Cần "mạnh tay" hơn nữa với những đối tượng manh động, liều lĩnh

Thứ Hai, 31/12/2018, 08:06
Thông tin về việc Trung tá Trần Văn Dũng, Trưởng Công an xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận trong khi xông vào khống chế đối tượng "ngáo đá" dùng dao chặn xe, đe dọa tính mạng của người dân đang lưu thông trên đường dẫn đến bị đối tượng này đâm sau đó hy sinh vào hôm 25-12 vừa qua đã gây sự cảm kích trước tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm của anh.


Nhiều ý kiến bình luận trên các trang báo điện tử  cho rằng, trước một đối tượng đang bị kích động như thế, vừa phải tuân thủ quy trình xử lý vụ việc những biện pháp mạnh tay là rất cần thiết nhằm ngăn chặn kịp thời hậu quả xấu xảy ra.

Thực tế cho thấy, đã có nhiều vụ việc thương tâm xảy ra từ những đối tượng "phê" ma túy. Trước đó, vào đêm 14-7,  Nguyễn Hoài Thanh, ngụ tại tỉnh Tây Ninh, có biểu hiện  "ngáo đá" đã cầm dao đâm trọng thương một cháu bé 9 tuổi và một phụ nữ 51 tuổi ở xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

Khi lực lượng chức năng đến nhà Thanh để bắt giữ thì đối tượng này cầm dao cố thủ trong nhà. Lực lượng chức năng đã vận động thuyết phục đối tượng bỏ vũ khí, nhưng Thanh không chấp hành và bất ngờ tấn công thành viên đội tuần tra nhân dân và một người dân, làm 2 người này tử vong.

Tương tự, vào ngày 24-10, đối tượng Trịnh Minh Tâm, trú tại xã An Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trong tình trạng "ngáo đá" đã mang dao ra đường la hét, đe dọa mọi người. Nhận được tin báo, Công an TP Biên Hòa cùng lực lượng Cảnh sát 113 đã có mặt và can ngăn, thuyết phục Tâm bỏ vũ khí. Sau khi vận động không thành công, lực lượng Công an đã áp sát tước dao của đối tượng nhưng trong lúc khống chế, Tâm đã đâm một chiến sĩ Công an trọng thương...

Qua một số vụ việc nêu trên cho thấy, những đối tượng "ngáo đá", lại đang sử dụng dao thì hết sức manh động, liều lĩnh, mất kiểm soát bản thân. Lúc này, đối tượng đang sống trong ảo giác vì "phê" ma túy nên việc vận động, thuyết phục đều khó thành công. Do vậy đòi hỏi cán bộ thi hành công vụ và người dân cần có biện pháp mạnh để trấn áp, vừa đảm bảo được an toàn cho người dân, vừa tránh gây tổn thất cho lực lượng chức năng.

Theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì lực lượng CAND được nổ súng trong trường hợp đối tượng sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng,có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng...

Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điểm b, Điều 22: Nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng qui định: "Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.

Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay". 

Khoản 1, Điều 23 Luật này cũng qui định: "Người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong trường hợp sau đây: a- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác...”.

Việc nắm vững quy định và tăng cường tập huấn các tình huống xử trí khi sử dụng súng trong các trường hợp luật này qui định; để cán bộ, chiến sĩ Công an cũng như những lực lượng chức năng khác vừa đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, vừa tránh những rủi ro trong quá trình làm nhiệm vụ.

Đào Minh Khoa
.
.
.