Cảnh báo tình trạng người tâm thần gây án

Thứ Ba, 18/11/2014, 10:09
Đã hơn 1 tuần trôi qua sau cái chết đột ngột của con trai, nhưng bà Lê Thị Mầu (57 tuổi, trú thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng, khi nhắc lại chuyện xảy ra.

Thắp nén nhang lên bàn thờ con trai, bà Mầu đau đớn kể lại sự việc: Vào khoảng 20h30 ngày 31/10, Trương Văn Đức (16 tuổi, ngụ cùng thôn và từng mắc bệnh tâm thần) đến gõ cửa nhà bà Mầu để đòi nợ. Lý do mà Đức đưa ra để “vòi tiền” là cách đây 2 năm, con trai út của bà Mầu tên Lê Công Tráng từng mượn xe đạp của Đức đem cầm lấy 100 nghìn đồng. “Lúc ấy tui không có tiền, thằng Tráng cũng không có quan hệ bạn bè với Đức nên tui không đồng ý đưa tiền. Sau một hồi gây gổ, Đức liên tục lấy đá ném vào nhà tui. Vì quá sợ hãi nên tui giục con gái gọi thằng Dương (Lê Văn Dương, 26 tuổi, con đầu bà Mầu-NV) đang đi đơm cá ở sông gần nhà về ngăn cản Đức thì không may xảy ra vụ việc đau lòng”, bà Mầu nói trong uất nghẹn. Theo kết quả điều tra của Công an huyện Phú Lộc, khi anh Dương về ngăn cấm Đức ném đá, bất ngờ Đức rút con dao thủ sẵn trong túi quần ra đâm nhiều nhát vào bụng anh Dương, làm anh ngã gục tại chỗ. Vì vết thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong vào tối 2/11...

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Công an huyện Phú Lộc: Đức có tiền sử bệnh tâm thần và có giấy xuất viện của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Vì thế, sau khi Đức gây ra án mạng, lực lượng Công an đã đưa Đức đến Bệnh viện Tâm thần TP Huế để giám định rồi mới xem xét có khởi tố vụ án hay không.

Thời gian qua, số vụ án do những người mắc bệnh tâm thần gây ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, không ít. Theo ông Đinh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội - Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: “Tình trạng bệnh nhân tâm thần gây án gia tăng trong thời gian gần đây xuất phát từ một phần nguyên nhân quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ của địa phương và gia đình người bệnh. Đặc biệt gần đây, đơn vị ghi nhận nhiều gia đình bỏ rơi người thân mắc bệnh tâm thần. Đây là điều đáng lên án...”.

“Để giúp đỡ người tâm thần sớm hồi phục để hòa nhập cộng đồng, ngoài phương pháp trị liệu cơ bản của bệnh viện; các biện pháp giáo dưỡng, dạy nghề của Trung tâm Bảo trợ xã hội... thì người bệnh tâm thần rất cần sự quan tâm, săn sóc, động viên và chia sẻ của người thân. Có như vậy, mới hy vọng giảm được gánh nặng cho xã hội, đồng thời góp phần giảm các vụ án do người mắc bệnh tâm thần gây nên”, một bác sĩ là chuyên gia điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần thuộc Bệnh viện Tâm thần TP Huế khuyến cáo

Lê Anh
.
.
.