Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy:

Kiểm soát chặt các công ty của người nước ngoài có dấu hiệu ngụy trang để phạm tội ở Việt Nam

Thứ Tư, 03/04/2019, 09:52
Liên tiếp chỉ trong một tuần, tại TP HCM, các lực lượng của Bộ Công an và Công an TP HCM đã bắt quả tang 2 vụ ma túy cực lớn. 

Chuyên án thứ nhất do Cục CSĐT tội phạm về ma túy chủ trì, triệt phá giai đoạn 3 của chuyên án, bắt 5 đối tượng, thu giữ gần 300kg ma túy tổng hợp dạng “đá” và chia sẻ thông tin để Philippines bắt giữ được 276kg ma túy tổng hợp dạng “đá”

Tiếp đó, ngày 27-3, Công an TP HCM tiếp tục triệt phá một đường dây mua bán, vận chuyển ma túy “khủng” khác, thu giữ 895 bánh heroin. Các đối tượng cầm đầu trong hai chuyên án này đều do người nước ngoài (người Đài Loan- Trung Quốc) chủ mưu cầm đầu, điều đó báo động về thực trạng các ông trùm tội phạm đã và đang tìm cách vận chuyển khối lượng lớn ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào thẩm lậu vào Việt Nam để đi nước thứ ba tiêu thụ.

Các lực lượng chức năng của Việt Nam, trong đó chủ công là lực lượng Công an đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng này như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đồng chí Cục trưởng, chuyên án bắt giữ gần 300kg ma túy “đá” ngụy trang trong kho của một công ty có chức năng mua bán hàng may mặc, và xuất nhập khẩu đồ chơi trẻ em của người Trung Quốc đã gây chấn động bởi số lượng ma túy “khủng” bị thu giữ. Đây là giai đoạn 3 của chuyên án, có thể coi là kết thúc chưa, thưa đồng chí Cục trưởng?

Cục trưởng Phạm Văn Các: Giai đoạn đầu của chuyên án xuất phát từ việc Công an tỉnh Quảng Bình bắt giữ đường dây vận chuyển trái phép 308,6kg ma túy đá ngày 12-10-2018. Từ vụ án này, thực hiện sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Tô Lâm và Thứ trưởng Lê Quý Vương, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã tiến hành nghiên cứu về tổ chức tội phạm này để phối hợp với cá đơn vị chức năng, chỉ đạo các địa phương mở rộng điều tra, phá án.

Ngày 30-1-2019, Cục CSĐT tội phạm về ma túy quyết định xác lập chuyên án để tập trung điều tra, triệt phá toàn bộ đường dây này. Giai đoạn 2 của chuyên án được phá vào ngày 17-2, Cục CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh bắt quả tang đối tượng Vang Chueyang Briachear (quốc tịch Lào), thu giữ hơn 278kg ma túy đá…

Dù biết đã bị cơ quan chức năng phát hiện và đang điều tra, nhưng các đối tượng cầm đầu vẫn tiếp tục hoạt động vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam, sau đó vận chuyển đi các nước thứ ba qua đường biển.

Trong đó, đối tượng cầm đầu đường dây, phải triệt phá trong giai đoạn 3 là Wu Heshan (56 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) thường xuyên di chuyển qua nhiều nước như Australia, Trung Quốc và Myanmar để điều hành việc vận chuyển ma túy từ Myanmar về Lào, sau đó chỉ đạo các đối tượng sử dụng xe tải vận chuyển ma túy từ Lào qua cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum) về TP Hồ Chí Minh cất giấu tại 4 địa điểm là các kho chứa hàng ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh.

Khám xét tại các địa điểm này, lực lượng chức năng đã thu được gần 300kg ma túy đá. Tiếp tục điều tra mở rộng, chiều 23-3, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã phối hợp với Cảnh sát Philippines phát hiện, thu giữ thêm 276kg ma túy tại nước này. Lô hàng ma túy bị bắt giữ nằm trong container được ngụy trang bằng các bao chứa hạt nhựa trên một tàu biển xuất phát từ TP Hồ Chí Minh đi Philippines từ ngày 13-3.

Như vậy, tổng trọng lượng ma túy đá thu được qua các giai đoạn của chuyên án đã lên đến hơn 1,1 tấn. Chúng ta có thể khẳng định, đã triệt phá được hoàn toàn đường dây mua bán, vận chuyển ma túy quốc tế nói trên.

Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy trả lời phỏng vấn PV Báo CAND.

Phóng viên: Ngay sau đó chỉ 1 tuần (27-3), Công an TP Hồ Chí Minh lại bắt quả tang một nhóm đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) vận chuyển 895 bánh heroin ở khu vực cầu vượt An Sương. Hai đường dây ma túy này có móc xích với nhau không, thưa đồng chí Cục trưởng?

Cục trưởng Phạm Văn Các: Hoàn toàn là hai đường dây khác nhau. Tuy nhiên, chúng lại vô cùng giống nhau về phương thức, thủ đoạn phạm tội. Cầm đầu cũng là những nhóm người nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc). Các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam, ngụy trang hoạt động bằng các công ty kinh doanh có chức năng sản xuất, xuất nhập khẩu.

Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hasan trong vụ ma túy “đá” chúng tôi triệt phá thì có chức năng nghề buôn bán hàng may mặc, xuất khẩu đồ chơi trẻ em, còn công ty trong vụ sau thì có chức năng sản xuất băng keo dính điện. Tuy nhiên, thực chất, các đối tượng không hoạt động đúng chức năng, mà thường thuê kho để đóng gói ma túy lẫn với mặt hàng hạt nhựa, trong đó ma túy xếp ở giữa, còn hạt nhựa xếp xung quanh. Sau đó, các thùng hạt nhựa chứa ma túy này được đóng vào container, thuê các công ty chuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh đi các nước khác.

Khi vận chuyển hay đóng gói hàng, đều chỉ có nhóm người nước ngoài thực hiện, một số đối tượng người Việt Nam được thuê cũng chỉ làm giám đốc bù nhìn hay bảo vệ ở bên ngoài. Các đối tượng cũng thường chọn địa điểm thuê kho, xưởng chứa ma túy ở các khu vực giáp danh, hoặc ở các quận mới chuyển từ huyện lên như Bình Tân, địa hình còn vắng vẻ, công tác quản lý lỏng lẻo…

Phóng viên: Như vậy, sẽ không loại trừ còn những đường dây khác hoạt động phạm tội ngụy trang tương tự, thưa đồng chí Cục trưởng?

Cục trưởng Phạm Văn Các: Từ chuyên án này cảnh báo sẽ còn những đường dây mua bán ma túy khác do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu đã và đang vào Việt Nam thành lập công ty kinh doanh để ngụy trang vận chuyển mua bán trái phép chất ma túy. Bởi chúng đang triệt để lợi dụng chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam và sự quản lý còn lỏng lẻo của các cơ quan chức năng tại các khu vực giáp danh cũng như một số kẽ hở của chúng ta trong công tác kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu…

Phóng viên: Nhiều người dân cảm thấy “sốc” khi liên tục các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy bị khám phá gần đây có số lượng ma túy bị bắt giữ quá lớn. Điều đó có gì bất thường không, thưa đồng chí Cục trưởng? Vì sao như vậy?

Cục trưởng Phạm Văn Các: Tâm lý của tội phạm mua bán ma túy hiện nay là càng mua bán, vận chuyển được càng nhiều ma túy trong một lần càng tốt. Vì mỗi lần chúng thực hiện việc này, cũng tốn rất nhiều công sức, tính toán. Hơn nữa, chúng xác định đã bị bắt là án tử hình nên đằng nào cũng chết, chúng vận chuyển luôn số lượng rất lớn.

Các đối tượng phạm tội hiện nay sử dụng phương tiện khoa học, kỹ thuật và vũ khí rất hiện đại, rất liều lĩnh, manh động. Quá trình chúng tôi tiến hành điều tra, phục kích, bắt giữ giai đoạn 2 của chuyên án tại khu vực Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh), chiều 15-2, Công an Hà Tĩnh phối hợp với Cục bắt giữ vụ vận chuyển hơn 10kg ma túy trên quốc lộ 8, đoạn đi từ khu vực cửa khẩu Cầu Treo theo hướng huyện Hương Sơn, các đối tượng ôm hàng nóng cố thủ trên xe, gây chấn động dư luận cả nước.

Vậy nhưng, chỉ 2 ngày sau (17-2), các đối tượng nằm trong chuyên án của giai đoạn 2 vẫn vận chuyển hơn 278kg ma túy đá qua đường mòn ở khu vực Cầu Treo thuộc huyện Hương Sơn. Chúng quá liều, hình như không biết sợ.

Phóng viên: Đường đi và phương thức, thủ đoạn của các đường dây mua bán ma túy “khủng” này thường như thế nào?

Cục trưởng Phạm Văn Các: Cầm đầu các đường dây này là các đối tượng người Trung Quốc nhưng nằm tại Thái Lan, Myanmar, Australia và Lào. Chúng điều khiển các nhóm người nước ngoài khác vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, rồi đưa vào Việt Nam và đi các nước như Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản (đây là các nước mà chúng tôi đã có tài liệu chứng minh)…

Phóng viên: Như chúng ta đã biết, lực lượng Công an đã rất nỗ lực, khó khăn trong việc triệt phá các đường dây ma túy “khủng” nói trên. Chẳng hạn, chuyên án ma túy “đá” của Cục phải chia đến 3 giai đoạn, trong giai đoạn 3, bản thân ông và các CBCS của mình phải 7 ngày, 7 đêm có mặt tại các tỉnh phía Nam để theo sát các di biến động của nhóm đối tượng. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để thực trạng đáng lo ngại về các đường dây ma túy lớn liên quan đến người nước ngoài ở Việt Nam như trên, chúng ta cần phải có những giải pháp quyết liệt gì?

Cục trưởng Phạm Văn Các: Thông qua điều tra các chuyên án này, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an trước mắt ngay ngày 3-4 tổ chức hội nghị cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Việt-Lào do lãnh đạo Bộ chủ trì tại Nghệ An.

Tại hội nghị này, sẽ có các lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy của Việt Nam và Lào, Công an các địa phương giáp biên giới cả của Việt Nam và Lào, cũng như các lực lượng liên quan trong công tác phòng chống ma túy như: Bộ đội Biên phòng, Hải quan… Sau đó, tương tự, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị tấn công trấn áp tội phạm ma túy tuyến biên giới Tây Nam với nước bạn Campuchia.

Cục CSĐT tội phạm về ma túy đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ có Điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng rà soát lại toàn bộ các công ty do người nước ngoài thuê có dấu hiệu nghi vấn ngụy trang để hoạt động phạm tội. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quan siết chặt tại các cửa khẩu, cảng biển… để kiểm soát hàng hóa xuất, nhập có dấu hiệu ngụy trang ma túy.

Đối với Công an các địa phương, đặc biệt ở các địa bàn giáp ranh, hay các quận, huyện mới thành lập, có đông các đối tượng người nước ngoài đến thuê ở, thành lập công ty, cần tăng cường công tác quản lý, tăng cường các hoạt động nghiệp vụ để phát hiện kịp thời những dấu hiệu nghi vấn phạm tội.

Đặc biệt, phải nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, nhất là với các nước láng giềng Lào, Trung Quốc, Campuchia nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ xa ma túy vận chuyển trái phép vào nước ta.

Chúng tôi cũng kêu gọi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức tố giác tội phạm, để mỗi người dân thực sự là “tai mắt” cho lực lượng Công an trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Cục trưởng!

T.Hòa - M.Hiền (thực hiện)
.
.
.