Xảy ra nhiều vụ giả danh con, cháu lãnh đạo cấp cao để lừa đảo:

Đừng để mất tiền vì cả tin và nể sợ

Thứ Ba, 25/11/2014, 11:34
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ mạo nhận là con, cháu hoặc người thân của các đồng chí lãnh đạo cấp cao để lừa đảo. Các đối tượng này nhằm “đánh” vào lòng tin của những người muốn cậy nhờ lãnh đạo giúp đỡ phát triển công danh hoặc xin việc làm. Do không tìm hiểu kỹ về đối tượng mạo nhận nên nhiều người đã vô tình mắc bẫy của kẻ lừa đảo dẫn đến cảnh tiền mất, tật mang.

1. Mạo danh con lãnh đạo Thành ủy Hà Nội để lừa đảo:

Đầu năm 2013, Nguyễn Tiến Anh (24 tuổi, trú tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) biết được thông tin Công ty Milanno - Vina đang bị điều tra việc kinh doanh trốn thuế. Toàn bộ hàng của công ty nhãn mác Gucci gồm: quần áo, mỹ phẩm có giá trị rất lớn bị tịch thu và sẽ được cơ quan thẩm quyền giao cho Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức bán đấu giá thanh lý. Tiến Anh đã đến Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội gặp một đồng chí lãnh đạo Chi cục và tự giới thiệu mình là con trai đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hà Nội. Sau lời giới thiệu, Tiến Anh đề nghị vị cán bộ Quản lý thị trường giúp đỡ mua lô hàng thanh lý trên. Tin tưởng điều Tiến Anh nói là thật, vị cán bộ Quản lý thị trường đã giới thiệu Tiến Anh với anh Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 Hà Nội. Anh Nghĩa hướng dẫn Tiến Anh những thủ tục cần thiết để mua lô hàng thanh lý, với giá ban đầu khoảng 30 tỷ đồng. Tiến Anh nói với anh Nghĩa để xem xét sau đó trao đổi lại sau.

Nhiều người đã mất tiền vì “choáng” bởi những trò lừa đảo của các đối tượng này.

Ngày 24/6, Tiến Anh đang ở Singapore gọi điện cho anh Nghĩa hỏi vay 15.000 USD với lý do cần tiền chữa bệnh. Anh Nghĩa đồng ý và đã chuyển cho Tiến Anh vay số tiền trên. Một tuần sau, anh Nghĩa gọi điện nhắc Tiến Anh trả tiền thì Tiến Anh hẹn năm ngày sau sẽ trả. Đến hẹn, do không có tiền trả anh Nghĩa nên Tiến Anh tắt các số máy di động liên lạc với anh Nghĩa. Anh Nghĩa tìm hiểu thì biết được, Tiến Anh đã mạo danh con một đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hà Nội. Tiến Anh khai, qua mối quan hệ xã hội nên quen biết một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội. Vị này tưởng rằng Tiến Anh là con trai của đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hà Nội nên đã tiếp xúc với Tiến Anh để nhờ vả. Tiến Anh không những không giải thích mà còn tự nhận mình là con lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, đồng ý tác động tới “bố” để giúp đỡ vị cán bộ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội. Đồng thời, Tiến Anh yêu cầu vị này ứng trước 15.000 USD để lo công việc. Ngày 18/11, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Tiến Anh 36 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

2. Mạo nhận cháu ruột lãnh đạo Tỉnh ủy Tiền Giang để lừa đảo nhiều người:

Ngày 19/11, Viện KSND TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đã hoàn tất cáo trạng truy tố Bùi Anh Tuấn (30 tuổi, ở xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuấn đã có hành vi mạo nhận cháu của một đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Tiền Giang để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Theo cáo trạng, để thực hiện hành vi phạm tội, Tuấn đã kiếm được bộ trang phục CSGT và ve hàm đại úy. Hằng ngày, Tuấn mặc trang phục đi lang thang nhiều nơi và tự giới thiệu mình là cháu ruột một đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Tiền Giang. Thấy mọi người tin tưởng, Tuấn nói có thể xin việc cho ai có nhu cầu vào làm việc ở Bệnh viện đa khoa Tiền Giang và Bệnh viện phụ sản Tiền Giang. Nhưng sau khi nhận hồ sơ và số tiền hàng chục triệu đồng của hai người nhờ xin việc, Tuấn không thực hiện được như đã hứa mà tiếp tục lừa đảo những người khác. Quá trình lang thang ở TP Hồ Chí Minh, Tuấn tiếp tục  mạo nhận là cháu ruột đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Tiền Giang lừa đảo hai cán bộ ở đây để vay 20 triệu đồng rồi bặt vô âm tín. Quay lại Tiền Giang, Tuấn tiếp tục dùng chiêu trò cũ để hứa xin việc cho một gia đình có con muốn vào làm việc tại một đơn vị Công an. Sau đó, Tuấn đã lừa đảo và chiếm đoạt của gia đình này số tiền hơn 100 triệu đồng rồi bỏ trốn. Ngày 12/7, Tuấn bị bắt giữ.

3. Thuê người giả danh Thứ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc Bệnh viện Trung ương để lừa đảo:

Vương Thúy Nga (39 tuổi, trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Lê Thị Bích Hạnh (31 tuổi, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) không có nghề nghiệp ổn định. Thông qua quan hệ xã hội, Hạnh biết nhiều người có nhu cầu xin việc làm vào ngành Y, nhưng chưa xin được. Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Hạnh tự nhận là nhân viên Bệnh viện Phụ sản Trung ương, và mạo nhận là người thân một đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế và người thân của Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương để gọi điện thoại, nhắn tin cho những người có nhu cầu xin vào ngành Y và một số cơ quan khác. Hạnh ra điều kiện, sau khi đưa hồ sơ phải giao trước một khoản tiền để Hạnh lo quan hệ. Ông Đào Văn Tá, ở Hà Nội tin những điều Hạnh nói là thật nên đã giao cho Hạnh 21 hồ sơ, kèm theo hơn 3,1 tỷ đồng.

Sau khi nhận tiền, Hạnh nhờ Nga tùy theo từng trường hợp mà đóng giả là nhân viên Bệnh viện Phụ sản Trung ương hoặc nhân viên Sở Nội vụ Hà Nội để gặp gỡ, hứa hẹn xin việc làm cho những người đã nộp hồ sơ và đưa tiền. Khi gặp bị hại muốn xin việc vào ngành Y, Hạnh tự làm biển hiệu "Điều dưỡng Trung cấp" mặc áo blouse trắng để những người có nhu cầu xin việc tin tưởng. Nga được Hạnh trả công số tiền 200 nghìn đồng một lần giả danh làm nhân viên bệnh viện hoặc nhân viên Sở Nội vụ để hướng dẫn cho người xin việc ký khống vào phiếu trả lời các câu hỏi dự thi công chức, đồng thời thu của mỗi người 500 nghìn đồng/phiếu. Số người này sau một thời gian chờ đợi không thấy Hạnh và Nga thực hiện được như cam kết, họ nghi ngờ Hạnh và Nga có hành vi giả mạo nên đã tố cáo cơ quan Công an. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 4 đến tháng 7/2014, Hạnh và Nga đã làm giả 35 thẻ nhân viên y tế các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, sau đó nhận 39 hồ sơ xin việc của bị hại để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Ba vụ án trên chỉ là điển hình trong nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hành vi mạo nhận là con, cháu, người thân các đồng chí lãnh đạo cấp cao xảy ra thời gian gần đây. Với hành vi phạm tội đã gây ra, đối tượng gây án đương nhiên phải bị pháp luật trừng phạt. Nhưng mong rằng qua những vụ án trên là bài học cảnh tỉnh mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác để tránh mắc bẫy của những kẻ lừa đảo

Nguyễn Hưng
.
.
.