Dương Chí Dũng không nhận cầm 10 tỷ đồng hưởng lợi từ việc mua ụ nổi 83M

Thứ Ba, 22/04/2014, 08:01
Tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay, 22/4, bị cáo Dương Chí Dũng không thừa nhận việc nhận 10 tỷ đồng hưởng lợi từ việc mua ụ nổi 83M. Trong khi đó, bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines vẫn khẳng định đã đưa cho bị cáo Dũng 10 tỷ đồng hưởng lợi từ việc mua ụ nổi... Sơn cũng khai "anh Dũng chỉ đạo" việc chia chác này.

>> Cơ quan điều tra với chặng đường làm rõ vụ án Dương Chí Dũng

11h 20 phút: HĐXX tiến hành thẩm vấn bị cáo Mai Văn Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ vận tải - Bộ Giao thông vận tải về hành vi tham ô tài sản và cố ý làm trái…

Bị cáo Phúc trả lời thẩm vấn.

11h15 phút: Bị cáo Sơn tiếp tục trình bày về khoản tiền tham ô từ việc mua ụ nổi hỏng ở Nga. Sau đó biện minh về số tiền 7 tỷ 800 triệu đồng đã được hưởng lợi bất chính. Về sự chỉ đạo, điều hành của bị cáo Dũng và bị cáo Phúc nên Sơn phải miễn cưỡng thực hiện. Cuối cùng bị cáo Sơn đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

10h50 phút: HĐXX tiến hành thẩm vấn bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.

Bị cáo thấy bị Dũng vừa khai về dự án mua ụ nổi 83M có  đúng không?

Dạ đúng.

Thời gian khảo sát ụ nổi ở nước ngoài bao lâu?

Khoảng vài ngày ạ.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo khai chỉ có một buổi chiều?

Dạ thời gian ở Nga thì dài, nhưng thời gian đi kiểm tra thì chỉ một buổi chiều.

Bị cáo Sơn trả lời thẩm vấn.

Bị cáo còn giữ nguyên yêu cầu xin giảm nhẹ hình phạt không?

Bị cáo vẫn giữ nguyên.

Bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt ở cả hai tội tham ô tài sản và cố ý làm trái…?

Bị cáo xin giảm cả hai tội.

Lý do bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt?

Bị cáo chỉ vi phạm trong việc ký nháy vào văn bản đề xuất, vì bị cáo là cấp dưới.

Bị cáo có được Dũng và Phúc chỉ đạo bằng mọi cách phải mua ụ nổi 83M không?

Khi nào gặp thì các anh ấy nói chứ không chỉ đạo trực tiếp trong các cuộc họp.

Bị cáo có nói với các thành viên khác khi tham gia đoàn khảo sát rằng, Dũng và Phúc nói như vậy không?

Dạ không.

Khoản tiền 1,66 triệu USD từ đâu mà có?

Từ phía công ty bán ụ nổi ở Nga.

Ai giao cho bị cáo đi nhận số tiền này?

Anh Dũng và anh Phúc.

Nhận bằng cách nào?

Phía công ty bán ụ nổi chuyển qua tài khoản của Công ty Vũ Hà ở Việt Nam

Tổng cộng số tiền đã nhận là bao nhiêu?

Hơn 28 tỷ đồng Việt Nam.

Sử dụng số tiền này như thế nào?

Bị cáo đưa anh Dũng 10 tỷ, anh Phúc 10 tỷ, anh Chiều 340 triệu đồng. Riêng bị cáo được hưởng 7 tỷ 800 triệu đồng.

Ai chỉ đạo bị cáo chia như thế?

Anh Dũng chỉ đạo. Sau đó, anh Dũng trực tiếp nói lại với anh Phúc về việc chia chác này. Anh Phúc cũng xác nhận với bị cáo điều này.

10h25 phút: Các thành viên khác trong HĐXX và địa diện Viện kiểm sát tiếp tục thẩm vấn bị cáo Dũng.

9h45’: Sau khi thông báo tóm tắt bản án sơ thẩm, HĐXX bắt đầu thẩm vấn. Bị cáo Dương Chí Dũng được thẩm vấn đầu tiên.

Bị cáo có giữ nguyên kháng cáo không?

Bị cáo giữ nguyên kháng cáo.

Cụ thể là bị cáo kêu oan về tội cố ý làm trái… hay xin giảm nhẹ hình phạt?

Bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt ở tội danh này.

Bị cáo Dương Chí Dũng trả lời thẩm vấn.

Còn về tội tham ô tài sản thì sao?

Tội danh này bị cáo kêu oan

Dự án mua ụ nổi khi nào triển khai. Khi đó bị cáo giữ chức vụ gì?

Dự án được chấp thuận về nguyên tắc năm 2005. Khi đó bị cáo giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Vinalines. Sau khi được Chính phủ chấp thuận về chủ trương, bị cáo chưa hoàn thiện các bước tiếp theo mà vẫn tiến hành khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo các bước quy định.

Việc bị cáo cho tiến hành thủ tục dự án mua ụ nổi mà chưa thực hiện tiếp các bước theo đúng “chấp thuận về nguyên tắc” là đúng hay sai?

Bị cáo tự nhận thức việc làm đó là sai.

Việc mua ụ nổi 83M, ai là người đứng ra quyết định?

Thưa tòa, đó là quyết định của Hội đồng quản trị Vinalines.

Khi quyết định mua ụ nổi, Hội đồng quản trị có tiến hành đi khảo sát thực tế không?

Việc này lát nữa bị cáo Mai Văn Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines sẽ trả lời HĐXX. Cá nhân bị cáo thì chỉ được nghe báo cáo lại.

Bị cáo có biết ụ nổi 83M thời điểm đó đã hư hại, không sử dụng được?

Bị cáo biết nhưng lúc đó được nghe báo cáo lại là có khả năng sửa chữa, phục hồi và sử dụng được.

Dự án ụ nổi 83M, ai là chủ đầu tư ban đầu?

Ban đầu là Vinalines, sau đó chuyển cho công ty của bị cáo Sơn và khi đó Vinalines chỉ là cổ đông tham gia góp vốn.

Giá của ụ nổi 83M sau khi mua, vận chuyển và sửa chưa là bao nhiêu?

Bị cáo được nghe báo cáo lúc đó là hơn 26 triệu USD.

Nguồn tiền bị cáo định lấy ở đâu?

Thưa tòa, nguồn tiền mua ban đầu sẽ vay ngân hàng. Phương án tiếp theo là sẽ thành lập công ty cổ phần để kinh doanh và lấy từ nguồn lợi từ công ty cổ phần để trả lợi.

Số tiền bị cáo được hưởng lợi từ việc mua ụ nổi là bao nhiêu?

Không có chuyện bị cáo được hưởng lợi từ việc này. Thời điểm đó, anh Sơn (bị cáo Sơn) chỉ đến khách sạn biếu bị cáo mấy chai rượu tây thôi. Một xu bị cáo cũng không nhận từ anh Sơn đưa.

Vậy sao bị cáo lại tự nguyện khắc phục hậu quả 10 tỷ đồng từ việc mua ụ nổi?

Đó là vì lương tâm, trách nhiệm của bị cáo nên bị cáo nhận thôi. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo cũng đã nói với vợ bị cáo bán hết tất cả những gì có thể để lấy tiền khắc phục hậu quả cho bị cáo.

Trước đó bị cáo với bị cáo Sơn có gì mâu thuẫn với nhau không?

Dạ, không có gì mâu thuẫn.

Có tình cảm gì không?

Cũng có chút quen biết tình cảm. Anh em chơi tốt với nhau.

Vậy lý do gì bị cáo Sơn lại đổ tiếng xấu cho bị cáo về việc đưa tiền hưởng lợi cho bị cáo liên quan đến việc mua ụ nổi 83M?

Điều này bị cáo không hiểu và cũng mong muốn HĐXX làm rõ giúp bị cáo.

Không làm điều vi phạm, sao bị cáo lại phải bỏ trốn khi biết tin sẽ khởi tố vụ án liên quan đến việc mua ụ nổi 83M?

Vì bị cáo sợ.

Bị cáo bỏ trốn đi đâu?

Lúc đầu bị cáo trốn sang Campuchia, sau đó trốn tiếp sang Mỹ nhưng không thành và bị bắt ở Campuchia.

Tài sản của bị cáo lúc đó có những gì?

Có nhà, xe ô tô ạ.

Có căn hộ cao cấp nào không?

Dạ có.

Nguồn tiền bị cáo lấy từ đâu mà mua nhà, mua căn hộ?

Bị cáo lấy tiền của vợ của cáo...

9h25': HĐXX tiếp tục làm việc. Sau khi bác yêu cầu triệu tập nhân chứng là người đại diện của công ty cung cấp ụ nổi cho Vinalines tại Liên bang Nga với lý do “các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ điều này”, vị Chủ tọa bắt đầu công bố tóm tắt nội dung bản án sơ thẩm.

9h15', trước đề nghị của các luật sư, HĐXX tiến hành hội ý về những vấn đề mà các luật sư đề nghị.

Dương Chí Dũng và các đồng phạm tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 22/4.

9h5': Các luật sư tham dự phiên tòa với tư cách bào chữa cho các bị cáo đã đề nghị HĐXX cần triệu tập thêm một số nhân chứng quan trọng liên quan đến vụ án. Cụ thể, Luật sư Hoàng Huy Được, luật sư Trần Đại Thắng và luật sư Ngô Ngọc Thủy đề nghị HĐXX triệu tập đại diện công ty của Liên bang Nga đã cung cấp ụ nổi cho Vinalines để làm rõ việc “Ai là người thương thảo việc hưởng lợi 1,6 triệu USD đã được Tòa sơ thẩm quy kết với hai bị cáo bị tuyên án tử hình là bị cáo Dũng và bị cáo Phúc”. Cùng với đề nghị của hai luật sư đồng nghiệp, luật sư Trần Đình Triển còn đề nghị “đầu giờ chiều sẽ cung cấp cho HĐXX tài liệu mới tài liệu mới liên quan đến vụ án này. Qua đó HĐXX sẽ có thêm căn cứ pháp lý trong quá trình xét xử.

9h: phần thủ tục phiên tòa kết thúc.

8h50’: Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn phổ biến quyền và nghĩa vụ cho các bị cáo.

8h40': Chủ tọa phiên tòa tiến hành kiểm tra căn cước các bị cáo và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan, các nguyên đơn dân sự. Vợ bị cáo Dũng (Phạm Thị Mai Phương) và vợ bị cáo Phúc (Ngô Thị Vân) cũng được Tòa triệu tập với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

8h30': Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội bắt đầu phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án liên quan đến Dương Chí Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), nguyên Cục trưởng Cục trưởng Cục Hàng hải - Bộ Giao thông vận tải và đồng phạm phạm tội tham ô tài sản và tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines.

Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo: Trần Hữu Chiều, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines; Trần Hải Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Mai Văn Khang, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines); Lê Văn Dương, nguyên đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6 - Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn LừngLê Ngọc Triện (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) bị tuyên phạt từ 7 đến 22 năm tù giam. Bị cáo Bùi Thị Bích Loan, nguyên kế toán trưởng Vinalines, bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 4 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Sáng 22/4, TAND Tối cao tại Hà Nội phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm. Trước đó, sau phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Hà Nội kết thúc vào 16/12/2013, bị cáo Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải - Bộ Giao thông vận tải bị tuyên án tử hình về tội tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

16 luật sư tham gia phiên tòa với tư cách là người bào chữa cho các bị cáo có mặt đủ. Nguyên đơn dân sự là Tổng Công ty Hàng hàng Việt Nam cũng tham dự phiên tòa. Các cơ quan được mời tham dự phiên xử gồm: Bộ Tài chính, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cũng có mặt. Phiên tòa phúc thẩm được mở theo kháng cáo của 8 bị cáo.

Riêng bị án Bùi Thị Bích Loan, nguyên kế toán trưởng Vinalines, bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 4 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng không kháng cáo. Nhưng di bị án Loan liên quan đến vụ án này nên vẫn được Tòa phúc thẩm triệu tập để làm rõ các vấn đề liên quan. Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố là ông Bùi Đình Tiến và ông Vũ Văn Huy, Kiểm sát viên, Viện KSND Tối cao.

Vụ đại án tham nhũng xảy ra tại Vinalines gây sự quan tâm, chú ý của dư luận trong một thời gian dài. Bởi hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng. Một trong những sai phạm nghiêm trọng nhất là việc Dương Chí Dũng ký quyết định mua ụ nổi 83M không hoạt động được để cùng đồng bọn chia nhau số tiền hơn 1,6 triệu USD.

Theo bản án sơ thẩm, trong thời gian từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, thông qua việc mua ụ nổi 83M với Công ty AP - Singapore , Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm đã không thực hiện theo quy định của Nhà nước, làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại… Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 366.930.032.432 đồng.

Quá trình tổ chức chào hàng cạnh tranh, lựa chọn nhà thầu cung cấp ụ nổi, Vinalines không có thư thông báo mời thầu nhưng có hai công ty gửi thư chào bán, gồm: Công ty AP - Singapore chào bán ụ nổi 220 sản xuất năm 1969 tại Thụy Điển và ụ nổi Dock No 83M; Công ty môi giới Mega Marine LLC/USA chào bán ụ nổi 194M sản xuất năm 1988 tại Nam Tư. Khi tổ chức khảo sát, Vinalines không khảo sát ụ nổi 194M mà chỉ khảo sát ụ nổi 220 và 83M do Công ty AP chào bán.

Để kiểm tra và xác nhận trạng thái kỹ thuật, ngày 27/7/2007, Phúc đã ký quyết định thành lập đoàn khảo sát gồm: Chiều, Khang, Sơn, Dương và một phiên dịch tiếng Nga cùng tiến hành khảo sát trình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M tại cảng Nakhodka, Liên bang Nga.

Dương Chí Dũng được áp giải tới phiên tòa.

Từ ngày 2 đến ngày 5/8/2007, đoàn khảo sát với những thành phần trên không tiến hành làm việc với đại diện Nhà máy Nakhodka mà chỉ tiếp xúc, giao dịch với Giám đốc Công ty AP. Qua khảo sát, các thành viên đều biết chủ sở hữu ụ nổi 83M là Công ty Nakhodka; Công ty AP chỉ là nhà môi giới; ụ nổi 83M được sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản, bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị Đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006. Công ty Nakhodka (Liên bang Nga) là chủ sở hữu đưa ra giá để đàm phán là dưới 5 triệu USD. Khi về Việt Nam, Chiều và Sơn trực tiếp đến gặp Dũng và Phúc để báo cáo các thông tin trên, nhưng Dũng và Phúc vẫn chỉ đạo, phải lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua được ụ nổi 83M qua Công ty AP - Singapore, không mua trực tiếp của Công ty Nakhodka.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Dũng và Phúc, Chiều và Sơn đã gặp Dương đề nghị giúp Vinalines hợp thức thủ tục mua ụ nổi 83M. Do vậy, Dương đã lập biên bản kiểm tra giám định có nội dung không đúng thực tế tình trạng kỹ thuật ụ nổi, không ghi rõ ụ nổi ở trạng thái xấu, không hoạt động được.

Các phóng viên tác nghiệp tại phiên xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng.

Trên cơ sở biên bản kiểm tra giám định này, Chiều yêu cầu Sơn và Khang lập báo cáo kế quả khảo sát gửi Dũng và Phúc, trong đó có nội dung: Nhà máy đang sửa chữa một con tàu, đoàn chứng kiến việc ụ hạ thủy, nổi lên… ụ nổi ở trạng thái hoạt động bình thường; Công ty AP – Singapore là người bán ụ…, đồng thời không phản ánh việc Công ty Nakhodka chào bán ụ 83M với giá dưới 5 triệu USD.

Điều nghiêm trọng là tuy biết được giá chào bán ụ nổi 83M của Công ty Nakhodka là dưới 5 triệu USD, nhưng ngày 15/2/2008, Dũng vẫn ký quyết định mua ụ nổi 83M của Công ty AP - Singapore với giá mua là 9 triệu USD. Trước khi Vinalines ký hợp đồng mua ụ nổi 83M giá 9 triệu USD với Công ty AP thì ngày 28/2/2008, Công ty Nakhodka và Công ty AP ký hợp đồng số 01-08 mua bán ụ nổi 83M với giá 2,3 triệu USD.

Trong vụ án này, bị cáo Dương Chí Dũng đóng vai trò chủ mưu, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cá nhân bị cáo Dũng được xác định là đã tham ô 10 tỷ đồng của Nhà nước. Sau khi nhận được thông tin bị khởi tố, Dũng đã bỏ trốn sang Campuchia rồi làm thủ tục sang Mỹ. Tuy nhiên, do Việt Nam đã phát lệnh truy nã nên bị cáo không thể vào đất Mỹ, buộc phải trở lại Campuchia và bị bắt ngày 4/9/2013

Nguyễn Hưng
.
.
.