Gây án vì… thiếu hiểu biết

Thứ Năm, 15/01/2015, 09:41
Có khá nhiều đối tượng khi bị cơ quan bắt giữ mới hay mình đã thực hiện hành vi phạm tội. Nguyên nhân chính là do họ thiếu hiểu biết pháp luật. 

Hầu hết họ là đối tượng có trình độ học vấn thấp, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, ít xem đài, đọc báo… Công tác tuyên truyền về pháp luật của chính quyền địa phương, của các tổ chức xã hội, các đơn vị kinh doanh… chưa đến với các đối tượng này.

Lúc bị Công an quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) bắt giữ, Huỳnh Thị Bích Vân (26 tuổi, quê quán huyện Bàu Bàng, Bình Dương) chẳng tỏ ra sợ sệt gì. Thậm chí, Vân còn cho rằng, cơ quan điều tra đã bắt người không đúng vì thị chính là mẹ ruột của cháu bé bị bắt cóc. Còn các đối tượng giúp sức cho Vân là Lê Minh Hiếu (23 tuổi, ngụ Tân Châu, An Giang), Huỳnh Văn Hiển (20 tuổi, em ruột Vân), Nguyễn Thị Thanh Trà (22 tuổi) và Ngô Bảo Quý (21 tuổi, cùng ngụ Bàu Bàng, Bình Dương) thì cứ nghĩ mình đang làm “việc nghĩa” chứ không ngờ vi phạm pháp luật.

Một số đối tượng phạm tội vì thiếu hiểu biết.

Tuy nhiên, khi nghe cán bộ điều tra giải thích về sự bình đẳng và quyền được bảo hộ của mọi công dân trước pháp luật thì Vân và các đối tượng mới hiểu ra nhưng đã quá muộn…

Bích Vân và anh Lê Thanh Trung (32 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) trước đây là vợ chồng, có một con chung là cháu Lê Huỳnh Thục Ni, 5 tuổi. Ngày 22/5/2014, Tòa án nhân dân huyện Bàu Bàng (Bình Dương) ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa hai người và giao cháu Ni cho anh Trung nuôi dưỡng. Tháng 10/2014, do bận đi làm xa, anh Trung gửi cháu Ni cho chị ruột Lê Thị Thanh Thanh (ngụ quận Thủ Đức) chăm sóc giùm. Do muốn giành lại con để nuôi nên Vân rủ các đối tượng kể trên cùng tham gia.

Khoảng 6h30 ngày 16/10/2014, chị Thanh dẫn Ni rời khỏi nhà ở phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) để đi tập thể dục thì Vân cùng đồng bọn bám theo. Đến khoảng 8h cùng ngày, chị Thanh cùng cháu Ni vào một cửa hàng tạp hóa nằm trên đường số 18 để mua đồ.

Lợi dụng lúc chị Thanh nghe điện thoại, Vân đi vào bế cháu Ni ra ngoài rồi lên xe do Trà điều khiển rời khỏi hiện trường. Trước khi rút lui, Hiếu còn dùng tay tát chị Thanh và dọa: “Con của người ta thì người ta bắt chứ phải con của mày đâu mà mày la. Coi chừng tao thưa Công an bắt mày đó”. Chính vì nghĩ mình không phạm tội nên sau khi gây án, các đối tượng này sinh hoạt bình thường cho đến khi bị bắt giữ.

“Mặc dù chị Vân là mẹ của đứa bé bị bắt cóc nhưng tòa án đã giao quyền nuôi dưỡng cho chồng (cũ) của chị Vân nên hành vi bắt, giữ cháu bé của chị Vân là xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nói riêng, quyền tự do, dân chủ của công dân nói chung. Do vậy, chị Vân và đồng bọn đã phạm vào tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo quy định tại Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, khi xét xử thì tòa án có thể xem xét tình tiết để giảm nhẹ cho bị cáo theo quy định của pháp luật” - luật sư Phạm Tấn Thuấn, Văn phòng luật sư Quốc Tuấn phân tích.

Cao Minh Tuấn (22 tuổi, quê quán Đồng Nai; tạm trú quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), là nhân viên của một công ty bảo vệ, được giao nhiệm vụ bảo vệ tại một quán cơm ở quận Bình Tân.

Như mọi ngày, khoảng 15h ngày 9/4/2014, Tuấn rời nhà để đi làm nhưng sau đó thì mất tích luôn. Gia đình và công ty tổ chức tìm kiếm khắp nơi nhưng không gặp. Khoảng 20h30’ cùng ngày, ông Cao Văn Hiệp (50 tuổi, cha ruột của Tuấn) nhận được điện thoại từ một số máy lạ. Đầu dây bên kia, giọng một thanh niên cho biết, cách đây 10 ngày, Tuấn có mượn của y 40 triệu đồng nhưng không chịu trả. Vì vậy, y đã bắt cóc Tuấn để buộc gia đình đưa tiền chuộc con.

“Nếu ông không trả ngay 40 triệu, tôi sẽ chặt đầu của Tuấn” - đối tượng kia đe dọa rồi cúp máy. Ngay sau đó, ông Tuấn ông đến Công an phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) trình báo vụ việc. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho con tin, cơ quan Công an yêu cầu ông Hiệp gửi 2 lần tiền vào tài khoản của đối tượng bắt cóc với tổng số tiền 15 triệu đồng.

Đúng như phán đoán của cơ quan Công an, sau khi biết ông Hiệp đã gửi tiền vào tài khoản, khoảng 11h ngày 12/4, có hai đối tượng vào Phòng giao dịch thuộc Ngân hàng Á Châu nằm ở phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh để rút tiền thì bị lực lượng phối hợp bắt quả tang. Một trong hai đối tượng này chính là Tuấn, đối tượng còn lại là Trần Ngọc Giàu (27 tuổi, quê quán tỉnh Tây Ninh), bạn của Tuấn.

Khi được đưa về trụ sở Công an lấy lời khai, Tuấn hết sức bình thường, thậm chí còn luôn miệng cười. Thấy lạ, điều tra viên truy hỏi thì Tuấn mới thành thật cho biết, mình chính là con ruột của người bị tống tiền. Nói rồi y bảo, vì không có tiền chơi game nên mới bàn bạc với Giàu dựng lên màn kịch nói trên. “Sợ tống tiền người khác thì bị tù nên em mới tống tiền cha. Thôi, anh cho em về nhà liền để xin lỗi cha” - Tuấn hồn nhiên yêu cầu điều tra viên. Khi biết mọi hành vi phạm tội đều phải bị xử lý theo pháp luật thì Tuấn rưng rưng nước mắt…

Trung tá Nguyễn Hải Triều, điều tra viên Phòng PC45, Công an TP Hồ Chí Minh phân tích, trong vụ việc này, nếu như Tuấn bị bắt cóc tống tiền thật sự thì kẻ phạm tội sẽ bị xử lý về hành vi “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Nhưng vì đây là một màn kịch, một thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản nên Tuấn bị khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo Văn phòng Công an TP Hồ Chí Minh, trong năm 2014, số lượng án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tăng gần 22% so với cùng kỳ. Trong đó dạng án dàn cảnh tống tiền gia đình chiếm một phần đáng kể.

Với 2 trường hợp nói trên, sự thiếu hiểu biết dẫn đến gây án còn có chút ít lý do để mà thông cảm, nhưng đến trường hợp ngay cả người phạm tội còn mù mờ về hành vi cướp tài sản thì vấn đề đã trở nên rất đáng báo động. Đó là trường hợp của Nguyễn Minh Tuấn (27 tuổi, quê quán Bến Tre) bị Công an quận 10, TP Hồ Chí Minh bắt vào ngày 8/12/2014 về hành vi cướp tài sản. Trước đó, ngày 7/12/2014, Tuấn được người bạn tên Hen nhờ đi đánh dằn mặt chị Hận vì chị Hận nói xấu Hen.

Để giúp bạn, Tuấn rủ thêm nhiều đồng bọn rồi tìm đến phòng trọ của chị Hận trên đường Nhật Tảo, quận 10. Vào phòng trọ, thấy có 3 cô gái đang ngồi trong phòng nên Tuấn lớn tiếng hỏi có thấy chị Hận đâu không. Các cô gái sợ hãi, định gọi điện thoại cầu cứu chủ nhà thì Tuấn dọa đánh rồi yêu cầu 3 người này đưa 3 điện thoại cho Tuấn. Lấy điện thoại đút vào túi quần, Tuấn nói sẽ trả lại điện thoại sau rồi bỏ đi.

Về lại phòng trọ, Tuấn đưa 3 điện thoại cho Hen để nhờ trả lại cho 3 cô gái kia. Tuy nhiên, sang ngày hôm sau thì Tuấn bị bắt. Mặc dù mục đích của Tuấn chiếm đoạt 3 điện thoại này để ngăn không cho bị hại gọi cho người khác nhưng hành vi này đã cấu thành tội “Cướp tài sản”…

Mã Hải
.
.
.