Thực trạng công chứng hợp đồng chuyển nhượng bất động sản:

Khi công chứng viên chỉ "chứng" chứ không chịu… trách nhiệm!

Thứ Bảy, 01/03/2014, 11:59
Tâm lý chung của người dân khi nhận chuyển nhượng bất động sản mà đã ra công chứng là an tâm. Nhưng trên thực tế, việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng bất động sản hiện nay là "may nhờ rủi chịu" và công chứng viên (CCV) cũng như tổ chức công chứng (TCCC) thẳng thừng tuyên bố mình vô can. Vì sao vậy?

Kiểu gì cũng “chứng”

Từ thực tế cho thấy, chiêu thức mà kẻ gian "qua mặt" CCV phổ biến nhất hiện nay là làm giả giấy tờ (chủ yếu bất động sản), CMND rồi thuê người đóng giả chủ sở hữu để mua bán, chuyển nhượng nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Điển hình như trường hợp của Mai Hữu Thành (49 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), kẻ có 3 lần qua mặt CCV để chiếm đoạt số tiền lên đến 5,1 tỷ đồng.

Theo hồ sơ vụ án, Thành và Nguyễn Việt Mỹ (ngụ quận 4, TP.HCM) vốn là chỗ quen thân nhau. Thành nói với Mỹ hiện y đang có một số giấy chủ quyền nhà đất (bản chính) và nhờ Thành tìm người thế chấp để vay tiền lấy vốn làm ăn. Mỹ nhờ Hồ Tuất Tùng (ngụ quận 1) tìm mối và Tùng giới thiệu Mỹ cho Hồ Sỹ Ngọc Long, ngụ quận Gò Vấp. Mỹ giao 3 hồ sơ nhà đất của Thành cho Long. Không bao lâu sau, Long làm trung gian thế chấp 3 sổ đỏ của Thành cho ông Trần Ngọc Long và ông Lê Quang Vĩnh (cùng ngụ quận Gò Vấp) để vay tổng cộng 5,1 tỷ. Đến hạn trả nợ, không thấy Thành nói năng gì, ông Long và ông Vĩnh đi tìm hiểu thì phát hiện 3 hồ sơ nhà đất trên không có thật nên đã làm đơn tố cáo cơ quan Công an. Quá trình điều tra cho biết, Thành đã làm giấy tờ giả, nhờ người đóng giả rồi đến Phòng công chứng số 5 để công chứng bán trót lọt 3 tài sản "ảo" trên.

Một vụ việc khác là trường hợp của Trần Thị Vân (SN 1954; ngụ phường 7, quận 11, TP.HCM), kẻ đang bị cơ quan Công an truy nã về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo đó, căn nhà số 263 Đào Duy Từ, phường 7, quận 11 thuộc quyền sở hữu của ông Huỳnh Lai và bà Trần Thị Vân. Ngày 14/8/2010, tại Văn phòng công chứng Bến Thành, ông Lai đã ký ủy quyền cho bà Vân được toàn quyền định đoạt căn nhà trên. Ngày 9/11/2010, bà Vân ký hợp đồng bán căn nhà này cho bà Võ Thị Thu Hà với giá 1,5 tỷ đồng. Sau khi công chứng sang tên tại phòng công chứng số 7, bà Hà đã giao đủ tiền, đồng thời bà Vân giao toàn bộ bản chính giấy tờ sở hữu nhà cho bà Hà giữ. Hai bên hẹn 3 tháng sau sẽ cùng ra làm thủ tục đăng bộ sang tên chủ sở hữu. Đến hẹn, do không liên lạc được với bà Vân, bà Hà tự đến Chi cục Thuế quận 11 để làm thủ tục thì nơi đây cho biết căn nhà trên đã được ông Lai làm thủ tục tặng cho con mình là Hoàng A Ngân. Bà Hà làm đơn khởi kiện tại TAND quận 11. Khi tòa mời ông Lai đến làm việc thì ông khẳng định không hề cùng bà Vân đến phòng công chứng Bến Thành để ký giấy ủy quyền. TAND quận 11 tiến hành giám định hợp đồng công chứng ủy quyền thì phát hiện người cùng bà Vân đến ký tên ủy quyền là do bà Vân thuê người đóng giả.

Làm giả giấy tờ nhà đất rồi đi công chứng chuyển nhượng là chiêu lừa phổ biến hiện nay.

Trang bị máy móc phát hiện giấy tờ giả: tại sao không?

Không chỉ có các trường hợp như chúng tôi đã đề cập ở trên mà hầu hết các vụ lừa đảo liên quan đến công chứng thì CCV đều vô can. Lý do mà CCV (cũng như của TCCC) đưa ra là họ đã chứng kiến việc hai bên ký tên và lăn tay đúng với dấu vân tay trong CMND mà hai bên xuất trình. Còn việc giấy CMND có giả hay không thì họ không thể biết được. Mặt khác, khi tự nguyện đi công chứng thì các bên phải tự tìm hiểu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm, ai bị lừa thì… ráng chịu chứ không thuộc lỗi của CCV! Qua tìm hiểu của chúng tôi, cũng phải công bằng mà nói, những lý lẽ mà CCV và TCCC đưa ra không phải là để phủi trách nhiệm mà đó là một thực tế rất đáng lo ngại trong hoạt động công chứng hiện nay.

Bởi lẽ, trước đây, khi trao đổi với chúng tôi về vấn nạn làm giả giấy tờ, Thượng tá Nguyễn Hồng Quang, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP.HCM cho biết, các loại giấy tờ giả hiện nay được làm rất tinh vi, phải có thiết bị máy móc tiên tiến thì mới có thể phát hiện được. Chính vì vậy nếu nhìn bằng mắt thường hoặc kính lúp thì CCV khó có thể phát hiện ra giấy giả. Cho nên khi người dân giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn như nhà cửa, đất đai thì mọi người cần tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc của tài sản, đó là cách phòng tối ưu nhất.

Vậy tìm hiểu bằng cách nào? Chúng tôi còn nhớ trước đây, khi còn quy định việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất phải thông qua UBND cấp phường, xã thì để đảm bảo người thật, tài sản thật, người mua chỉ cần đến UBND phường để hỏi là có thể biết được ngay tình trạng của tài sản. Còn nay, khi giao dịch chỉ cần qua phòng công chứng nên việc tài sản này đã bán cho ai thì UBND phường hoàn toàn mù tịt. Cho nên kẻ gian có thể công chứng bán cho nhiều người (lần đầu giấy tờ thật, lần sau giấy tờ giả) mà chẳng ai biết cả.

Mặt khác, từ tháng 6/2006 trở về trước, theo quy định của pháp luật thì một trong những điều kiện được phép tham gia giao dịch bất động sản là không có tranh chấp, không bị kê biên. Để đảm bảo thực thi, các TCCC thường yêu cầu các cá nhân, tổ chức xuất trình giấy xác nhận tình trạng nhà không bị tranh chấp, kê biên có xác nhận của UBND cấp xã. Tuy nhiên sau đó, Thông tư liên tịch số 04/2006/YYLT/BTP-BTNMT hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng… không quy định phải có giấy xác nhận này. Từ đó, Sở Tư pháp TP.HCM đã có Công văn số 2868/STP-BTTP gửi các phòng công chứng đề nghị bỏ qua thủ tục này để giảm phiền hà cho người dân. Song, cũng kể từ đó, nhiều người đã sập bẫy kẻ bất lương, nhiều CCV đã bị qua mặt.

Về phía người cần công chứng, họ cho rằng CCV và TCCC phải chịu trách nhiệm trước việc chứng thực của mình chứ không thể đổ lỗi hết cho người cần công chứng được. Vì nếu như vậy, kể cả trong trường hợp CCV thừa biết là giấy tờ giả, người giả mà họ vẫn công chứng thì cũng không thể quy trách nhiệm được. "Theo tôi pháp luật cần phải có quy định đơn vị công chứng phải chịu trách nhiệm trong việc không phát hiện ra giấy tờ giả thì mới giải quyết tận gốc thực trạng này. Muốn vậy thì buộc TCCC phải trang bị máy móc cho mình (như ngân hàng trang bị máy phát hiện tiền giả chẳng hạn) để phát hiện giấy tờ giả. Chứ cái kiểu tiền thì nhận (lệ phí công chứng) mà trách nhiệm thì không là không công bằng" - nhiều người dân nêu quan điểm.

M.T.Phong
.
.
.