Làm sáng tỏ nhiều vụ án có khiếu nại kéo dài, không để kẻ xấu lợi dụng

Thứ Hai, 20/04/2015, 09:30
Thời gian gần đây, dư luận quan tâm đến vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị kết tội oan sau 10 năm tù về tội giết người và đã được minh oan. Ngày 17/4, tại hội trường UBND xã Nghĩa Trung, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tổ chức buổi công khai xin lỗi, cải chính đối với người bị kết án oan là ông Nguyễn Thanh Chấn theo luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và đang tiếp tục thương lượng giải quyết bồi thường cho ông Chấn.

Trước đó, các cơ quan tố tụng Trung ương đã xem xét lại một số vụ án và có kết luận, trả lời cho gia đình và đương sự trong một số vụ án  khiếu kiện kéo dài. Qua đó, không để kẻ xấu lợi dụng khiếu nại, gây chia rẽ, mất đoàn kết và làm giảm uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật và Nhà nước Việt Nam.

Để phục vụ hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được biết ngày 30/1/2015, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao  đã báo cáo theo yêu cầu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội trong quá trình giải quyết 16 vụ án có khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài, được dư luận quan tâm. Trong đó có một số vụ án đáng chú ý:

Vụ án Lê Bá Mai, 33 tuổi, trú tại xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, bị kết án tù chung thân về các tội "Giết người" và "Hiếp dâm trẻ em" theo Bản án số 921/2013/HSPT ngày 30/8/2013 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân (TAND) tối cao tại TP Hồ Chí Minh. Trong vụ án này, ông Lê Bá Triệu (bố đẻ của Lê Bá Mai) đã có nhiều đơn kêu oan gửi lên các cơ quan bảo vệ pháp luật, Quốc hội và các ban của Quốc hội đề nghị xem xét lại vụ án cho con.

Quá trình xem xét lại vụ án cho thấy, sau khi Công an tỉnh Bình Phước khởi tố bị can đối với Lê Bá Mai về tội "Hiếp dâm trẻ em" và tội "Giết người" từ năm 2004. Đến năm 2005, Mai bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt cho 2 tội danh là tử hình.

Theo trình tự tố tụng, Mai làm đơn kháng cáo xin giảm hình phạt. Sau khi án phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, Mai và gia đình mới đổi hướng làm đơn kêu oan. Căn cứ vào hồ sơ tố tụng và đơn kêu oan của bị cáo và gia đình, ngày 12/12/2006, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm.

Ngày 5/2/2007, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại. Quá trình điều tra lại, vẫn khẳng định Lê Bá Mai phạm tội "Giết người" và tội "Hiếp dâm trẻ em".

Với chính sách nhân đạo, khoan hồng, ngày 30/8/2013, Tòa phúc thẩm (lần 3) TAND tối cao đã giảm mức án từ "tử hình" xuống tù "chung thân" cho 2 tội danh mà Mai đã phạm phải.

Sau đó, cơ quan tố tụng liên ngành đã họp và kết luận: Mặc dù lời khai của bị cáo và nhân chứng có một số điểm mâu thuẫn, chưa thống nhất, nhưng những vi phạm đó không làm thay đổi bản chất sự việc cũng như giá trị của những chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo mà cơ quan điều tra thu thập được.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Chánh Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tặng hoa cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Ảnh: CTV.

Trong vụ án Vũ Ngọc Dương, 28 tuổi, trú tại phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội bị kết án 30 tháng tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Bản án số 565/2013/HSPT ngày 10/9/2013 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội. Ngay từ đầu, khi anh Vũ Ngọc Dương bị án sơ thẩm tuyên phạt 30 tháng tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", anh Dương đã kháng cáo kêu oan.

Quá trình xem xét, thấy việc kêu oan của anh Dương có cơ sở, Cục Điều tra VKSND tối cao đã vào cuộc.

Ngày 12/11/2014, Viện trưởng VKSND tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm và đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy án bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại đối với Vũ Ngọc Dương.

Qua đó, bước đầu nhận thấy Tòa sơ thẩm và phúc thẩm kết án anh Dương về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" là chưa đủ căn cứ, cần điều tra thêm để xác định sự thật vụ án.

Trong hoạt động tố tụng hình sự, việc làm oan người vô tội hay bỏ lọt tội phạm đều không thể chấp nhận và cần phải xử lý nghiêm những người gây oan sai cho đương sự.

Vụ án nào cũng chỉ có một sự thật duy nhất, đòi hỏi những người thực thi pháp luật phải có bản lĩnh vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, kiên định đứng về lẽ phải mới đủ khả năng làm sáng tỏ vụ án chính xác, khách quan, qua đó đảm bảo giữ nghiêm kỷ cương pháp luật.

Đào Minh Khoa
.
.
.