Kiện chủ tịch phường vì không quyết định can thiệp, cách ly bảo vệ trẻ bị bạo hành

Thứ Bảy, 09/11/2019, 10:07
Liên quan đến vụ việc bé trai Vũ Q.K (SN 2009), học sinh lớp 5 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận 3, TP HCM nghi bị cha đẻ và mẹ kế bạo hành, mới đây mẹ ruột bé K cho biết đã gửi đơn đến tòa án kiện ông Nguyễn Hữu Kỳ, Chủ tịch UBND phường 15, quận 11 vì cán bộ này đã không ban hành quyết định can thiệp, cách ly bảo vệ trẻ em bị bạo hành theo đúng quy định pháp luật.


Trao đổi với PV Báo CAND, chị Nguyễn Thị H.Y (SN 1983, ở Hà Nội, mẹ cháu Vũ Q.K) cho biết, trong đơn khởi kiện Chủ tịch UBND phường 15, chị với tư cách nguyên đơn, yêu cầu: Tuyên bố hành vi không ban hành quyết định can thiệp cách ly trẻ Vũ Q.K khỏi nơi bạo hành theo như Luật Trẻ em là trái pháp luật; buộc Chủ tịch UBND phường 15 ban hành quyết định can thiệp cách ly cháu K ra khỏi nơi bị bạo hành và phải thực hiện quyết định bàn giao bé K cho người nuôi dưỡng hợp pháp là chị Y; yêu cầu Chủ tịch UBND phường phải tổ chức họp xin lỗi công khai chị để bù đắp những tổn thất tinh thần cho chị và cả cháu K; đồng thời phải bồi thường tổn thất về vật chất (bao gồm tiền lương do phải nghỉ việc, tiền vé máy bay, tiền ăn ở trong vòng 1 tháng để chờ Chủ tịch phường quyết định) là 47 triệu đồng.

Chị Y phản ánh việc con mình bị bạo hành với PV Báo CAND.

Ngày 1-11, TAND quận 11 đã ra thông báo về việc thụ lý vụ án hành chính về việc kiện “Khiếu kiện hành vi hành chính” theo đơn khởi kiện của chị Y. Chị Y cho biết, khi phát hiện con bị đánh có nhiều vết thương trên người, chị đã nhiều lần đến cơ quan chức năng đề nghị giúp đỡ cách ly cháu K ra khỏi nơi bị bạo hành nhưng không được thực hiện, vụ việc kéo dài mà vẫn không được chính quyền địa phương giải quyết.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM cho biết, ngày 18-9, cô giáo của cháu K phát hiện cơ thể học sinh mình có nhiều vết thương bầm tím. Khi được hỏi thì cháu K và một số học sinh khác nói K bị mẹ kế đánh, lập tức cô giáo gọi điện báo với Tổng đài Bảo vệ quyền trẻ em 111. Sau đó, nhân viên Tổng đài 111 đã gửi tin nhắn thông tin này đến cho Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM. 

“Sau khi nhận được thông tin, tôi đã phản ánh sự việc với chính quyền địa phương. Khi chị Y từ Hà Nội vào đã đến gặp tôi và tôi trực tiếp chạy xe máy chở chị Y đến cơ quan chức năng trình báo sự việc, đề nghị giải quyết tách cháu K ra khỏi nơi nguy hiểm, nhưng sự việc kéo dài không được giải quyết”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết.

Cũng theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, việc không cách ly trẻ ra khỏi người và nơi bị bạo hành là trái luật, rất nguy hiểm cho trẻ, khi bé bị đánh là phải cách ly ngay, không thể đợi kết quả giám định thương tật mới cách ly. Cơ quan chức năng có thể tạm cách ly trẻ ra khỏi nơi bạo hành, giao cho mẹ của cháu bé theo như bản án của TAND quận Đống Đa (Hà Nội) hoặc giao cho một tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em. Với hành vi bạo hành trẻ em như vậy, cần phải khởi tố vụ án để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm.

Chị Y nghẹn ngào nói, khi biết tin con trai chị bị hành hạ dã man, chị tức tốc vào TP HCM xem sự tình thế nào. Vào đến nơi nhưng vẫn không được gặp con của mình, bởi chồng cũ của chị là Vũ N.Q và vợ sau của anh ta là Đỗ N.P không cho chị gặp con. Chị phải nhờ Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Hội Phụ nữ thành phố can thiệp nhưng mãi mấy ngày sau, đến khi cơ quan chức năng địa phương vào cuộc mời anh Q đưa cháu K đến làm việc, chị mới được gặp con. Chị Y nước mắt đầm đìa và đau xót khi nhìn thấy trên người con trai rất nhiều vết bầm tím.

Theo chị Y, đầu năm 2009, chị và anh Vũ N.Q kết hôn. Trước và sau khi kết hôn, anh Q vẫn sinh sống và làm việc tại TP HCM, còn chị ở Hà Nội, thời gian vợ chồng dành cho nhau rất ít. Sau đám cưới, anh Q muốn đưa chị vào TP HCM sinh sống nhưng khi đó, chị muốn sinh con tại Hà Nội. Sau một thời gian kết hôn, anh Q nhận thấy vợ chồng không còn tình cảm yêu thương, nên cuối năm 2010 đã làm đơn xin ly hôn với chị. Chị cảm thấy chồng không quan tâm, không liên lạc hỏi thăm vợ con… nên đã đồng ý ly hôn. Nhưng đến đầu năm 2011, chị Y có đơn không muốn ly hôn vì con còn quá nhỏ, nhưng anh Q nhất quyết muốn ly hôn.

Theo Bản án số 09/2011/HNGD-ST ngày 11-3-2011 của TAND quận Đống Đa (Hà Nội), chị Y được quyền nuôi con, anh Q phải chu cấp mỗi tháng 1,2 triệu đồng. Dịp nghỉ hè năm 2017, anh Q nói với chị Y cho con trai vào TP HCM chơi. Nhưng khi gần đến đầu năm học mới, chị Y liên hệ để đưa con về Hà Nội chuẩn bị đi học thì anh Q nói để con học ở TP HCM. 

Chị Y không đồng ý với yêu cầu này, nhưng lúc đó con chị lại muốn ở với bố. “Lúc cháu ở trong này, thỉnh thoảng tôi có vào thăm thì thấy cháu rất vui vẻ, bố cháu thể hiện chăm sóc cháu tốt nên lúc đó tôi yên tâm và đồng ý cho cháu ở lại, ai ngờ lại xảy ra sự tình như thế này”, chị Y than thở.

Đến đầu năm 2018, chị Y vào thăm con, thấy trên người con có nhiều vết thâm tím, chị hỏi thì anh Q nói do con lười học nên đánh để dạy con. Cũng từ đó, việc chị Y gặp con là rất khó khăn, mỗi lần chị liên hệ để vào thăm con là anh Q đưa ra đủ mọi lý do không cho chị gặp.

Sau khi chị Y gửi đơn, Công an phường 15, quận 11 đã mời anh Q đến làm việc. Anh Q thừa nhận đã đánh con, nhưng sau đó cháu K lại vẫn được đưa về nơi bị bạo hành. Chị Y rất bức xúc vì không được nhận con và lo lắng con chị có thể tiếp tục bị bạo hành.

Nhân Sơn
.
.
.