Cảnh báo những cú lừa từ đối tác nước ngoài

Thứ Sáu, 20/01/2017, 11:20
Đến nay, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 10 FTA đang trong quá trình thực thi và 5 FTA đang trong quá trình đàm phán. Giao thương với các đối tác FTA chiếm tới 80% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam.


Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam đạt được kết quả rất khả quan, nhưng ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, bên cạnh những cơ hội mà thương mại tự do mang lại, các DN xuất khẩu Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trong đó có những rủi ro mà DN không thể lường trước được.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), khoảng cuối tháng 12-2016 VASEP đã phải gửi văn bản cảnh báo các DN hội viên cảnh giác với tình trạng lừa đảo trong giao dịch xuất khẩu thủy sản.

Thực tế, đã có một số DN thủy sản bị lừa đảo có nguy cơ mất hàng trăm nghìn USD với khách hàng Echopack INC, đại diện bởi người có tên Jason Brown, tại Canada. Echopack đã câu kết với một Ngân hàng ở New Zealand để lấy hàng và không thanh toán tiền hàng.

Ngoài ra, tại thị trường Ai Cập, DN thủy sản V. H đã bán và giao hàng cho đối tác từ tháng 6-2016, sau đó DN liên tục gửi thư yêu cầu đối tác thanh toán tiền nhưng cứ bị lảng tránh, đến nay DN vẫn chưa đòi được 58.800USD tiền hàng. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, những trường hợp nợ xấu, gây hại cho DN ngành thủy sản trong nước tại thị trường nước ngoài khoảng 5 năm trở lại đây ngày càng tăng.

Khi xuất khẩu hàng hóa, DN cần thận trọng tìm hiểu kỹ đối tác để tránh bị lừa.

Cũng gặp rủi ro khi làm ăn với đối tác  nước ngoài, theo phản ánh của các DN hội viên Hiệp hội Điều Việt Nam, trong năm 2016 các DN mua nguyên liệu từ một số nhà cung cấp điều ở châu Phi. 

Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, đối tác đã không thực hiện đúng cam kết như: chậm giao hàng, giao hàng kém chất lượng, hủy ngang hợp đồng (nhưng chiếm dụng tiền đặt cọc), hoặc rút bớt hàng chứa trong container... 

Tương tự, có rất nhiều trường hợp DN xuất, nhập khẩu các mặt hàng gạo, gỗ, tiêu, nhôm,... cũng đã gặp phải tình trạng khó thu hồi tiền nợ hoặc bị lừa đảo. Nhiều DN không thể nhận diện được các yếu tố rủi ro từ phía đối tác, dẫn đến hậu quả là bị thiệt hại nặng nề về kinh tế, thậm chí DN đứng trên bờ vực phá sản.

Luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, trong làm ăn với nước ngoài, lỗi lớn nhất mà DN Việt Nam thường mắc phải là điều khoản hợp đồng không chặt chẽ hoặc DN chủ quan không điều tra cặn kẽ thông tin về thương nhân nước ngoài... đã tạo cơ hội cho đối tác nước ngoài quỵt nợ hoặc lừa đảo.

Điển hình, có trường hợp DN tìm mua nhôm trên mạng, do tin tưởng đối tác nước ngoài nên DN đồng ý đặt cọc trước một khoản tiền. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền đặt cọc mua hàng thì đối tác nước ngoài đã... ôm tiền biến mất.

Trường hợp khác là DN vì ham lợi khi “săn” được nguồn dầu với giá rẻ hơn 25% so với giá thị trường từ một đối tác ở Malaysia. Nhưng cũng giống như những trường hợp lừa đảo khác, sau khi thuyết phục DN đặt cọc trước một số tiền, DN này cũng biến mất.

“Những trường hợp trọng tài, tòa án có thể can thiệp được là những trường hợp đối tác làm ăn có thật, đã từng có giao dịch trước đó với DN nhưng sau đó họ lâm vào tình cảnh khó khăn, nợ nần. Còn những trường hợp giao dịch ảo như vậy, thì trọng tài, tòa án cũng bó tay”, ông Lễ cho biết.

Để nhận diện những rủi ro, tránh rơi vào bẫy của các DN lừa đảo, ông Ngô Khắc Lễ lưu ý các DN: Trước khi ký hợp đồng với đối tác nước ngoài các DN cần quan tâm đến việc điều tra thương nhân và đây là một trong những khâu quan trọng nhất trong giao dịch làm ăn. Ngoài ra, cần phải cảnh giác với những giao dịch có giá bất thường, cẩn thận với các nội dung trong thư bảo lãnh tín dụng L/C, kiểm tra kỹ địa chỉ email của đối tác để tránh việc giả mạo email lừa đảo chuyển tiền vì trên thực tế tình trạng này xảy ra nhiều,…

Bên cạnh đó, DN cũng cần quan tâm đến việc phòng tránh trộm cắp hàng trong thùng hàng (container), lựa chọn điều kiện vận chuyển hàng phù hợp. Đặc biệt, các DN nên có điều khoản về hợp đồng độc lập (không bù trừ) và khi có tranh chấp, nên giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, muốn tận dụng được các lợi thế cạnh tranh và thời cơ các FTA mang lại, DN Việt Nam phải am hiểu và nắm rõ “luật chơi” trong thương mại quốc tế, nhận diện được các rủi ro trong các giao dịch thương mại để có thể phòng tránh.

Ông nhấn mạnh ở việc chủ động tìm hiểu thật kỹ thông tin thuế quan, các hàng rào kỹ thuật tại các nước mà doanh nghiệp đang có hoạt động xuất khẩu hay nhập khẩu để phòng tránh các rủi ro đáng tiếc.

Thúy Hà
.
.
.