Đưa hơn 650 lượng vàng giả vào cầm tại một ngân hàng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước ở Cà Mau:

Không thể bỏ qua trách nhiệm của giám đốc một phòng giao dịch

Thứ Ba, 10/06/2014, 09:14
Vụ án vừa được cơ quan CSĐT (PC46) Công an tỉnh Cà Mau kết thúc. Theo xác định, giá trị cầm cố từ số vàng giả trên 650 lượng là 19,614 tỷ đồng. Đây cũng là con số được cơ quan điều tra xác định là gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước - Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Chi nhánh tỉnh Cà Mau. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng trực tiếp gây ra thiệt hại kể trên đã được làm rõ; tới đây sẽ được đưa ra xét xử nghiêm minh. Thế nhưng dư luận đang thắc mắc về trách nhiệm của một số cán bộ Phòng Giao dịch Đầm Cùng – nơi xảy ra vụ án, trong đó có Giám đốc và kế toán – nhân viên Phòng Giao dịch, kiêm cán bộ cho vay mảng cầm vàng…

Phòng Giao dịch Đầm Cùng được Agribank Cà Mau lập tháng 10/2006. Ngày 26/3/2007, Agribank Cà Mau ký hợp đồng lao động với Dương Thanh Tuấn (SN 1976) làm nhân viên. Khoảng cuối năm 2009, do dính vào các trò đỏ đen (đá gà, cá độ bóng đá) nên Tuấn có nợ bên ngoài khoảng 150 triệu đồng, không có khả năng thanh toán. Lợi dụng công việc được giao (kiểm định chất lượng, số lượng vàng và quyết định giá trị cầm cố) nên Tuấn đã mua vàng giả rồi nhờ người khác mang đến Phòng Giao dịch Đầm Cùng cầm (do Tuấn kiểm định) để rút tiền Nhà nước ra trả nợ, chi xài.

Sau khi thực hiện trót lọt được một lần, không ai phát hiện nên Tuấn tiếp tục “ăn quen”. Đầu năm 2011, Tuấn liên hệ với Trương Minh An (ngụ Đầm Cùng) lấy mật khẩu cá cược bóng đá trên mạng Internet đưa cho em ruột mình là Dương Minh Giỏi (bị can của vụ án - PV) để cả hai cùng cá cược bóng đá. Tuấn chịu trách nhiệm với An về mọi giao dịch, cũng như thanh toán tiền ăn thua. Khoảng 1 tháng sau, Giỏi bị thua khoảng 300 triệu đồng nên đã làm theo hướng dẫn của Tuấn, là đến chợ Cái Nước và chợ phường 7, TP Cà Mau mua vàng giả, sau đó mang đến Phòng Giao dịch Đầm Cùng, cầm và lấy tiền trả cho An.

Tiếp đó, tháng 3/2011, Phan Văn Hải, cán bộ Phòng Tư pháp huyện Cái Nước (là bị can của vụ án - PV) nhờ Tuấn “cáp độ” để được chơi cá cược bóng đá với Trương Minh An. Được một tháng sau đó, Hải cho biết đã thua độ An khoảng 300 triệu đồng, không có khả năng thanh toán. Lúc này, An dọa Tuấn rằng nếu không sớm tác động để Hải lo trả nợ cho An thì An sẽ cho người thanh toán Tuấn. Không còn cách nào khác, Tuấn lại hướng dẫn cho Hải làm theo cách mà anh ta đã chỉ cho Giỏi. Và An đã làm theo…

Theo quy định của Phòng Giao dịch Đầm Cùng, vàng đưa vào cầm thời hạn là 2-3 tháng. Nếu đến hạn không đóng lãi quá 5 ngày thì số vàng sẽ được khai niêm phong bán đấu giá. Biết các trường hợp cầm vàng giả nếu để quá hạn sẽ bị lộ ngay khi đem ra đấu giá nên Tuấn đã làm các thủ tục đáo hạn, đóng lãi đúng thời hạn. Hằng năm, Agribank đều có kiểm tra, nhưng chỉ kiểm tra hợp đồng với gói vàng được niêm phong chứ không được khai niêm phong. Chính vì vậy hành vi của Tuấn, Giỏi và Hải chậm được phát hiện.

Đối tượng cầm đầu Dương Thanh Tuấn và tang vật của vụ án.

Cơ quan điều tra chứng minh được từ năm 2009 đến ngày 17/12/2013, các bị can Tuấn, Giỏi và Hải đã đưa vàng giả vào Phòng Giao dịch Đầm Cùng để cầm tất cả 72 trường hợp (có 21 trường hợp là học sinh cấp III huyện Cái Nước) với số lượng vàng là 6.519,295 chỉ vàng với tổng số tiền rút ra là 19.614.500.000 đồng. Trong số này, Tuấn thực hiện 21 trường hợp, rút số tiền gần 4,506 tỷ đồng; Giỏi thực hiện 37 trường hợp, rút 11,171 tỷ đồng và Hải đã thực hiện 14 trường hợp, rút 3,937 tỷ đồng. Tuấn được xác định giữ vai trò chủ mưu.

Về trách nhiệm của một số cán bộ tại Phòng Giao dịch Đầm Cùng, cơ quan điều tra cho biết quá trình điều tra nhận thấy có 3 cán bộ có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong công tác được giao, tạo điều kiện cho Dương Thanh Tuấn và đồng bọn thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước với số tiền lớn. Trong số này, có Giám đốc Trần Xuân Phong.

Ông Phong nhận nhiệm vụ Giám đốc từ 15/5/2012. Cho tới ngày vụ án được khởi tố (17/12/2013), ông Phong đã ký 55 hợp đồng (trong tổng số 72 hợp đồng cầm vàng giả do Tuấn cùng đồng bọn thực hiện), với lượng vàng 8.220 chỉ 5 phân (cơ quan CSĐT trưng cầu giám định lại còn 5.136 chỉ 9 phân 3 li), tổng số tiền vay gần 14,640 tỷ đồng.

Dấu hiệu thiếu trách nhiệm của Giám đốc Phong ở chỗ, theo quy định tại Phòng Giao dịch Đầm Cùng, người tiếp xúc khách hàng đến đây cầm vàng và lập hợp đồng cầm vàng là Châu Thị Phương Trúc (kế toán – nhân viên Phòng Giao dịch, kiêm cán bộ cho vay mảng cầm vàng) thực hiện. Thế nhưng thực tế 54 hợp đồng trên đều do Dương Thanh Tuấn thực hiện. Việc này, ông Phong biết nhưng để kéo dài và Tuấn đã lợi dụng.

Dư luận Cà Mau cho rằng với những dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm kể trên, Giám đốc Phòng Giao dịch Đầm Cùng cùng các thuộc cấp của mình không thể là người đứng “ngoài cuộc” trong vụ án này

Bình Huyền
.
.
.