Cần khắc phục tình trạng án hủy, sửa

Thứ Bảy, 29/11/2014, 18:36
Nhằm nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, ngành tòa án đang phấn đấu khắc phục tình trạng án bị cải sửa, án bị hủy sửa. Dù được đánh giá số lượng án hủy, sửa hàng năm đều giảm nhưng thực tế vẫn còn xảy ra.

Đủ nguyên nhân khiến án bị hủy, sửa

Qua theo dõi xét xử các vụ án tại Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM thì hầu như ngày nào cũng có vụ bị hủy, sửa. Cụ thể, trong ngày 27/11, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm đã chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo, tuyên sửa án sơ thẩm, giảm nhẹ hình phạt đối với Nguyễn Thị Kim Liên (61 tuổi, ngụ Đồng Tháp) từ 10 năm tù xuống còn 6 năm tù về tội “chứa mại dâm”.

Theo bản án sơ thẩm, tháng 5/2006, Nguyễn Thị Kim Liên bắt đầu hành nghề kinh doanh cho thuê nhà trọ, lấy tên hộ đăng ký kinh doanh là Thành Nhân. Đến cuối năm 2011, do hám lợi bất chính, Liên nảy sinh ý định dùng phòng trọ của mình làm nơi hoạt động mại dâm để thu tiền thuê phòng. Sau đó, biết một số cô gái hành nghề bán dâm, Liên giữ giấy chứng minh nhân dân và số điện thoại di động của họ để liên lạc. Mỗi khi có khách đặt vấn đề mua dâm, Liên gọi điện thoại cho những người này đến nhà trọ của mình để bán dâm cho khách. Mỗi lần mua dâm khách phải trả 250.000 đồng, trong đó Liên lấy 50.000 đồng tiền phòng, số còn lại là phần của gái bán dâm. Tính từ ngày phạm tội đến khi bị bắt quả tang (ngày 10/12/2013), Liên khai chỉ thu lợi bất chính được 650.000 đồng.

Với hành vi phạm tội nêu trên, xử sơ thẩm TAND tỉnh Đồng Tháp đã áp dụng điểm a (đối với trẻ em từ 13 đến 16 tuổi) khoản 3 Điều 254 BBLHS  xử phạt bị cáo 10 năm tù. Theo HĐXX cấp phúc thẩm, việc tòa án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 3 xử phạt là gây bất lợi và quá nặng cho bị cáo, bởi lẽ một trong số các cô gái bán dâm được xác định dưới 16 tuổi, người này có đến hai giấy khai sinh (1 giấy trên dưới 16 tuổi và 1 giấy trên 16 tuổi) nhưng tòa sơ thẩm lại sử dụng giấy khai sinh dưới 16 tuổi là không đúng. Với lý do trên nên HĐXX cấp phúc thẩm đã chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo.

Cũng trong tháng 11/2014, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án TAND TP HCM trước đó xét xử bị cáo Cletus Chimaobi Hillary (tên thường gọi là Chima, 36 tuổi) 14 năm tù và Okonkwo Mathias Ugochukwu (tên thường gọi Ugo, 32 tuổi, cùng quốc tịch Nigeria) 12 năm tù cùng về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

HĐXX nhận định cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không đưa những người có nghĩa vụ liên quan và các công ty bị thiệt hại vào tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự. Số tiền các bị cáo chiếm đoạt trong vụ án này của các công ty bị thiệt hại nhưng Tòa sơ thẩm lại tuyên buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt để sung quỹ Nhà nước là không đúng. Ngoài ra, tòa cho rằng Phạm Linh Duyên và Chima vốn có quan hệ tình cảm nên việc cô gái này có biết hành vi của Chima hay không chưa được làm rõ. Từ đó, tòa tuyên hủy toàn bộ bản án.

Hai bị cáo trong vụ sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản vừa bị tòa phúc thẩm hủy án.

Theo nội dung vụ án, trong năm 2012, với phương thức đột nhập vào email của các tập đoàn, công ty tại Việt Nam, Chima và Ugo thực hiện hành vi chiếm đoạt của 3 công ty, trong có có công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen chiếm đoạt hàng trăm ngàn USD.

Với hành vi phạm tội như trên, Chima và Ugo đã bị truy tố và đưa ra xét xử vể tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Liên quan đến vụ án, ngoài 3 công ty được xác định là bị hại, vụ án còn có nhiều người liên quan đến việc giúp sức cho các bị cáo rút tiền, trong đó có Phạm Linh Duyên, người yêu của Chima. Theo nguyên tắc xét xử, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người này, các các công ty và cá nhân liên quan sẽ được mời đến tham gia phiên tòa, tuy nhiên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm trước đó TAND TP Hồ Chí Minh đã bỏ qua.       

Cần tăng cường công tác kiểm sát

Theo đánh giá của các tòa án, để xảy ra tình trạng án hủy, sửa nhiều là do yếu tố khách quan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ngoài yếu tố khách quan cũng phải xem xét lại trình độ, năng lực của thẩm phán một số tòa án và không loại trừ có sự tác động tiêu cực. Cạnh đó, một yếu tố khiến án hủy, sửa xảy ra nhiều là các cơ quan có chức năng thiếu tinh thần trách nhiệm phối hợp giải quyết, các đương sự và những người tham gia tố tụng không nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ trong quá trình tố tụng…

Được biết, để giảm tỷ lệ án hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, hàng năm các tòa đều tăng cường bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ thẩm phán, thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác xét xử... Bản án dù trong bất kỳ giai đoạn tố tụng nào, nếu như phát hiện có sai phạm (qua kháng nghị của VKS, kháng cáo của các bị hại, người liên quan...) đều được xem xét một cách nghiêm túc.Nhiều nơi còn siết chặt kỷ luật, kỷ cương và kiên quyết không tái bổ nhiệm với thẩm phán có án bị hủy do lỗi chủ quan.

Bên cạnh những động thái tích cực của tòa án để giải quyết tình trạng án hủy, sửa, có ý kiến cũng cho rằng các cơ quan kiểm sát cần phát huy vai trò trong việc kiểm sát các loại án nhằm phát hiện các sai sót trên để kháng nghị kịp thời, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên trong tố tụng.

Báo cáo của TAND TP HCM cho thấy, trong năm 2014, có đến 380 vụ án bị hủy (cả tòa TP và quận, huyện) và 903 vụ án bị sửa, trong đó có 242 vụ bị hủy và 424 vụ bị sửa là do lỗi chủ quan của thẩm phán. Cũng theo báo cáo của Tòa này, trong năm 2014, án xem xét theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm là 99 vụ và tái thẩm 2 vụ, trong đó có 66 vụ kháng nghị của Chánh án TAND TP HCM, 33 vụ kháng nghị của Viện trưởng VKSND TP HCM, đặc biệt Chánh án TAND Tối cao có  kháng nghị 2 bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án cấp sơ thẩm. Qua xét xử, Tòa án đã chấp nhận kháng nghị 92 vụ, không chấp nhận kháng nghị kháng nghị 1 vụ và rút kháng nghị 8 vụ.
A.Huy
.
.
.