Xét xử phúc thẩm vụ án Huyền Như lừa đảo

Luật sư đề nghị khởi tố thêm 3 ngân hàng vì cố ý làm trái trong vụ Huyền Như

Thứ Tư, 31/12/2014, 18:14
Các luật sư Nguyễn Văn Trung và Trương Xuân Tám đề nghị khởi tố vụ án cố ý làm trái đối với Maritime Bank, Tienphong Bank và Navibank. Vậy, cơ sở nào để các luật sư đưa ra đề nghị như vậy?

Phiên xét xử phúc thẩm vụ án Huyền Như lừa đảo đang dần đi đến với thông báo ngày 7/1/2015 sẽ tuyên án. Tuy nhiên, các luật sư yêu cầu khởi tố trheem 3 ngân hàng vì cố ý làm trái.

Tranh luận và nêu quan điểm tại tòa, Luật sư Trung khẳng định: Trong hồ sơ vụ án cũng như kết quả thẩm vấn, hành vi của Maritime Bank, Tienphong Bank không khác gì với Navibank và ACB.

Có chăng, điểm khác nhau là nếu như Navibank và ACB cùng đưa tiền cho nhân viên của mình - rồi yêu cầu các nhân viên đó đi gửi tiền tại VietinBank để trục lợi lãi suất thì Maritime Bank, Tienphong Bank lại ủy thác cho nhiều công ty. Trong khi đó, bản chất nguồn tiền ủy thác cho các công ty này thực chất là của Maritime Bank và Tienphong Bank.

Cụ thể, Maritime Bank ủy thác gửi tiền để trục lợi lãi suất qua các công ty Hưng Yên, Phúc Vinh và Thịnh Phát. Trong đó, 2 công ty Phúc Vinh và Thịnh Phát đã biết sai nên rút đơn kháng cáo và chấp nhận phán quyết của án sơ thẩm, chỉ còn lại Cty Hưng Yên kháng cáo.

Tienphong Bank lại ủy thác gửi tiền để trục lợi lãi suất qua các công ty An Lộc và Chứng khoán Phương Đông. Trước hành vi này, Ngân hàng Nhà nước đã có các công văn nêu rõ hành vi ủy thác cho các công ty của hai ngân hàng để gửi tiền tại VietinBank để trục lợi lãi suất là vi phạm quy định pháp luật. Cơ quan điền tra cũng đá có quyết định tách vụ án để điều tra, xử lý tiếp.

Để dẫn dụ các công ty và cá nhân gửi tiền, Huyền Như đã phải dùng tiền cá nhân chi cho lãi suất trong hợp đồng là 14%, lãi suất chênh ngoài hợp đồng được trả ngay sau khi tiền chuyển vào tài khoản thanh toán là 3,8 - 4,5%/năm và riêng tiền lại quả là 1,5%, số tiền thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

Huyền Như cũng chi Đoàn Đăng Luật (cán bộ của Navibank) số tiền hơn 24 tỷ đồng bao gồm lãi suất trong và ngoài hợp đồng. Tại cơ quan điều tra, ông Nguyễn Văn Nam - Phó Tổng Giám đốc Navibank thừa nhận “Navibank được biết số tiền chênh lệch lãi suất ngoài hợp đồng mà Navibank đã nhận là do Huyền Như phạm tội mà có. Do đó khi nào cơ quan chức năng yêu cầu, Navibank sẽ tự nguyện nộp lại”.

Còn với Tienphong Bank, ngoài lãi suất theo hợp đồng, Huyền Như cũng khai đã chi cho Giám đốc Trung tâm nguồn vốn của ngân hàng này 5,8 tỷ đồng; chi cho Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Phương Đông (đơn vị Tienphong Bank ủy thác) 6 tỷ đồng và cho Kế toán trưởng Nguyễn Thị Quy 1,5 tỷ đồng. Hay tại Maritime Bank, Huyền Như cũng phải trả ngay lãi suất trong hợp đồng là 14% và chi ngoài hợp đồng từ 4% - 9%.

Luật sư Trung cảnh báo: Các công ty đừng vội mừng. Vì có thể khi điều tra, chẳng những các công ty không đòi được tiền mà còn trở thành ACB thứ hai.

Cùng với cảnh báo này, Luật sư Trung nhận định: Các quan điểm tranh luận tại tòa thiên về viện dẫn các điều luật của luật dân sự và cho rằng hành vi ủy thác gửi tiền chỉ là vi phạm hành chính là sai lầm. Bởi thực tế đã được chứng minh qua vụ án bầu Kiên - đó là vụ án hình sự.

Luật sư Trung cũng khẳng định: Về sai phạm của ACB tôi thấy không cần thiết phải đối đáp. Vì điều đó đã được chứng minh bởi bán án có hiệu lực pháp luật (Ban Lãnh đạo ACB đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng; vụ án đã trải qua phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm và đã tuyên án đối với các bị can - PV).

 Chính vì thế, Luật sư Trung cho rằng: Đáng lý ra, phải yêu cầu khởi tố các ngân hàng kia”. Đồng thời với lập luận này, Luật sư Trung nói: Nếu không xem xét trách nhiệm của 2 ngân hàng này là không làm rõ được bản chất sự thật khách quan của vụ án. Chính vì thế nên cơ quan điều tra đã có đề nghị tách ra để xử lý.

Luật sư Trung nêu trước tòa: Đây lại là vấn đề cần xem xét, xác định xem ACB đã gửi ở những ngân hàng nào, thu lợi bất chính bao nhiêu. Nếu xác định rõ là thu lời bất chính thì cần sung công quỹ.

​Đồng quan điểm của các luật sư trên về các hành vi gửi tiền ở ngân hàng khác để trục lợi lãi suất, ngay tại phiên tòa, Luật sư Trương Xuân Tám kiến nghị:

“Tôi đề nghị khởi tố vụ án Cố ý làm trái xảy ra tại Tienphong Bank và Maritime Bank. Tôi đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào điều 104 BLHS vì Hội đồng xét xử có quyền khởi tố ngay tại tòa. Căn cứ điều 101 BLHS, bất kỳ công dân nào cũng có quyền đề nghị khởi tố, tôi bổ sung đề nghị khởi tố hành vi làm trái của Navibank. Nếu không khởi tố tại phiên tòa, phải kiến nghị cơ quan điều tra và trả lời người tố giác là tôi bằng văn bản”.

Bản chất sự thật khách quan của toàn bộ nguồn tiền, động cơ mục đích của các thỏa thuận, sự vi phạm tời mức độ nào sẽ được HĐXX xem xét và phán quyết trong các ngày tới. Pháp luật thể hiện thái độ như thế nào đối với giao dịch, thỏa thuận trái pháp luật sẽ có câu trả lời.

PV
.
.
.