Đồng bằng sông Cửu Long:

Lập dự án “ăn theo” cánh đồng mẫu lớn để trục lợi tiền tỷ

Thứ Ba, 22/10/2013, 09:28
Cho tới khi bị cơ quan CSĐT (PC46) Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố, bắt tạm giam, hành vi của ông Lê Văn Tuyền – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) mới dần được làm rõ. Không dừng lại ở những công trình nạo vét kênh mương, xây dựng trạm bơm, bờ kè chống sạt lở, ông trưởng phòng này còn tranh thủ chức danh Giám đốc Trung tâm tư vấn kỹ thuật – dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hiệp để trục lợi số tiền lớn…

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, Trung tâm tư vấn kỹ thuật – dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hiệp (gọi tắt là Trung tâm) được UBND huyện Tân Hiệp lập vào cuối tháng 2/2009, có chức năng cung cấp dịch vụ công thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đây là đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Ngoài Giám đốc Lê Văn Tuyền, còn có hai Phó Giám đốc là Phạm Văn Viên và Lương Kim Hoàng.

Từ những “phi vụ” mua bán phân, thuốc tiền tỷ

Ngày 19/8/2010, ông Tuyền lấy pháp nhân của Trung tâm đề nghị vay tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Kiên Giang (VietcomBank Kiên Giang) số tiền 7,5 tỷ đồng. Hợp đồng này được Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Kiên Giang (KGDIF) bảo lãnh theo chứng thư số 06/CT-BLTD ngày 20/8/2010 với số tiền 7,5 tỷ đồng. Hợp đồng được giải ngân trong 2 lần, vào các ngày 23/8/2010 và 15/11/2010.

Đến ngày 24/6/2011, ông Tuyền tiếp tục dùng pháp nhân của Trung tâm xin vay 1,2 tỷ đồng tại VietcomBank Kiên Giang. Hợp đồng này được thế chấp bằng tài sản là nhà, đất của ông Tuyền và được giải ngân cùng ngày.

Mỏi mòn chờ dự án của Trung tâm nhưng không thấy, nhiều nông dân phải tự tìm nguồn phân, thuốc cho mình.

Kết quả điều tra cho thấy, Tuyền đã dùng 1,687 tỷ đồng để mua thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) từ Công ty CP thuốc sát trùng Việt Nam, về bán lẻ lại cho nông dân tại cửa hàng Trung tâm và bán sỉ cho các đại lý. Khoản tiền còn lại, ông Tuyền không cho nhập quỹ mà tự thu chi, không công khai tài chính, lời lỗ với tập thể.

Ngày 23/7/2012, ông Tuyền ký Hợp đồng kinh tế số 02/HĐKT với ông Đặng Tuấn Anh – Giám đốc Công ty TNHH Việt Đức (bên bán hàng) để mua phân bón, thuốc BVTV, giá trị hợp đồng gần 4,232 tỷ đồng; người nhận hàng là Phó Giám đốc Trung tâm Phạm Văn Viên. Tiếp đó, ngày 10/8/2012, ông Tuyền ký hợp đồng bán phân bón, thuốc BVTV cho bà Phan Thị Hồng Phượng – chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Phong Phượng (chồng bà Phượng là em vợ của ông Tuyền) giá trị hợp đồng 5,104 tỷ đồng. Ông Tuyền trình bày rằng bà Phượng còn nợ Trung tâm khoản tiền 5,104 tỷ đồng. Thế nhưng bà Phượng cung cấp cho Cơ quan điều tra giấy nhận nợ đề ngày 20-8-2012 của ông Tuyền đã nhận đủ số tiền này. 

Trong khi đó, ông Phạm Văn Viên – Phó Giám đốc Trung tâm lại cho biết trong thời gian từ tháng 7/2012, ông Tuyền có chỉ đạo ông ký khống hợp đồng mua bán vật tư nông nghiệp với Công ty TNHH Việt Đức và Chủ cửa hàng vật tư Phong Phượng; thực tế việc mua bán không có… (!)

Đến chuyện lập dự án “ăn theo” cánh đồng mẫu lớn để trục lợi

Ngày 7/6/2012, với tư cách là Giám đốc Trung tâm kể trên, ông Tuyền đã lập Dự án đầu tư số 04/DA-TrT về mua phân bón, thuốc nông dược phục vụ phát triển cánh đồng mẫu lớn, thực hiện vùng nguyên liệu chất lượng cao gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Dự án xin vay của KGDIF 12-15 tỷ đồng.

Đến ngày 25/7/2012, Trung tâm đã lập Tờ trình xin ứng kinh phí vay gửi KGDIF. Giám đốc KGDIF Trần Minh Sơn ngay sau khi nhận được tờ trình đã có ý kiến đề xuất chấp nhận cho giải ngân 4 tỷ đồng với lãi suất 13,5%/năm, đối với Trung tâm. Ngày 30/7/2012, ông Trần Thanh Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, kiêm Chủ tịch KGDIF đã ký văn bản chấp nhận đề xuất. Ngày 31/7/2012, Giám đốc KGDIF ký Hợp đồng ứng vốn số 01/2012/HĐƯVV-ĐTPT với Giám đốc Trung tâm.

Ngày 1/8/2012, Giám đốc Trung tâm Lê Văn Tuyền ký giấy xác nhận nợ theo hợp đồng ứng vốn. Ngay sau đó, KGDIF đã tiến hành giải ngân.

Theo cơ quan điều tra, việc vay vốn, mua bán phân thuốc như đã kể trên là do một mình ông Tuyền quan hệ, thực hiện. Các thủ tục, kế hoạch vay vốn do ông Tuyền chỉ đạo Phạm Văn Viên và Lương Kim Hoàng lập theo bản viết tay của Tuyền, không có thông qua tập thể Trung tâm.

Càng khó ngờ hơn khi Dự án đầu tư mua phân bón, thuốc nông dược phục vụ phát triển cánh đồng mẫu lớn… ông Tuyền không hề thông qua UBND huyện và cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Đã vậy, khi KGDIF cho giải ngân 4 tỷ đồng để thực hiện dự án này, ông Tuyền lại chiếm giữ cá nhân mà không nhập quỹ hay sổ sách của Trung tâm. Cụ thể, ông Tuyền đã rút ngay tiền mặt 472,431 triệu đồng để trả nợ tiền mua phân, thuốc bên ngoài; còn lại gần 3,528 tỷ đồng chuyển khoản cho VietcomBank trả nợ.

Cho đến khi ông Tuyền bị bắt giữ, dự án “ăn theo” cánh đồng mẫu lớn vẫn chỉ nằm trên giấy

Binh Huyền
.
.
.