Ngày thứ hai xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn:

Dùng tiền lừa đảo để trả nợ tín dụng đen

Thứ Tư, 08/01/2014, 10:10
Ngày 7/1, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn tiếp tục với phần xét hỏi. Trong ngày xét hỏi đầu tiên, HĐXX dành gần hết thời gian để thẩm vấn bị cáo này xung quanh việc bị cáo huy động vốn của nhiều cá nhân và dùng thủ đoạn làm giấy tờ giả để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhiều công ty và cá nhân.

Vay và trả nợ nóng hàng ngàn tỷ đồng

Trả lời câu hỏi của chủ tọa Nguyễn Đức Sáu, Huyền Như khai bắt đầu kinh doanh chứng khoán, nhà đất vào năm 2006-2007. Ban đầu, Như lấy tiền của mình và của mẹ để đầu tư, bất động sản, cổ phiếu… Thời điểm đó, trong tay Như đã có tới 50 tỉ đồng, nhưng để kiếm thêm tiền, bị cáo bắt đầu huy động vốn. Như khai, số tiền huy động ban đầu không nhiều nhưng rồi tiền lãi trả không kịp nên vốn lãi chồng lên nhau dẫn đến số tiền nợ “khủng”. Từ cuối năm 2008, Như bắt đầu đổ nợ, kéo dài đến cuối năm 2009, bị cáo đã không điều tiết được đồng tiền.

Khi HĐXX hỏi, tiền huy động vốn lúc này là của ai, có phải là nhóm bị cáo bị truy tố cho vay nặng lãi trong vụ án này? Như xác định là đúng và một vài cá nhân khác. Nếu bị cáo huy động nhiều như vậy thì nguồn tài chính huy động là rất lớn? - chủ tọa hỏi. Như khai, thực tế, khoản tiền bị cáo vay từng cá nhân rất ít chứ không nhiều nhưng do bị nợ cộng dồn nên mới lên tới con số đó, chứ thực tế bị cáo vay 1 lần chỉ vài tỷ.

Theo hồ sơ, biết Như có nhu cầu, Nguyễn Thiên Lý (39 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã chủ động gặp Như tại Ngân hàng Vietinbank và đề nghị có tiền cho Như vay với lãi suất 0,4%/ngày. Như đồng ý vay với số tiền ban đầu là 100.000 USD và khoảng 3 tỷ đồng. Sau đó, số tiền vay càng nhiều hơn, có khi lên tới 40 tỷ đồng với lãi suất tăng dần từ 0,4% đến 1,2%/ngày, đặc biệt có những khoản Như phải trả cho Lý từ 3-3,7%/ngày. Tính từ ngày 1/12/2009 đến 14/9/2011, Lý đã cho Như vay 554 tỷ đồng và 340.000 USD với lãi suất từ 0,4-1,7%/ngày.

Trong số này, Lý đã nhận của Như tổng số tiền gốc và lãi là hơn 1.296 tỷ đồng, trong đó có 672 tỷ đồng Lý và Như xác định được cụ thể từng khoản vay. Cụ thể, số tiền này Lý nhận của Như 255 tỷ tiền gốc và 417 tỷ đồng tiền lãi. Còn lại số tiền 633 tỷ đồng Như trả cho Lý, cả hai đều chưa giải trình được trong số đó bao nhiêu là tiền gốc và bao nhiêu là tiền lãi. Hiện Như vẫn còn nợ Lý 216 tỷ đồng và 340.000 USD tiền gốc.

Bị cáo Huyền Như (X) tại ngày xét xử thứ hai.

"Máu mặt" hơn Lý là bà trùm Nguyễn Thị Lành (52 tuổi, ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh; nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phương Đông). Theo cáo trạng, Như bắt đầu vay tiền của bà trùm này từ năm 2007. Lúc đầu, Như vay khoảng 5 tỷ đồng với lãi suất 0,6%/ ngày, cứ 3 ngày thì đáo hạn một lần, trả cả gốc lẫn lãi, nhưng có thời điểm Như phải trả lãi suất cho các khoản vay nóng khác lên tới 2%/ngày. Theo tài liệu thu thập được thì từ ngày 28/3/2008 đến 20/9/2011, Lành đã cho Như vay tổng cộng 7.841 tỷ đồng, Như phải trả cho Lành tổng số tiền cả gốc lẫn lãi là 9.028 tỷ đồng, thu lợi bất chính 1.186 tỷ đồng.

Ngoài việc cho Như vay, Lành còn làm trung gian giới thiệu cho Như vay tiền của Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung 1.517 tỷ đồng. Như đã trả cả gốc và lãi 1.720 tỷ đồng, Trung thu lợi trên 202 tỷ đồng.

Như còn khai, khi bị cáo chậm trả tiền, các chủ nợ đã liên tục gọi điện, nhắn tin đòi nợ, đe dọa. Trong đó, hai chủ nợ Lý và Lành thường xuyên đe dọa, nếu không trả tiền thì sẽ "cho người đập vỡ mặt" và lên ngân hàng, nơi bị cáo làm việc quậy. Vì lúc đó, bị cáo đang làm cán bộ tín dụng của ngân hàng Nhà nước, sợ các chủ nợ "làm lớn chuyện" thì xấu hổ cơ quan, đồng nghiệp, gia đình và bạn bè nên đã nghĩ cách kiếm tiền để trả tín dụng đen. Bị cáo đã bán nhiều cổ phiếu và tài sản để trả nợ nhưng không thấm vào đâu...

Lừa đảo để trả nợ vay nóng

Để có tiền trả nợ, Như bắt đầu dùng thủ đoạn gian dối để lừa người gửi tiền. Để lừa đảo, Như thuê người làm giả con dấu của Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và con dấu của 8 công ty khác để tiếp tục các phi vụ lừa đảo hàng ngàn tỉ đồng của các đơn vị, cá nhân khác.

Theo Như, nạn nhân đầu tiên của bị cáo là bà Giã Thị Mai Hiên. Thông qua Lê Huyền Trân, nhân viên Công ty cổ phần Chứng khoán Beta giới thiệu, năm 2009, Như lấy danh nghĩa huy động tiền cho Ngân hàng Viettinbank chi nhánh Hồ Chí Minh làm giả nhiều hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa chi nhánh ngân hàng này với bà Hiên để huy động số tiền hơn 2.167 tỷ đồng với lãi suất theo hợp đồng từ 10,9% đến 14% và lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 20 đến 100%/năm. Đến nay, Như khai đã trả cho bà Hiên 2.383 tỷ đồng và vẫn còn nợ 274 tỷ đồng.

Tiếp theo, bị cáo "nhắm" đến Công ty Dầu khí Thái Bình Dương do ông Phạm Anh Tuấn làm Giám đốc.

Như khai, ban đầu Như giới thiệu ông Tuấn đến gửi tiền tại  Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với thỏa thuận ngoài lãi suất ghi trên hợp đồng huy động vốn (khoảng 10,49%/năm) thì sẽ được hưởng lãi chênh lệch thêm từ 1-2%/năm. Tuy nhiên, do phần chênh lệch cao quá nên Ngân hàng Viettinbank chi nhánh Nhà Bè không huy động vốn của  Công ty Dầu khí Thái Bình Dương. Trong quá trình thỏa thuận, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè có soạn thảo hợp đồng và 10 giấy xác nhận gửi tiền cho Công ty Dầu khí Thái Bình Dương, nhưng sau đó không tiếp tục hợp đồng nữa nên Huyền Như đã sử dụng các giấy tờ làm sẵn trên để lừa đảo Công ty Dầu khí Thái Bình Dương.

Như khai, tổng cộng, Công ty Dầu khí Thái Bình Dương đã đưa cho Huyền Như vay 1.500 tỉ đồng, thực tế Như đã trả 1.420 tỉ đồng gốc, bên cạnh đó còn 50 tỉ tiền lãi và hơn 120 tỉ phí chênh lệch lãi suất. Đến nay Như chiếm đoạt của Công ty Dầu khí Thái Bình Dương 80 tỉ đồng. Cũng với thủ đoạn làm giả giấy tờ như trên, Như khai tiếp tục làm giả hợp đồng lừa đảo chiếm đoạt của Công ty Zen Plaza 45,5 tỷ đồng, Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank- Berjaya (CBBS) 210 tỷ đồng và nhiều công ty, ngân hàng khác…

A.Huy
.
.
.