Câu hỏi cần sớm có lời giải về một cái chết oan nghiệt

Thứ Năm, 02/05/2013, 09:23
Hơn một năm qua, không hiểu vì sao các cơ quan chức trách chưa làm rõ và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân nào liên quan đến cái chết oan nghiệt của mẹ tôi - bà Nguyễn Thị Lựu ? Trước câu hỏi đó của anh Lê Trọng Vinh, 32 tuổi, ngụ thôn Mậu Lâm Bắc, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên - con trai nạn nhân, phóng viên Báo CAND đã tìm hiểu sự thật.

Trong lúc đang cắt cỏ ngoài đồng sáng 17/3/2012, bà Nguyễn Thị Lựu chạm tay vào dây truyền thanh bị đứt rơi xuống ruộng trước đó và đã tử vong vì điện giật. Công an huyện Phú Hòa khám nghiệm hiện trường phát hiện dây truyền thanh của HTX Hòa Quang Nam mắc chung trụ, cách 0,7m về phía dưới dây điện hạ thế dẫn vào thôn Mậu Lâm.

Anh Lê Trọng Vinh bên bàn thờ người mẹ.

Tại đó, dây điện thắp sáng của ông Tống Cường nối từ lưới điện hạ thế đến công tơ bị cháy bong vỏ nhựa, chạm vào dây truyền thanh nên dẫn đến sự cố nêu trên.

Đường dây điện từ lưới điện hạ thế đến công tơ nhà riêng ông Tống Cường do tổ điện HTX Hòa Quang Bắc lắp đặt từ năm 2003, còn ông Đặng Lý, Chủ nhiệm HTX Hòa Quang Bắc khẳng định chưa có biên bản thỏa thuận nào cho phép HTX và UBND xã Hòa Quang Nam mắc dây truyền thanh, đến ngày 27/12/2010, HTX Hòa Quang Bắc bàn giao toàn bộ hệ thống lưới điện hạ thế cho Điện lực huyện Phú Hòa theo Quyết định 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Giám đốc Điện lực Phú Hòa cùng các cộng sự thừa nhận đã phát hiện dây truyền thanh mắc chung một số trụ tải dây điện hạ thế, nhưng lại cho rằng đó là tài sản của HTX Hòa Quang Bắc, Điện lực Phú Hòa chỉ tạm mượn trong khi chờ xây lắp lưới điện RE2.

Làm việc với cơ quan điều tra, ông Nguyễn Tính, nhân viên Đài truyền thanh xã Hòa Quang Nam cho biết, trước khi bà Lựu tử nạn, ông đã đi kiểm tra loa phát thanh ở thôn Mậu Lâm hoạt động tốt nên không rà soát đường dây, nhưng một số người dân khẳng định dây truyền thanh bị đứt rơi xuống ruộng trước đó hơn chục ngày.

Vụ việc khá phức tạp khi xác định dấu hiệu và chủ thể tội phạm, nên ba cơ quan Công an – Viện KSND – TAND huyện Phú Hòa tổ chức cuộc họp liên ngành. Đại diện Kiểm sát  nhận định theo quy định tại điểm i, khoản 2, Điều 46 và khoản 4, Điều 58 Luật Điện lực,  khách hàng phải chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn đường dây dẫn điện sau công tơ, kịp thời phát hiện, phòng chống nguy cơ tai nạn điện. Bà Lựu chết do đường dây điện gia đình ông Tống Cường bong tróc, chạm vào dây truyền thanh bị đứt, nên hành vi của ông Cường có dấu hiệu phạm tội vô ý làm chết người.

Đồng quan điểm về dấu hiệu phạm tội, nhưng đại diện Tòa án không chỉ rõ đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự. Công an huyện Phú Hòa cho rằng vụ việc liên quan nhiều đơn vị, cá nhân, nên đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên.

Ngoài nhận định nêu trên, có ý kiến cho rằng. Điện lực Phú Hòa phát hiện dây truyền thanh mắc chung trụ tải điện hạ áp về phía dưới 0,7m, nhưng không yêu cầu chủ sở hữu dây truyền thanh di dời, điều chỉnh đúng khoảng cách theo quy định tại điều 22 Quyết định 34/2006/QĐ-BCN ngày 13/9/2006 của Bộ Công nghiệp - nay là Bộ Công thương về kỹ thuật an toàn lưới điện hạ áp nông thôn là thiếu trách nhiệm.

Đài truyền thanh xã Hòa Quang Nam tự ý mắc dây truyền thanh trên trụ tải tải dây điện hạ thế ở khoảng cách không an toàn, không thường xuyên kiểm tra, xử lý sự cố đứt dây kịp thời dẫn đến hậu quả xấu cũng cần được xem xét. Với những chứng cứ tài liệu thu thập được, tin rằng, các cơ quan chức trách ở huyện Phú Hòa sớm xác định chủ thể tội phạm để khởi tố và xử lý theo quy định pháp luật

PV
.
.
.