Chị gái Huyền Như: “Tôi đã bị Như lừa…”

Thứ Tư, 17/12/2014, 22:51
Ngày 17/12, phiên tòa xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục phần xét hỏi Huyền Như và các đồng phạm liên quan đến hành vi chiếm đoạt tiền tại các ngân hàng, công ty và cá nhân có kháng cáo.

Trình bày nội dung kháng cáo tại tòa, đại diện ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế- chi nhánh TP.HCM (VIB) đề nghị HĐXX buộc Như và 11 cá nhân khác bồi thường cho ngân hàng số tiền 165 tỷ đồng đã chiếm đoạt. Theo đại diện VIB, trước đó án sơ thẩm chỉ buộc Như và 2 cá nhân phải bồi thường là chưa chính xác. Ngoài ra, đại diện VIB còn đề nghị HĐXX tuyên thu hồi số tiền các bị cáo được xác định là cho vay nặng lãi trong vụ án này trả lại cho các nguyên đơn dân sự vì cho rằng số tiền trên là Như chiếm đoạt của họ để trả cho các chủ nợ.

Khai trước tòa, Như thừa nhận: Khoảng đầu năm 2011, do đang cần tiền để trả nợ, Như nói dối với Huỳnh Hữu Danh (nhân viên VIB- Chi nhánh TP.HCM), mình có tiền nhờ người thân và bạn bè đứng tên đã gửi vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè nhưng chưa đến hạn, nay cần tiền muốn thế chấp các hợp đồng tiền gửi đó để vay tiền của VIB- Chi nhánh TP.HCM. Được Danh đồng ý, Như đã làm giả 40 hợp đồng tiền gửi với số tiền ghi trên từng hợp đồng từ 16,8 tỷ đồng đến 24,3 tỷ đồng, ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn để ký với 12 khách hàng là bạn bè, người thân của Như; rồi sử dụng 40 hợp đồng tiền gửi giả này làm tài sản thế chấp, tiếp tục nhờ những người nói trên đứng tên ký 40 hợp đồng cầm cố vay của VIB TP.HCM tổng số tiền 480,3 tỷ đồng. Như đã tất toán 28 hợp đồng, còn 12 hợp đồng chưa tất toán chiếm đoạt của VIB số tiền 165 tỷ đồng như đã nêu.  

Tiến hành làm rõ các bị cáo được xem là đồng phạm giúp sức cho Như trong việc chiếm đoạt tiền của VIB, Trần Thị Tố Quyên (nhân viên công ty cổ phần đầu tư Hoàng Khải, công ty do Như thành lập) khai vì là người làm công nên Như kêu gì bị cáo làm nấy. “Nếu nói vậy thì Như kêu bị cáo giết người, bán ma túy cũng làm à? Bị cáo có thần kinh không mà làm vậy, Tòa hỏi thật đó”, HĐXX căn vặn.

Là chủ nợ của Như nhưng trong phi vụ này Nguyễn Thị Lành (lãnh 9 năm tù trong đó có 7 năm tù về tội lừa đảo” cũng “sập bẫy” Như khi đứng tên hợp đồng, giúp sức cho Như chiếm đoạt 15 tỷ đồng.

 Tương tự, đứng trước tòa, Huỳnh Mỹ Hạnh (đứng tên phó giám đốc công ty Hoàn Khải do Như thành lập; lãnh 14 năm tù về tội lừa đảo), chị gái Như thừa nhận đã giúp sức Như chiếm đoạt 15 tỷ đồng của bị hại. Bật khóc trước vành móng ngựa, bị cáo Hạnh khai “bị cáo chỉ là người làm công ăn lương cho Như, hoàn toàn không biết Như lừa cả chị gái mình để chiếm đoạt số tiền đó”. Nghe chị gái khai, Như cũng lấy khăn lau nước mắt. Trình bày lý do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Hạnh xem xét hoàn cảnh mẹ già, 3 con còn nhỏ không ai chăm sóc…

Trước đó, vào buổi sáng, HĐXX đã thẩm vấn Như liên quan đến hành vi chiếm đoạt tiền của các Công ty cổ phần chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS), Công ty bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại An Lộc và Công ty chứng khoán Phương Đông. Các công ty này đều được xác định là nguyên đơn dân sự và đều có đơn kháng cáo.

Theo nội dung vụ án, biết công ty SBBS có nguồn tiền muốn gửi vào Vietinbank- chi nhánh TP.HCM với lãi suất 14%/ năm và phí ngoài hợp đồng từ 2 đến 6%. Vì vậy, Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa SBBS với Vietinbank- chi nhánh Nhà Bè, sau đó lý giả chữa ký của giám đốc và phó giám đốc chi nhánh Vietinbank- Chi nhánh Nhà Bè để huy động vốn tổng số tiền 225 tỷ đồng. Để chiếm đoạt số tiền của công ty này, Như đã yêu cầu công ty mở tài khoản tại Vietinbank- Chi nhánh TP.HCM để chuyển tiền vào rồi làm giả các lệnh chi để chuyển trả cho các tổ chức, cá nhân mà Như đã vay trước đó.

Trả lời trước tòa, Như cho biết thêm không nhận hồ sơ mở tài khoản của Công ty SBBS trực tiếp mà do người trung gian là ông Vũ Minh Hải (nhân viên công ty chứng khán Ocean bank) và Vũ Thị Mỹ Linh (Kế tóan trưởng của SBBS) đưa cho bị cáo. Hồ sơ này bao gồm cả giấy đề nghị mở tài khoản của SBBS cho giao dịch viên Phạm Thị Tuyết Anh ký, kiểm soát viên là Như và phó giám đốc Trương Minh Hoàng cũng ký phê duyệt theo quy trình. Đồng thời bị cáo đã phải chi 30 tỷ đồng cho Vũ Minh Hải và Vũ Thị Mỹ Linh thì tiền của SBBS mới chuyển vào tài khoản của công ty này tại Vietinbank. Sau khi SBBS chuyển tiền vào, Như đã làm giả các lệnh chi và nhờ cấp dưới là Phạm Thị Tuyết Anh (bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 15 năm tù về tội “vi phạm các quy định về hoạt động cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”) mượn tài khoản của mẹ chồng là bà Vũ Thị Thơm để chuyển vào rồi rút ra chiếm đoạt.

Tuy nhiên, Như khai rằng việc làm giả các lệnh chi trên Tuyết Anh không hề biết. Được mời lên thẩm vấn, Tuyết Anh cũng khai không biết lệnh chi tiền từ tài khoản của SBBS là giả nên mới thực hiện theo yêu cầu của Huyền Như. Liên quan, bà Vũ Thị Thơm cũng được tòa mời lên thẩm vấn.

 Bà Thơm khai, thời điểm đó con dâu mới đi làm lại sau thời gian nghỉ thai sản. Do Tuyết Anh về nhà than chịu áp lực về doanh số nên bà đã đứng ra mở tài khoản tiền gửi tại Vietinbank và gửi một khoản tiền của gia đình vào. Bà không hay biết việc Huyền Như mượn tài khoản của mình để chuyển tiền bất hợp pháp cho đến khi cơ quan điều tra mời lên làm việc.

Tương tự, trình bày nội dung kháng cáo, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu đề nghị HĐXX bác một phần bản án sơ thẩm.

Bị cáo Huyền Như và bị cáo Lành sau phiên xử.

Theo đại diện Công ty Toàn Cầu, tài khoản thanh toán của công ty mở tại Vietinbank là hợp lệ nhằm phục vụ việc kinh doanh của đơn vị mình. Việc mở tài khoản theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi mở tài khoản, phía công ty đã chuyển tiền vào theo thỏa thuận với Vietinbank và ngân hàng này cũng đã có văn bản xác nhận tiền đã vào tài khoản.

Trả lời câu hỏi của VKS: Vì sao biết Như là cán bộ Vietibank chi nhánh TP.HCM nhưng phía công ty lại thông qua Như để ký hợp đồng ủy thác với Vietinbank - chi nhánh Nhà Bè, sau đó lại lại chuyển tiền vào tài khoản tại chi nhánh TP.HCM? Đại diện công ty Toàn Cầu cho rằng, do công ty chỉ có duy nhất một tài khoản tại chi nhánh TP.HCM và nghĩ rằng cả hai chi nhánh trên cùng trong một hệ thống Vietinbank nên không có gì khác.

Theo đại diện Vietinbank, các giao dịch của Vietinbank phải giao dịch tại trụ sở theo quy chế không phải ở nơi khác. Trong khi trả lời với HĐXX, Như khai, giao dịch của bị cáo với công ty Toàn cầu ở ngoài trụ sở của 2 đơn vị, cụ thể là một quán cà phê trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1. Không chấp nhận lời khai này của Như, đại diện công ty Toàn Cầu cho rằng không đúng, việc giao dịch với Vietinbank thực hiện giao dịch trực tiếp tại văn phòng Điện Biên Phủ.

Hỏi Như: một lần nữa Như khẳng định, hồ sơ mở tài khoản của Toàn Cầu thì do chị Giang (Lê Thị Trúc Giang, kế toán trưởng của công ty Toàn Cầu) mang đến. Khi chị Giang truy cập vào internet thấy những khoản chuyển đi trong khi Toàn Cầu không yêu cầu thì Giang nói bị cáo chuyển thêm vào 1 triệu để đảm bảo mức tối thiểu trong tài khoản không bị phát hiện. Như khai đã bắt tay với Giang để không bị phát hiện.

Tương tự, tại tòa, đại diện các Công ty An Lộc và Phương Đông giữ nguyên yêu cầu kháng cáo về phần bồi thường. Theo đó, Công ty Phương Đông đề nghị được bồi thường số tiền 380 tỷ đồng, Công ty An Lộc 170 tỷ đồng mà Như đã chiếm đoạt trước đó.

Ngày mai phiên tòa tiếp tục.

A.Huy
.
.
.