản thì không có chứng từ, không có chứng từ thì không thể thực hiện việc chuyển tiền, tiền vẫn còn trong tài khoản của bà Bích.

“VNCB đã tự ý hạch toán sai nên phải chịu trách nhiệm với tài sản của khách hàng”, luật sư lập luận. Luật sư Uyên cũng nói rằng các con số về tổng số tiền giao dịch mà bà Bích đã nhận đã bị thổi phồng, nhầm lẫn và không có cơ sở.

Bà Bích và ông Thanh chỉ gửi tiền vào VNCB và nhận không nhận bất cứ khoản tiền nào ngoài quy định từ VNCB hay Phạm Công Danh. Các bị cáo cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc chi lãi ngoài.

Về việc VKS đề nghị thu hồi lại khoản tiền 5.190 tỷ đồng, luật sư của bà Bích không đồng ý.

Trước đó, với tư cách người có quyền lợi và nghĩa quan trong vụ án, chiều 12-1, ông Hoàng Văn Toàn và ông Trần Sơn Nam (nguyên Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín) - 2 bị can mới bị bắt tạm giam vào đêm 10-1 vừa qua đã được triệu tập đến tòa. Cả ông Toàn và ông Nam đều kháng cáo quyết định khởi tố tại tòa của HĐXX cấp sơ thẩm.

"Tòa sơ thẩm ra quyết định khởi tố vụ án tại tòa nhưng chưa khởi tố bị can. Tôi không phải là bị can, bị cáo trong vụ án cấp sơ thẩm khởi tố nhưng nghi ngờ quyền lợi mình bị xâm phạm nên kháng cáo. Tôi không bào chữa mà chỉ trình bày", ông Toàn nói tại tòa.

Theo đó, ông Toàn cho rằng cấp sơ thẩm nhận định ông và các thành viên Hội đồng tín dụng đã vi phạm Quy định 852 khi tham gia phê duyệt cấp tín dụng tổng cộng 650 tỉ đồng cho 2 công ty Thịnh Quốc và Đại Hoàng Phương (thuộc Tập đoàn Thiên Thanh), gây thiệt hại cho ngân hàng 470 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Toàn, quy định 852 chỉ là quy định hướng dẫn nội bộ của Trustbank chứ không phải văn bản pháp quy nên không thể cho rằng ông có dấu hiệu phạm tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Từ đó, ông Toàn đề nghị cấp phúc thẩm hủy quyết định khởi tố. Đồng quan điểm, ông Trần Sơn Nam cũng đề nghị tòa hủy quyết định khởi tố của tòa sơ thẩm.

Trình bày quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích cho bà Hứa Thị Phấn tại tòa, luật sư của bà Phấn cũng không đồng tình với quyết định khởi tố vụ án của tòa sơ thẩm liên quan đến bà Hứa Thị Phấn. "Bà Phấn không có quyền phê duyệt cho vay", luật sư nói.

Về đề nghị thu hồi 139 tỷ đồng vật chứng vụ án mà bị cáo Danh đã chuyển cho bà Phấn, luật sư đề nghị HĐXX không chấp nhận quan điểm của VKS. Sau khi đưa ra các ý kiến, vị luật sư đề nghị hủy những quyết định của cấp sơ thẩm liên quan đến bà Hứa Thị Phấn, những vấn đề phát sinh đề nghị giải quyết bằng một vụ án dân sự khác.

A.Huy
.
.
.