Làm gì khi bị trộm đột nhập?

Chủ Nhật, 13/12/2015, 09:19
Những ngày qua, dư luận cả nước lại xôn xao bởi vụ trọng án xảy ra tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất (Hà Nội) làm 2 người chết, 2 người bị thương. Vụ án một lần nữa khiến chúng ta nhớ lại vụ tên Lê Văn Luyện sát hại cả gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích ở Phố Sàn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) cũng bắt đầu từ hành vi trộm cắp.

Làm thế nào để phòng ngừa và ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng trong trường hợp gặp phải những tên trộm manh động nói trên? Phóng viên chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này dành cuộc trao đổi với Đại tá Vũ Viết Phàng, Trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát hình sự, Tổng cục Cảnh sát về chủ đề rất được bạn đọc quan tâm nói trên

Chủ động phòng ngừa, bình tĩnh ứng phó khi gặp trộm

Phóng viên: Thưa Đại tá Vũ Viết Phàng, là đơn vị được phân công phụ trách chuyên đề phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn toàn quốc, ông có thể cho độc giả biết một số thông tin về tình hình hoạt động, phương thức thủ đoạn của tội phạm trộm cắp hiện nay, đặc biệt là tội phạm trộm cắp đột nhập nhà dân?

Đại tá Vũ Viết Phàng: Theo báo cáo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Cảnh sát hình sự các địa phương, trong 9 tháng đầu năm 2015, toàn quốc xảy ra 17.511 vụ trộm cắp tài sản, chiếm 41,2% số vụ phạm pháp hình sự, thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng. Tài sản bị mất chủ yếu là xe máy, tiền, vàng. Trong số này, trộm xảy ra trong nhà dân là 8.904 vụ, chiếm 50,84% các vụ trộm cắp tài sản.

Trước khi gây án, các đối tượng thường tiến hành điều tra thăm dò, gọi là “tăm tia” nơi định trộm cắp để phát hiện mục tiêu, điều kiện thuận lợi cho hành động của chúng. Mục tiêu các đối tượng nhằm vào thường là những gia đình giàu có nhưng sơ hở trong quản lý, bảo vệ tài sản. Chúng thường lấy những tài sản gọn nhẹ, có giá trị và dễ tiêu thụ như: tiền, vàng, ngoại tệ, đá quý, xe máy, ti vi…

Theo sở trường của từng đối tượng, địa điểm gây án và những sơ hở của người bị hại mà các đối tượng sử dụng các “chiêu” đột nhập khác nhau. Chúng có thể dùng kìm cộng lực, vam phá khóa, xà beng, khoan… để cậy cửa, vặn bẻ khuy khóa, bẻ khóa, dùng búa đập vỡ ổ khóa, nấp sẵn vào trong nhà, cửa hàng… chờ cơ hội thuận lợi để trộm cắp. Hoặc chúng trèo tường, trèo ống nước, dây chống sét, bắc thang, chuyền qua các mái nhà… để đột nhập từ các cửa tầng trên, đặc biệt là cửa tum.

Trong quá trình hành động, các đối tượng đã tính sẵn đến các tình huống không có lợi để đối phó và tẩu thoát. Vì vậy, sau khi đột nhập, chúng thường bố trí gây trở ngại cho việc đuổi bắt như: khóa trái cửa, chẹn cửa buồng có người, tắt đèn, đặt chướng ngại vật ở lối ra vào..., chúng cũng mở sẵn lối thoát để nếu có động thì ra ngoài được nhanh chóng. Sau đó, chúng mới tiến hành lục soát, tìm tài sản để lấy…

Đại tá Vũ Viết Phàng.

Phóng viên: Thực tế qua các vụ “đầu trộm, đuôi cướp” như vụ ở tiệm vàng Ngọc Bích, vụ ở xã Canh Nậu (Thạch Thất) mới đây, thấy rõ các đối tượng trộm cắp hết sức manh động, sẵn sàng dùng hung khí mang theo để sát hại gia đình chủ nhà khi bị phát hiện. Vậy để phòng ngừa những trường hợp như thế này, người dân phải làm gì, thưa Đại tá?

Đại tá Vũ Viết Phàng: Trước hết, người dân phải chủ động phòng ngừa tốt cho chính mình. Phải gia cố nhà cửa một cách cẩn thận, an toàn, không để cho đối tượng lợi dụng sơ hở đột nhập. Trong sinh hoạt cũng phải cẩn trọng, như trước khi đi ngủ, hoặc đi vắng phải kiểm tra tất cả các cửa, khóa, đường tum vào nhà. Mỗi người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, phải tuyên truyền cho tất cả mọi người trong gia đình, kể cả người giúp việc về cách thức đi lại, khóa cửa cho an toàn. Như thế sẽ hạn chế ngay từ “vòng ngoài”, không để các đối tượng trộm cắp có cơ hội đột nhập.

Chúng ta cũng phải tuyên truyền cho mọi người trong gia đình, kể cả trẻ nhỏ cách ứng phó với trường hợp đối tượng trộm cắp đã đột nhập vào nhà. Phải bình tĩnh, không nên sợ trộm mà tìm cách ứng phó hợp lý. Mỗi gia đình phải quy ước những địa chỉ báo tin nhanh nhất khi có ứng biến (báo cho hàng xóm, Công an phường, hay Cảnh sát 113…). Khi phát hiện trộm đột nhập, nếu có điều kiện (chưa bị tên trộm khống chế), người phát hiện phải báo cho tất cả mọi người trong nhà biết (gọi điện thoại hoặc hô to cho tất cả mọi người biết và chuẩn bị phương án đối phó), sau đó báo cho những địa chỉ nhanh nhất cả gia đình đã có và ghi nhớ.

Trong trường hợp có nhiều người trong nhà, sau khi tìm cách an toàn cho người già, trẻ nhỏ (cho vào phòng riêng, khóa lại), những người lớn, khỏe mạnh trong nhà phải hợp tác với nhau trong việc tấn công kẻ trộm. Tránh trường hợp, lần lượt từng người xông ra, không hợp tác với nhau nên đều bị đối tượng đâm như trường hợp ở xã Canh Nậu.

Khi xác định tấn công đối tượng, mỗi người phải tìm cho mình một công cụ hỗ trợ (ít nhất là gậy),  để giữ khoảng cách đối với tên trộm phòng khi bị đâm gần. Vừa ứng phó với tên trộm, nếu báo kịp cho bên ngoài thì những người trong nhà sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng bên ngoài vây bắt tội phạm.

Trong trường hợp chỉ có một mình, phải bình tĩnh, lựa cách đối phó. Tốt nhất nên tự tìm chỗ an toàn cho mình rồi báo cho các địa chỉ tin cậy, đã có ở bên ngoài. Nếu đã bị giáp mặt tên trộm thì phải bình tĩnh xử lý tình huống xảy ra (tìm cách hoãn binh để đối tượng xao nhãng rồi tìm biện pháp khác như báo ra bên ngoài, tìm cách thoát khỏi vòng kiểm soát của tên trộm…).

Phóng viên: Như trong vụ tiệm vàng Ngọc Bích, rõ ràng cả 3 người trong nhà đã thức nhưng vẫn bị tên trộm ra tay sát hại. Vậy theo Đại tá, có “công thức chung” nào hiệu quả cho các trường hợp như thế này không?

Đại tá Vũ Viết Phàng: Trong trường hợp của gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích, khi phát hiện chồng và tên trộm đang vật lộn, đánh nhau trên tầng 3, chị vợ rất khó có cách xử lý nào khác vì phụ nữ nặng chữ tình, muốn ngay lập tức lên “cứu chồng” chứ khó nghĩ được việc khác.

Thực tế hiện nay công tác phòng ngừa xã hội của chúng ta còn nhiều hạn chế. Việc tuyên truyền cho quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm trộm cắp tại địa bàn còn mang nặng tính hình thức, biện pháp còn cứng nhắc, chủ yếu tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng mà chưa khích lệ người dân tích cực chủ động phòng ngừa, tham gia tố giác, truy bắt tội phạm.

Chẳng hạn, chúng ta có thể tuyên truyền cho người dân những biện pháp phòng, chống trộm cắp cụ thể như các gia đình lắp đặt hệ thống chuông báo động, số điện thoại tự động báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất, hệ thống đèn đỏ quy ước chỉ bật lên khi muốn báo gia chủ bị nguy hiểm, bị tội phạm đột nhập…

Trong trường hợp tiệm vàng Ngọc Bích, nếu có hệ thống trên thì chị vợ chỉ cần nhấn vào đó trước khi chạy lên trợ giúp chồng thì với sự trợ giúp của lực lượng từ bên ngoài, dù tên trộm có manh động đến đâu cũng khó đủ thời gian để sát hại 2 vợ chồng rồi tiếp tục truy sát 2 cháu bé dưới phòng ngủ…

Còn trong trường hợp ở xã Canh Nậu, mọi người nói rằng an ninh trật tự ở đó rất tốt nên người dân đi ngủ thường chỉ khóa cổng, không cần khóa cửa nhà. Đó là sự chủ quan, vì hiện nay tội phạm di động nhiều, cuộc sống lại thường xuyên biến động khi có những đối tượng nghiện hút, đối tượng đi tù về…

Trong mọi tình huống, mọi vùng miền, người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa thật tốt. Khi phát hiện tội phạm (trộm đột nhập) thì bình tĩnh ứng phó và phải luôn có ý thức tấn công tội phạm nếu có điều kiện. Ngoài việc chủ động hợp tác với nhau tấn công tội phạm thì việc chúng ta báo cho bên ngoài vây bắt tội phạm cũng là tấn công tội phạm….

Phóng viên: Xin cảm ơn Đại tá Vũ Viết Phàng!

Một số vụ trộm cắp lớn được lực lượng Công an khám phá thời gian vừa qua:

Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt đối tượng Nguyễn Tiến Quân, 23 tuổi, trú ở Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình đang thực hiện hành vi cạy khoá cửa phòng để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Lực lượng chức năng thu giữ trong người Quân một đôi găng tay, 4 túi xách có 4 tuốc nơ vit, kìm điện, 2 đèn pin… Bước đầu, đối tượng đã khai nhận gây ra khoảng 40 vụ trộm cắp tại nhiều tỉnh từ Vĩnh Phúc đến Thừa Thiên-Huế.

Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã bắt giữ Bùi Thế Trung, 37 tuổi, trú tại Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội – là lái xe khách về hành vi trộm cắp tài sản. Trung khai nhận đã gây ra 18 vụ trộm cắp trên địa bàn Hà Nội, trong đó có vụ trộm két sắt trong nhà dân ở phường Khương Trung, Thanh Xuân lấy được 200 triệu đồng. Thủ đoạn của Trung là giấu phương tiện, công cụ gây án trên xe ôtô chở khách. Khoảng 1-2h sáng, lái xe đến khu vực mình định trộm cắp, dùng đèn khò, kìm thuỷ lực, mỏ lết, xà cầy đã chuẩn bị sẵn để phá khoá, trộm cắp.

T. Hòa - P. Thủy
.
.
.