Bộ Tư pháp tổ chức họp báo Quý I- 2015:

Giảm hình phạt tử hình để bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Thứ Sáu, 17/04/2015, 17:06
Chiều 17/4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thông báo nội dung trọng tâm công tác tư pháp quý I-2015. Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, người phát ngôn của Bộ Tư pháp chủ trì buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, Bộ Tư pháp thông tin về một số nội dung của dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Theo mô hình doanh nghiệp hiện nay, nhiều quyết định quan trọng của pháp nhân là doanh nghiệp được thực hiện thông qua Hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn) hoặc Hội đồng quản trị hay Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần). 

Trong trường hợp này, nếu chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thì sẽ không thể xác định được người phải chịu trách nhiệm hình sự, và cũng sẽ không công bằng nếu chỉ xử lý hình sự đối với một số cá nhân trong khi quyết định là của tập thể. 

Nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và truy xét đến cùng trách nhiệm của pháp nhân đối với hành vi vi phạm hết sức nguy hiểm mang tính tội phạm, dự thảo Bộ luật Hình sự bổ sung Chương IX (Những quy định đối với pháp nhân là các tổ chức kinh tế phạm tội), trước mắt tập trung vào nhóm tội hiện đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ cộng đồng. 

Theo đó, dự thảo Bộ luật Hình sự chỉ quy định giới hạn phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng và tội rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Theo dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ giảm hình phạt tử hình đối với một số tội danh.

Về vấn đề hạn chế hình phạt tử hình, Bộ Tư pháp cho biết, giảm tử hình là một chủ trương lớn của Đảng phù hợp với tinh thần bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và xu hướng hội nhập quốc tế của nước ta. Vì vậy, việc tiếp tục giảm án tử hình nhận được sự đồng thuận tuyệt đối trong quá trình xây dựng dự án Bộ luật Hình sự. 

Tiêu chí giảm tử hình cũng như chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự về hình phạt tử hình được thực hiện theo hướng, quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này. 

Hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số trường hợp (người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng) phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng; mở rộng diện đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình; mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt từ tử hình thành chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế; thu hẹp diện các tội danh có quy định hình phạt tử hình.      

Về việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án phạt tiền, án cải tạo không giam giữ có tác dụng góp phần đảm bảo tính khả thi, tăng tính răn đe, phòng ngừa của hai hình phạt này. 

Theo Bộ Tư pháp, nếu chờ để xử lý về tội không chấp hành án thì quá lâu, không hiệu quả và hầu như tội này không được xét xử trên thực tế. Do đó, dự thảo Bộ luật Hình sự đã bổ sung quy định về chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành hai hình phạt này. 

Về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên, vấn đề tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định, người đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. 

Theo quy định này thì diện các tội phạm mà trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự khá rộng. Hơn nữa thực tế cho thấy, một số trường hợp từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi tự mình thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng không nhiều, và chủ yếu tập trung vào một số tội thuộc nhóm các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, các tội phạm sở hữu. 

Còn lại phần lớn các trường hợp khác các em tham gia thực hiện phạm tội là do bị người lớn xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa…, chứ bản thân các em không nhận thức được một cách đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm mà mình đã thực hiện. 

Do đó việc xử lý hình sự đối với các em trong các trường hợp này có phần quá nghiêm khắc. Vì vậy, trách nhiệm hình sự của các em cần giới hạn trong phạm vi các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một số nhóm tội phạm cụ thể.

Về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Bộ Tư pháp, đây là một tội danh rất chung, có phạm vi rộng nhưng lại không cụ thể để có thể vận dụng xử lý bất cứ hành vi vi phạm nào. 

Điều này không đảm bảo tính minh bạch, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng. Do đó cần cụ thể hóa các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế để thay thế tội danh này trong Bộ luật Hình sự hiện hành nhằm đảm bảo tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. 

Vì vậy dự thảo Bộ luật Hình sự không tiếp tục duy trì tội danh cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, mà thay vào đó dự thảo đã quy định cụ thể 45 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc ba nhóm lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, thương mại; thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và lĩnh vực kinh tế khác.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, quý I- 2015, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 864 văn bản của các Bộ, ngành và địa phương, qua đó đã phát hiện 62 văn bản vi phạm các quy định tại Điều 3, Nghị định số 40/NĐ-CP của Chính phủ. Về lĩnh vực kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến, đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ 143/188 thủ tục hành chính quy định tại 22 dự thảo văn bản. Về lĩnh vực nuôi con nuôi, bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 121 hồ sơ xin trẻ Việt Nam làm con nuôi; đã tiếp nhận và giải quyết đối với 16 trường hợp đề nghị hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Đến nay đã ban hành 14 văn bản hướng dẫn đối với 14 trường hợp. Về công tác tiếp công dân, Bộ Tư pháp đã tiếp 116 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, trong đó tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thi hành án dân sự.

Nguyễn Hưng
.
.
.