Ngày thứ 2 xét xử vụ vỡ đường ống nước sông Đà:

Đoàn giám định kiểm tra chất lượng dự án qua hồ sơ

Thứ Ba, 06/03/2018, 13:42
Sáng 6-3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án vỡ đường ống dẫn nước sông Đà với phần thẩm vấn. 


Sang ngày xét xử thứ hai, HĐXX tập trung hỏi các giám định viên về nguyên nhân làm vỡ đường ống nước sông Đà. Các giám định viên cho biết, việc tiến hành giám định được thực hiện đúng quy định pháp luật như: kiểm tra chất lượng xi măng, gạch, cát tại công trình được kiểm tra; về đường ống nước thì do phía nhà thầu không kiểm sát chặt chẽ dẫn đến hậu quả trên. 

Trả lời HĐXX về nguyên nhân vỡ đường ống dẫn nước, giám định viên giải thích, do áp lực tiến độ nên nhà thầu và đơn vị thi công đã dùng ống có thành ống thi công không đồng đều, có khuyết tật trên bề mặt ống. Vì thế theo thời gian, do áp lực nước được bơm mạnh từ nhà máy chảy theo đường ống khi về đến gia đình các hộ dân đã dẫn đến vỡ đường ống nước. Cũng vì chất lượng đường ống dẫn nước không đảm bảo quy định nên đã vỡ tới 18 lần.

Bị cáo Trần Cao Bằng.

Đại diện giám định viên thuộc đoàn giám định tư pháp cho biết, đoàn đã tiến hành khảo sát tại nhiều vị trí, trong đó có những vị trí đường ống đang vận hành và đường ống xảy ra sự cố, có những vị trí nằm trên nền đất yếu. Khi lấy mẫu và tiến hành thử nghiệm chất lượng vật liệu ống, đoàn giám định đã xem xét đến các yếu tố bất lợi như: việc gia tăng tải trọng đường ngang, đường dân sinh...

Trong quá trình thực hiện giám định, đoàn dựa trên tài liệu của cơ quan điều tra cung cấp và các chứng cứ thí nghiệm tại hiện trường, cùng với các căn cứ về pháp luật có liên quan. Đại diện tổ chức giám định của Bộ Xây dựng cho HĐXX biết, việc giám định được khảo sát ngẫu nhiên 14 vị trí đang vận hành khai thác và giám định cả những ống đã vỡ và ống lưu của Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex (Viglafico)-công ty con của Vinaconex có nhiệm vụ sản xuất ống cho dự án.

Đại diện tổ chức giám định của Bộ Xây dựng, quá trình giám định cho biết thêm, quá trình giám định, đoàn không giám định quy trình sản xuất ống tại Viglafico vì công ty này đã dừng sản xuất. Tuy nhiên đoàn có giám định những ống dự phòng còn lưu trữ tại công ty này. Trong quá trình giám định, đoàn tiến hành kiểm tra chất lượng của quá trình thi công lắp đặt ống thông qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ.

Sáng 6-3, do cựu Chủ tịch HĐQT Vinaconex Phí Thái Bình được triệu tập đến Tòa với tư cách là người liên quan nhưng vắng mặt vì lý do sức khoẻ nên HĐXX đã công bố lời khai của ông Bình. Lời khai thể hiện, Dự án cấp nước Sông Đà xuất phát từ tâm huyết khắc phục tình trạng thiếu nước của nhân dân thủ đô. 

Dự án tiên phong đi đầu phong trào xã hội hóa, giải quyết nước sạch, đồng thời sử dụng công nghệ mới áp dụng vào dự án. Dự án này được cho phép thực hiện với 2 giai đoạn đầu tư, tổng kinh phí là 1.450 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn vay của ngân hàng, vốn tự có và vốn khác, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Bị cáo Trương Trần Hiền.

Cũng theo lời khai của ông Bình, giai đoạn 1 của dự án đã có hiệu quả khi cung cấp hơn 500 triệu m3 nước (tương đương 30%) cho người dân Thủ đô Hà Nội, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nâng cao vệ sinh, sức khỏe cộng đồng. Đối với việc lựa chọn đơn vị cung cấp thiết bị, ông Bình giải trình, nhà máy có đủ năng lực sản xuất ra ống phục vụ dự án. “Việc vỡ đường ống nước Sông Đà do nhiều nguyên nhân khách quan, không phải do việc phê duyệt dự án, không thuộc trách nhiệm của HĐQT Vinaconex”, ông Bình khai.

Trước đó, trong ngày xét xử thứ nhất, nhiều bị cáo không đồng tình với bản kết luận giám định về nguyên nhân vỡ đường ống dẫn nước sông Đà và đề nghị HĐXX cho giám định lại. Kết quả điều tra xác định, chưa có căn cứ để xác định, việc quyết định thay đổi vật liệu từ ống gang dẻo sang composite cốt sợi thủy tinh và giao cho Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex sản xuất, cung cấp ống cho Dự án cấp nước sông Đà của ông Phí Thái Bình và các thành viên HĐQT Vinaconex là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vỡ đường ống truyền tải nước sạch của dự án.

Sáng 6-3, khi HĐXX yêu cầu Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) được Tòa triệu tập với tư cách nguyên đơn dân sự, là bên chịu thiệt hại trình bày quan điểm, đại diện Viwasupco cho biết, không yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền thiệt hại 16,6 tỷ đồng. Đây là số tiền mà Viwasupco đã phải bỏ ra để khắc phục sự cố vỡ tuyến ống nước sạch sông Đà.

Theo đại diện Viwasupco, Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex được thành lập tháng 3-2009 với 100% vốn của Vinaconex nhằm tiếp nhận, quản lý, khai thác dự án nước sông Đà. Đến tháng 9-2009, công ty chuyển đổi từ mô hình TNHH sang cổ phần. Tháng 2-2018 thì đổi tên thành Công ty Đầu tư nước sạch sông Đà. Hiện Vinaconex đã bán toàn bộ vốn cổ phần tại công ty này.

Đại diện Viwasupco, HĐQT công ty đã ban hành Nghị quyết số 08 nhất trí không yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan bồi thường số tiền thiệt hại là chi phí khắc phục sự cố tuyến ống. Lý do vì tuyến ống được lắp đặt trên nền đất phức tạp, khó tránh khỏi sự cố, nhất là khi chỉ có một tuyến ống, vì vậy với tinh thần nhân văn, công ty quyết định không yêu cầu các cá nhân bồi thường. 

Đại diện Vinaconex cho biết thêm, sau 2 lần tái cấu trúc và trả nợ ngân hàng, Vinaconex thu được lợi nhuận 1.166 tỷ đồng (sau kiểm toán). Công ty nước sạch sông Đà thu lãi lên tới 502 tỷ đồng. Hiện dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, công suất sẽ được nâng lên 1.200 triệu m3/ngày đêm.

Nguyễn Hưng
.
.
.