Hậu quả của việc giấy tờ giả qua mặt cơ quan công chứng

Chủ Nhật, 25/10/2015, 11:09
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh vừa kết thúc điều tra vụ án, đề nghị truy tố Phạm Văn Cần (48 tuổi, ngụ quận 3) về các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".


Theo nội dung vụ án, Phạm Văn Cần từng là chủ sở hữu căn nhà 245 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3. Tuy nhiên, đến tháng 8/2010, Cần đã chuyển nhượng quyền sở hữu căn nhà trên cho bà L.T.T.T. (ngụ quận Phú Nhuận). Do không có việc làm ổn định và bản thân không có tiền tiêu xài nên Cần nảy sinh ý định lừa đảo.

Đầu tháng 3/2014, sau khi thuê người làm giả được giấy chủ quyền căn nhà trên, Cần nói dối ông T.T.A.D. (ngụ quận Phú Nhuận) đang cần tiền mua bán kinh doanh nên muốn vay tín chấp 200 triệu đồng, tài sản đảm bảo là giấy tờ của căn nhà trên. Cầm giấy tờ giả trên tay, ông D. tưởng là thật nên đồng ý cho Cần vay với lãi suất 3%/ tháng. 

Sau đó, cả hai đến Văn phòng công chứng Châu Á nằm trên đường Võ Văn Tần, phường 6, quận 3 lập thủ tục công chứng hợp đồng vay tiền. Sau khi công chứng xong, Cần giao cho ông D. giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở căn nhà 245 Nam Kỳ Khởi Nghĩa và thông báo nộp phí trước bạ căn nhà trên.

Một tháng sau, mặc dù đã nhiều lần liên lạc với Cần nhưng không được, ông D tìm hiểu và được biết căn nhà trên không phải do Cần đứng tên chủ sở hữu nên đến Công an trình báo. Trong thời gian trốn tránh ông D., tháng 7/2014, Cần sử dụng giấy tờ giả nói trên tiếp tục vay 400 triệu đồng của bà Đ.T.T. Để đảm bảo, bà T. cùng chồng và Cần đã đến Phòng công chứng số 5 nằm trên đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, quận Gò Vấp để làm hợp đồng. 

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên công chứng viên bị các đối tượng lừa đảo "qua mặt". Trước đó, TAND TP Hồ Chí Minh từng đưa ra xét xử vụ án "lừa đảo và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" mà các đối tượng lừa cũng qua mặt cơ quan công chứng một cách dễ dàng.

Phú cùng đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm.

Theo hồ sơ vụ án, do cần tiền trả nợ và tiêu xài, Đoàn Thị Phú (55 tuổi) đã câu kết với Nguyễn Thị Thùy Dương (33 tuổi) và Nguyễn Thị Hương (56 tuổi, đều ngụ huyện Củ Chi) thực hiện hành vi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  (GCNQSDĐ) để thực hiện hành vi gian dối, thế chấp cho nhiều người vay tiền rồi chiếm đoạt.

Cụ thể, căn nhà dính liền đất ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi là tài sản riêng của ông Nguyễn Văn Sáu (chồng Phú). Biết anh Đ.Đ.P. có tiền cho vay, Hương giới thiệu Phú với anh P. và được anh này đồng ý cho vay 700 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng. 

Để đảm bảo cho việc thanh toán nợ, anh P. yêu cầu Phú phải ra phòng công chứng làm hợp đồng mua bán nhà. Lúc này, Phú mới thú thật với Hương lén chồng lấy giấy tờ nhà đi vay nên không thể ra công chứng mua bán được. Hương nghe vậy liền bàn với Phú tìm người đóng giả chồng Phú để ra công chứng. Hương đã thuê Lâm Văn Lùng (48 tuổi, ngụ xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi; đang bị truy nã) đóng giả chồng Phú với giá 20 triệu đồng.

Để không bị phát hiện, nghe theo lời Hương, Phú về nhà lấy giấy CMND của chồng đưa Hương để Lùng làm giả CMND mang tên Nguyễn Văn Sáu nhưng ảnh và dấu vân tay trong CMND là của Lùng. Sau khi có CMND, Lùng, Phú và anh P. đã đến văn phòng công chứng làm hợp đồng bán nhà cho anh P. với giá 700 triệu đồng. Do công chứng viên không phát hiện được giấy CMND của Lùng là giả nên đã công chứng hợp đồng mua bán này. Đến hẹn trả nợ nhưng Phú không có tiền trả, anh P. đến nhà đòi thì mới phát hiện Phú thuê người đóng giả chồng để lừa đảo ký hợp đồng bán nhà.

Ngoài phi vụ này, Phú còn câu kết với con gái là Nguyễn Thị Thùy Dương thuê Nguyễn Thị Hương làm giả nhiều GCNQSDĐ sau đó đem thế chấp cho người khác chiếm đoạt 2,1 tỷ đồng. Toàn bộ hợp đồng vay các nạn nhân đều cẩn thận ra công chứng để làm hợp đồng nhưng các công chứng viên đều không phát hiện giấy tờ giả. Chỉ đến khi các nạn nhân đem hồ sơ, giấy tờ đến ủy ban để làm thủ tục đăng bộ sang tên thì mới bị phát hiện GCNQSDĐ là giả.

Tại phiên tòa xét xử, Phú khai: Sở dĩ toàn bộ giấy tờ giả Phú "qua mắt" được công chứng viên vì trước khi ra công chứng, Phú đã nhờ Lý Ngọc Lan lo lót cho công chứng viên với giá 30 triệu đồng cho một phi vụ. Với tình tiết mới phát sinh này nên HĐXX đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Qua điều tra bổ sung, Lan đã bị bắt trong một vụ án khác nên cơ quan điều tra tách ra xử lý riêng. Riêng về tình tiết đưa tiền lo lót cho các công viên để công chứng, qua làm việc những công chứng viên này không thừa nhận có nhận tiền của Lan nên các cơ quan tố tụng cho rằng không có cơ sở để xử lý những người này. Vì vậy, VKS vẫn giữ nguyên cáo trạng truy tố đối với Phú và 2 đồng phạm.

A. Huy
.
.
.