Xét xử sai phạm tại ngân hàng Đại Tín:

Luật sư bào chữa cho các bị cáo là người giúp việc bà Phấn

Thứ Bảy, 26/05/2018, 10:16
Ngày 25-5, phiên toà xét xử vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (hiện  là ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB), tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

Bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Kim Loan (nguyên kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ; thư ký riêng của bà Phấn), luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo cho rằng, trong kết luận điều tra cũng như cáo trạng đều xác định bị cáo Loan giữ vai trò đồng phạm, giúp sức tích cực cho bà Phấn thực hiện hai hành vi phạm tội trên là không khách quan. 

Bị cáo Loan và chồng là Nguyễn Kim Thanh (bị cáo trong vụ án) đều là những người làm công ăn lương cho bà Phấn. Năm 2009, bị cáo Loan được nhận vào làm việc, ký hợp đồng lao động với công việc là nhân viên kế toán tại Công ty TNHH Phú Mỹ. 

Các bị cáo tại toà.

Là người làm công nên bị cáo Loan bị sai vặt là chuyện bình thường, không phải là người thân cận với bà Phấn như cáo trạng quy kết. Điều này còn chứng minh vợ chồng bị cáo Loan không được có mặt trong các chuyến du lịch giữa nhóm Phương Trang với ngân hàng Đại Tín, người nhà bà Phấn, không có mặt trong tiệc sinh nhật của bà Phấn... 

Về kết luận cáo trạng nhận định, quá trình điều tra bị cáo Loan khai báo quanh co, không hợp tác để làm rõ hành vi phạm tội của bà Phấn mà còn cùng chồng là Nguyễn Kim Thanh ký bán tẩu tán bất động sản đứng tên giúp bà Phấn tại số 5 Đoàn Kết, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức với giá 34,5 tỷ đồng, cản trở nghiêm trọng việc điều tra và thu hồi tài sản của CQĐT. 

Về nguồn gốc căn nhà này, theo luật sư Thảo là do Nguyễn Kim Thanh và bà Lê Thị Sương đứng tên đồng sở hữu. Tài sản này được thế chấp vay vốn tại Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi. Do khoản vay quá hạn nhưng khách hàng không có khả năng thanh toán nên ngân hàng đã xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. 

Tại phiên toà, đại diện ngân hàng này cũng trình bày: việc mua bán căn nhà là mua bán có điều kiện và ngân hàng chủ động thu xếp, bên chủ tài sản có nghĩa vụ phải hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ. 

Tiền bán căn nhà trên được người mua chuyển thẳng vào ngân hàng để thu hồi nợ, các bên đứng tên chủ sở hữu, trong đó có vợ chồng bị cáo Loan không thụ hưởng bất kỳ đồng nào từ việc mua bán trên. 

Đối với việc mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, luật sư cho rằng không có hành vi chiếm đoạt tài sản bởi đây là hành vi khách quan, là trường hợp thuận mua thuận bán. Về hành vi “cố ý làm trái...”, luật sư phản đối quan điểm của các bị cáo khác khi cho rằng chính bị cáo Loan là người chỉ đạo. 

Luật sư Thảo đặt câu hỏi: “Nếu nói bị cáo Loan là người chỉ đạo cho các bị cáo khác thì có hợp lý hay không trong khi quy trình ngân hàng chặt chẽ? Các bị cáo khác lấy gì để tin vào sự chỉ đạo của bị cáo Loan vì bị cáo chỉ là kế toán Công ty Phú Mỹ?”. 

Về các dư nợ của nhóm Phương Trang, luật sư Thảo đồng ý với ý kiến của các luật sư bào chữa cho bị cáo Phấn, con số thực nợ là trên 9.000 tỷ đồng, không phải là 3.966 tỷ đồng như cáo trạng kết luận.

Trước đó, luật sư bào chữa cho các bị cáo Văn Bùi Hồng Thi, Trần Thị Hồng Nga, Đỗ Thị Hồng Nhung, Trần Điền Ngọc Hân... đã đưa ra các luận cứ và cho rằng các bị cáo này có vai trò hạn chế trong vụ án. 

Quá trình điều tra và tại toà, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, tích cực giúp đỡ CQĐT làm rõ vụ án, thân nhân tốt, làm theo chỉ đạo... Từ đó, các luật sư mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo này.

A.Huy
.
.
.