Luật hóa quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy

Thứ Ba, 10/11/2020, 06:30
Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là một trong những dự thảo luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10. Hiện, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy là hai trong số các nội dung quan trọng của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính

Trong những năm vừa qua, số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp. Hình thức sử dụng đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)… Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là phạm tội và không bị xử lý hình sự. Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, nhà hàng… đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp.

Ma túy đã gây ra những hậu quả khôn lường không chỉ cho người nghiện mà còn cho cả gia đình và toàn xã hội. Ảnh: minh họa

Nhiều trường hợp sử dụng ma túy nhất là ma túy tổng hợp ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang dư luận nhân dân. Có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình. Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên khiến họ chưa được quan tâm một cách đúng mức, gây bất ổn đời sống, xã hội.

Đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, theo quy định hiện nay chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Mức xử phạt này là chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần phải quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và “có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16-8-2019 về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” của Bộ Chính trị.

Chương IV “Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy” của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là một trong những nội dung được quy định mới trong dự thảo luật. Theo đó, việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy với mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Dự thảo luật đã quy định các nội dung: Xác định người sử dụng trái phép chất ma túy; cơ quan có thẩm quyền xét nghiệm xác định sử dụng ma túy; biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của UBND, Công an cấp xã; cơ quan, gia đình và cá nhân người sử dụng trái phép chất ma túy. Kinh phí xét nghiệm xác định người sử dụng trái phép chất ma túy. Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy từ 18 tuổi trở lên là 1 năm, dưới 18 tuổi là 6 tháng. Thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy.

Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý hành chính. Trong thời hạn quản lý người đó chấp hành việc xét nghiệm ma túy theo yêu cầu của Công an cấp xã. Cơ quan Công an yêu cầu xét nghiệm ma túy theo yêu cầu của công an cấp xã. Cơ quan Công an yêu cầu xét nghiệm khi có tài liệu, căn cứ cho rằng người đó sử dụng trái phép chất ma túy, không tiến hành xét nghiệm tràn lan, tùy tiện. Việc này không ảnh hưởng đến người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian quản lý nếu họ thực sự tiến bộ, không tái sử dụng ma túy.

Kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy

Hiện nay, một số hoạt động chưa được đưa vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy như tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập. Đây là các hoạt động trên thực tiễn diễn ra thường xuyên, rất dễ bị các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội về ma túy. Một số loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất cũng chưa được quy định kiểm soát. Thực tế các đối tượng đã lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp từ các loại thuốc này.

Tính đến nay, cả nước đã phát hiện, bắt giữ 44 vụ sản xuất trái phép chất ma túy trong đó có 1 vụ sản xuất heroin, 43 vụ sản xuất ma túy tổng hợp, 15 vụ sản xuất ma túy tổng hợp bằng cách chiết xuất tiền chất từ tân dược (chiếm 35%). Theo đó, Chương III “Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy” của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được kế thừa các quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành trong đó có bổ sung các quy định về tiền chất; nguyên liệu làm thuốc là được chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; các hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập cần được kiểm soát, không để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động.

Nguyễn Hương
.
.
.