Kiềm chế tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội

Kỳ cuối: Một số biện pháp kiềm chê tội phạm

Thứ Bảy, 19/11/2016, 11:27
“Để hóa giải các mâu thuẫn, những người liên quan phải hết sức kiềm chế cư xử nhã nhặn, giải quyết mâu thuẫn có tình có lý, thấm nhuần lời dạy của ông bà xưa “Một câu nhịn, chín câu lành”...

Từ kinh nghiệm thực tế đấu tranh, Thượng tá Đặng Hữu Phương, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: Trên cơ sở kết quả công tác thống kê đánh giá thực trạng về tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, bộ phận chuyên trách thuộc lực lượng Công an phải có kế hoạch cụ thể kết hợp với các ngành có liên quan tiến hành tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa mới, khối phố, làng, phường xã an toàn về ANTT. Tập trung tuyên truyền cho người dân cách thức hóa giải các mâu thuẫn phát sinh trong đời sống, sinh hoạt.

“Để hóa giải các mâu thuẫn, những người liên quan phải hết sức kiềm chế cư xử nhã nhặn, giải quyết mâu thuẫn có tình có lý, thấm nhuần lời dạy của ông bà xưa “Một câu nhịn, chín câu lành”.

Người trong cuộc có trách nhiệm can ngăn, động viên, kéo các bên đi nơi khác để giảm cường độ gay gắt của các bên xung đột, ngăn ngừa hậu quả xấu; kịp thời báo chính quyền địa phương khi không thể giải quyết được mâu thuẫn trong êm đẹp.

Thực tế hiện nay có những vụ việc dẫn đến xô xát, thậm chí xảy ra án mạng xuất phát từ những nguyên nhân rất đơn giản. Phần lớn những người trong cuộc không biết kiềm chế hoặc thiếu khả năng thương lượng nên dẫn đến những hậu quả đau lòng”, Thượng tá Đặng Hữu Phương lưu ý.

Một số đối tượng giết người do nguyên nhân xã hội.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai: Thời gian qua, Công an tỉnh Đồng Nai luôn kéo giảm tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội. Trung bình mỗi năm Đồng Nai xảy ra 65 vụ giết người, trong đó 59 vụ giết người do nguyên nhân xã hội. Năm 2015 giảm còn 49 vụ và tính tới thời điểm này của năm 2016 xảy ra 39 vụ.

Để có được con số trên, Công an tỉnh Đồng Nai đã thực hiện hiệu quả đồng loạt công tác trong đó có tổ chức tốt, thường xuyên công tác tuần tra, kiểm soát phối hợp nhiều lực lượng nghiệp vụ mà chủ công là Cảnh sát hình sự.

Tổ công tác này thường xuyên tuần tra vào giờ cao điểm, ban đêm trên các tuyến đường, điểm nóng về ANTT. Qua đó, góp phần làm đối tượng quậy phá, có biểu hiện vi phạm pháp luật không dám hoạt động; tình trạng tụ tập đánh nhau, gây rối cũng được ngăn ngừa đáng kể; chú trọng và siết chặt công tác quản lý hành chính về TTXH, trong đó có công tác quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT.

Vừa qua, khi thống kê có đến hơn 40% các vụ giết người có liên quan đến sử dụng rượu, bia, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo ngay các đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt hành chính theo Nghị định 167/CP liên quan đến các hành vi uống rượu, gây rối trật tự công cộng. Nhờ đó, cũng góp phần làm hạn chế nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn trong người dân có thể dẫn đến án mạng.

Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã tham khảo cách làm của một số địa phương như TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh để phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ đưa các đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc.

Từ đầu năm 2016 đến nay, đã lập hồ sơ và chuyển Tòa án ra quyết định đưa được hơn 1.320 đối tượng đi cai nghiện ma túy và sẽ quyết liệt hơn trong việc lập hồ sơ đưa đối tượng đủ điều kiện vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa đi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Có thể nói rằng, làm tốt công tác này cũng góp phần ngăn chặn được nguồn “đầu vào” của tội phạm, trong đó có tội phạm giết người.

Qua nhiều năm nghiên cứu Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng khoa Cảnh sát hình sự Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cho rằng, cần tập trung tham mưu về các hoạt động có liên quan đến giáo dục nhân cách con người nhằm đạt đến nhân cách chuẩn mực; tham khảo mô hình, cụm dân cư trong các thành phần xã hội có tính tích cực đối với việc giáo dục các thành viên trong gia đình họ tránh vi phạm pháp luật; tham mưu cho các cấp chính quyền trong việc tạo ra một sân chơi lành mạnh nhưng phải chú ý đến việc phát triển nhân cách con người chuẩn mực…

Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm Viện khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân cũng kiến nghị, Công an cơ sở phải nắm chắc địa bàn, phát hiện sớm để xử lý, hòa giải những xung đột, mâu thuẫn.

Cơ quan chức năng phải có hình thức xử lý đối với những tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm hay tiêu cực trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện hoặc tố giác tội phạm, để xảy ra những vụ mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài dẫn đến việc đối tượng sát hại người khác.

Tổ chức tuyên truyền phương thức thủ đoạn tội phạm, phương pháp phòng ngừa phát sinh mâu thuẫn, cung cấp số điện thoại đường dây nóng; công khai, hướng dẫn nơi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm để người dân biết và cùng tham gia vào công tác phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm và các mâu thuẫn phát sinh tại công đồng dân cư.

Đức Mừng
.
.
.