Cần xử lý mạnh tay với những kẻ quăng “bom bẩn”

Thứ Năm, 11/03/2021, 06:19
Từ thực tiễn các vụ quăng “bom bẩn” được cơ quan Công an khám phá cho thấy hầu hết liên quan đến chuyện nợ nần và diễn biến của các vụ việc gần như giống nhau. Đó là một người vay mượn nợ “tín dụng đen”, mất khả năng chi trả và bỏ trốn. 

Vụ đôi vợ chồng Nguyễn Thành Chương (SN 1979) và Trần Thị Thẻn (SN 1988) thuê người 6 lần tạt mắm tôm (trong thời gian từ cuối năm 2020 đến tháng 3/2021) vào tiệm thuốc tây của bà M. ở đường Phú Định (quận 8, TP Hồ Chí Minh), một lần nữa cho thấy thủ đoạn dùng “bom bẩn” để khủng bố người khác với mục đích đòi nợ vẫn đang được các đối tượng chủ nợ sử dụng dù có khá nhiều người bị xử lý hình sự về hành vi này.

Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là tình trạng cho vay lãi nặng vẫn còn tồn tại nhiều trong cộng đồng dân cư và việc xử lý đối tượng quăng “bom bẩn” chưa thật sự mạnh tay nên chưa đủ sức để răn đe…

Vợ chồng Chương - Thẻn thuê người 6 lần quăng mắm tôm vào tiệm thuốc tây của bà M.

Từ thực tiễn các vụ quăng “bom bẩn” được cơ quan Công an khám phá cho thấy hầu hết liên quan đến chuyện nợ nần và diễn biến của các vụ việc gần như giống nhau. Đó là một người vay mượn nợ “tín dụng đen”, mất khả năng chi trả và bỏ trốn. Cũng cần nói thêm, hầu hết người vay mượn nợ kiểu này sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như bài bạc, số đề, hút chích ma túy…

Và khi con nợ bỏ trốn thì những kẻ cho vay nặng lãi tìm đến người thân con nợ để buộc trả nợ thay, nếu không đồng ý sẽ thuê người tạt nước sơn, mắm tôm để “khủng bố” cho đến khi nào chịu trả thì thôi.

Như trong vụ 6 lần quăng mắm tôm ở quận 8 nói trên, đối tượng Nguyễn Thành Chương đứng ra vay giúp cho Nguyễn Hoài Trung (SN 1979, quê Tiền Giang) 32 triệu đồng với lãi suất 10%/tháng. Tuy nhiên, trả lãi được vài tháng thì Trung bỏ trốn, Chương phải gánh nợ thay. Khi số nợ, lãi lên đến gần 160 triệu đồng, Chương quyết định tìm cách để buộc Trung phải trả nợ.

Biết bà M. là chị ruột của Trung có tiệm thuốc tây trên đường Phú Định (quận 8), Chương đến gây áp lực để buộc bà M. trả nợ thay cho Trung nhưng bà M. không đồng ý. Vợ chồng Chương, Thẻn tìm gặp Châu Văn Phú (SN 1991, ngụ quận 8) để nhờ đòi nợ giùm và thống nhất phương thức là dùng mắm tôm ném vào nhà bà M. để khủng bố.

Hai bên thỏa thuận giá quăng “bom bẩn” là 5 triệu đồng, khi nào đòi được nợ sẽ chia thêm tiền cho Châu. Sau đó, Châu thuê một số đối tượng 6 lần quăng mắm tôm vào tiệm thuốc tây. Hiện tại, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với vợ chồng Chương - Thẻn về hành vi “cưỡng đoạt tài sản” và đang truy bắt các đối tượng còn lại. 

Nhiều đối tượng bị bắt cho biết, sở dĩ chọn “chiêu độc” quăng mắm tôm, tạt nước sơn là do cách này “không làm chết ai”, gây thiệt hại không đáng kể về vật chất nhưng lại tác động rất lớn đến tinh thần của gia chủ. Những người “yếu bóng vía” hoặc muốn giữ uy tín, danh dự cho gia đình đã vội vàng trả nợ thay sau 1,2 lần bị tạt. Và thường những gia chủ này âm thầm chịu đựng, tự lau dọn, xóa vết sơn mà không trình báo đến cơ quan Công an.

Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác điều tra, truy xét mà còn tạo điều kiện cho các đối tượng quăng “bom bẩn” có đất sống. Đây cũng là một sai lầm rất lớn của nạn nhân, vì đòi được lần đầu chúng sẽ tiếp tục đòi lần sau và không có điểm dừng cho đến khi nào gia chủ thật sự khánh kiệt, không còn tiền để trả nợ thay.

Như trường hợp của gia đình ông Hồ Tăng Quang (ngụ quận Tân Bình), sau khi trả nợ thay cho con gái 30 tỷ đồng, trong suốt 2 năm liền, hết băng nhóm này đến băng nhóm khác liên tục đến khủng bố, quăng chất bẩn vào nhà ông để tiếp tục đòi trả nợ thay cho con gái mà không biết con gái ông có thật sự nợ hay không. 

Theo một luật sư, việc xử lý các đối tượng “khủng bố” bằng chất bẩn hiện nay là khá nhẹ, cụ thể là phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng theo quy đinh tại Nghị định 167/NĐ-CP, nên không đủ sức để răn đe. Về trách nhiệm hình sự, các đối tượng quăng chất bẩn còn có thể xử lý về hành hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Nhưng với điều kiện là đã qua 1 lần xử phạt hành chính hoặc gây ảnh hưởng xấu đến ANTT, an toàn xã hội…

Từ quy định này nên các băng nhóm đòi nợ thuê thường thuê mướn nhiều đối tượng khác nhau trong các lần quăng chất bẩn vào nhà người thân con nợ để đối phó. Các đối tượng chủ mưu thường thuê các đối tượng nghiện ma túy ở khắp nơi với cái giá rẻ mạt để thực hiện. Do vậy nếu gia đình nào mà không có camera quan sát ghi lại hình ảnh kẻ tạt chất bẩn thì cơ quan Công an rất khó để tìm ra thủ phạm. Mà kẻ trực tiếp không bắt giữ được thì khó có thể quy kết cho các băng nhóm đòi nợ thuê dù biết chính họ là kẻ thuê mướn.

Từ đó, các băng nhóm giang hồ thuê người quăng chất bẩn chẳng cần thực hiện lén lút mà công khai, thậm chí báo trước cho gia chủ thời gian mà mình sẽ thực hiện. Điển hình, trong vụ 8 lần quăng chất bẩn vào quán phở Hòa nằm trên đường Pasteur (quận 3), đối tượng Phạm Phong Phú trực tiếp đến quán phở yêu cầu chủ quán trả nợ thay cho người em, nếu không sẽ cho người tạt nước sơn, mắm tôm.

Và sau đó chúng thực hiện 8 lần quăng chất bẩn vào quán phở giữa thanh thiên bạch nhật. Táo tợn hơn là vào 18h ngày 29/7/2019, Phú chỉ đạo đàn em Nguyễn Đình Đức cùng gần 20 đối tượng chia nhau ngồi nhiều bàn để ăn phở và xua đuổi khách. Một đàn em của Đức bỏ gián vào tô phở đang ăn rồi la lớn để các thực khách nghe thấy làm mất uy tín của quán phở. Đến khi Công an phường đến thì nhóm này ra về và “quên” trả luôn tiền phở!

Nguyên nhân những kẻ quậy phá xem thường pháp luật là do những năm trước đây, mỗi năm TP Hồ Chí Minh xảy ra khoảng 500 vụ quăng chất bẩn nhưng việc xử lý hình sự chỉ trên đầu ngón tay. Đáng nói hơn, các đối tượng bị xử lý hình sự về hành vi “cưỡng đoạt tài sản” cũng chỉ là kẻ chủ mưu, thuê mướn, còn kẻ tiếp quăng chất bẩn thường chỉ bị xử lý hành chính về hành vi này. Cho nên, theo ý kiến của nhiều luật sư, cần xem người quăng chất bẩn là đồng phạm với vai trò giúp sức thì mới có thể hạn chế tối đa thực trạng này.

M.Hải-M.Đức
.
.
.