Kẽ hở trong các hợp đồng kinh tế và thẩm định hồ sơ:

Điểm xuất phát của những vụ án kinh tế khủng

Chủ Nhật, 11/08/2013, 22:50
Trong khoảng một tháng trở lại đây, cơ quan điều tra Bộ Công an liên tiếp khởi tố các vụ án kinh tế và khởi tố các bị can từng là người đứng đầu các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp lớn. Nguyên nhân khiến lãnh đạo doanh nghiệp vào vòng lao lý là do họ cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng khi còn đương chức. Sắp tới đây, họ sẽ phải hầu tòa để nhận hình phạt nghiêm khắc của pháp luật về những sai phạm đã gây ra.

Ông Nguyễn Hữu Lộc, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam bị bắt tạm giam về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trước khi bị bắt, ông Lộc còn là Chủ tịch HĐQT của nhiều công ty khác. Theo kết quả điều tra, trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hải sản Biển Đông, ông Lộc đã làm thất thoát vốn Nhà nước khoảng 150 tỉ đồng. Vì là người đứng đầu nhiều doanh nghiệp, trực tiếp quản lý kinh tế nên ông Lộc được sự “giúp đỡ” tích cực của cấp dưới, đã gây ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý kinh tế.

Với thẩm quyền của mình, ông Lộc đã để Công ty cổ phần Công nghiệp thủy sản chuyển tiền về Công ty cổ phần Biển Tây, Aquafeed Cửu Long bằng cách ký hợp đồng bán nguyên liệu thức ăn nuôi cá, nhưng lại không có văn bản báo cáo HĐQT.

Cũng chính bởi cách đưa và nhận tiền trong làm ăn kinh tế giữa các doanh nghiệp trái với quy định của pháp luật đã dẫn đến hậu quả là Công ty cổ phần Aquafeed Cửu Long nợ Công ty cổ phần Công nghiệp thủy sản hơn 100 tỉ đồng và đến nay không có khả năng trả. Quá trình điều tra còn xác định, ngoài thất thoát số tiền rất lớn như trên, Tổng Công ty Hải sản Biển Đông còn cho Công ty cổ phần Công nghiệp thủy sản vay hơn 20 tỉ đồng, nhưng thủ tục cho vay trái quy định của pháp luật nên số tiền này hiện tại không có khả năng thu hồi.

Chưa dừng lại ở những sai phạm trên, ông Lộc và cộng sự còn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý kinh tế khi tự ý giảm tỉ lệ vốn Nhà nước từ 59% xuống còn 46% tại Công ty cổ phần Công nghiệp thủy sản dẫn đến việc Nhà nước không còn chi phối, công ty hoạt động chệch hướng nên đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng khác.

Phiên tòa xét xử một số người đứng đầu các doanh nghiệp trong vụ án kinh tế xảy ra ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Ông Nguyễn Thăng Long, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Intimex Hà Nội bị bắt tạm giam về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo kết quả điều tra, trong thời gian đương chức, ông Long đã sử dụng danh nghĩa của Intimex Hà Nội ký ba hợp đồng mua bán tinh bột sắn với Công ty Phú Mỹ, tỉnh Hòa Bình và Công ty Toàn Năng, tỉnh Phú Thọ với tổng giá trị hơn 24 tỉ đồng. Sau khi hoàn tất hợp đồng, Intimex Hà Nội đã chuyển hơn 10 tỉ đồng vào tài khoản Công ty Phú Mỹ. Dù đã nhận được tiền  nhưng Công ty Phú Mỹ lại không chuyển hàng cho Intimex Hà Nội. Thay vì việc khởi kiện Công ty Phú Mỹ vì “bội tín” theo quy định của pháp luật để được bảo đảm quyền lợi thì Intimex Hà Nội lại làm giả hai hợp đồng xuất khẩu tinh bột sắn cho một doanh nghiệp nước ngoài nhưng không có khoản tiền nào được thanh toán, để hợp thức hóa hồ sơ giấy tờ và khoản tiền đã chuyển. Đến nay, số tiền hơn 10 tỉ đồng mà Intimex Hà Nội đã chuyển cho Công ty Phú Mỹ không thu hồi được.

Ngoài vi phạm pháp luật về sự vụ này, ông Long còn chỉ đạo cấp dưới làm giả một số hợp đồng mua bán cà phê liên quan đến Intimex Hà Nội, sau đó sử dụng các hợp đồng này thế chấp cho ba ngân hàng để vay số tiền trên 15 tỉ đồng. Quá trình điều tra đã xác định, số tiền trên 15 tỉ đồng vay của ba ngân hàng, ông Long sử dụng vào mục đích kinh doanh bất động sản và thua lỗ.

Ông Nguyễn Văn Lợi, nguyên Phó Giám đốc một ngân hàng quốc doanh, Chi nhánh Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) và hai thuộc cấp là Trần Thị Hoàng Yến và Nguyễn Thị Thanh Nga, nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch kinh doanh của chi nhánh ngân hàng này bị khởi tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo kết quả điều tra, năm 2009, Giám đốc ngân hàng quốc doanh này ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Thanh Phát (TP Hồ Chí Minh) vay hơn 19 tỉ đồng để nhận chuyển nhượng dự án một khách sạn cao cấp tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Cuối năm 2012, ông Giám đốc ngân hàng qua đời do bệnh. Trong quá trình làm thủ tục cho vay, ông Lợi và hai thuộc cấp là Yến và Nga không thực hiện đúng quy định của ngân hàng về thẩm định dự án và tài sản đảm bảo cho vay dẫn đến Công ty Thanh Phát mất khả năng thanh toán, dẫn đến hậu quả là ngân hàng này bị thiệt hại hơn 12 tỉ đồng.

Qua các vụ án trên cho thấy, xuất phát từ sự tùy tiện, bất chấp các quy định của pháp luật trong quản lý kinh tế của người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là Nhà nước bị thiệt hại rất lớn về kinh tế. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn nói ở đây là trách nhiệm trong khâu thẩm định hồ sơ vay vốn của những cán bộ có trách nhiệm theo quy định(?!). Chính từ kẽ hở này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như nói trên.

Mong rằng bài học từ các vụ án trên sẽ cảnh báo những người làm nhiệm vụ thẩm định hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp, hoặc hồ sơ ký kết các hợp đồng kinh tế cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc

Nguyễn Hưng
.
.
.