Cần có biện pháp với… đám đông hiếu kỳ gây cản trở người thi hành công vụ

Thứ Hai, 24/02/2020, 09:15
Việc tụ tập gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra của Công an trong các vụ án, vụ TNGT, bất chấp nguy hiểm để “hóng hớt” tin tức, hiếu kỳ… đó là hình ảnh dễ dàng bắt gặp tại các vụ án, vụ TNGT chết người.


Việc tụ tập gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra của Công an trong các vụ án, vụ TNGT, bất chấp nguy hiểm để “hóng hớt” tin tức, hiếu kỳ… đó là hình ảnh dễ dàng bắt gặp tại các vụ án, vụ TNGT chết người khi có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người… bu kín tại hiện trường để thỏa tính tò mò, để chụp hình, live stream (phát trực tiếp) lên mạng xã hội câu like, câu view. Đã đến lúc cần có biện pháp mạnh để không tái diễn hình ảnh khó coi này…

Vụ Lê Quốc Tuấn, tự Tuấn “khỉ” (SN 1987, ngụ Củ Chi) gây ra vụ nổ súng khiến 5 người chết, 3 người bị thương hôm mùng 5 Tết, hiện trường nơi Tuấn ẩn nấp được xác định, hàng trăm cảnh sát tổ chức vây bắt. 

Người dân hiếu kỳ vô tình cản trở người thi hành công vụ.

Khi Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Công an triển khai lực lượng vây bắt Tuấn, thì tại hiện trường, số lượng người hiếu kỳ đứng kín các tuyến đường. Người người cười nói vui vẻ, ăn uống ngủ nghỉ tại chỗ, tìm chỗ cắm sạc để quay phim, chụp ảnh trực tiếp. 

Có nhiều người từ các tỉnh như Long An, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh hay thậm chí ở Cà Mau chạy xe hàng trăm kilomet lên chỉ để đến được hiện trường tận mắt theo dõi vây bắt Tuấn. Họ thuê cả phòng trọ để ở lại vì không muốn bỏ qua khoảnh khắc nào của cuộc truy bắt.

15 ngày kể từ khi Tuấn gây án cho đến khi bị tiêu diệt, các con đường ở xung quanh nơi Tuấn ẩn nấp đông như ngày hội. Hàng quán nơi này phải kêu thêm người làm, nấu đồ ăn gấp 3-4 lần ngày thường để phục vụ như cầu cho những người ở đây có sức để… hiếu kỳ. Lực lượng  làm nhiệm vụ tại đây chỉ có nhắc nhở những người hiếu kỳ tránh xa khu vực nguy hiểm, ở bên ngoài khu vực phong tỏa, thậm chí vất vả năn nỉ mọi người về nhà. Thế nhưng càng phong tỏa thì người hiếu kỳ càng kéo về đông.

Có thể thấy đám đông hiếu kỳ bất chấp nguy hiểm cho bản thân cho gia đình khi tìm đến những khu vực nguy hiểm để thỏa tính tò mò của mình. Nói không ngoa, nếu như thời điểm đó, nghía qua điện thoại (tất nhiên không phải của anh ta), Tuấn có thể sẽ biết hết kế hoạch của Công an khi triển khai công tác vây bắt nhờ vào lượng lớn người hiếu kỳ livestream bằng điện thoại. Khi đó, Tuấn sẽ biết mình phải tìm điểm nào để lẩn trốn không bị bắt hay nổi máu điên xả đạn tùm lum thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. 

Nói như vậy để thấy, đám đông hiếu kỳ đã đi quá giới hạn của mình, vừa “điếc không sợ súng” vừa cản trở, gây khó khăn cho Công an thi hành công vụ.

Cùng thời điểm xảy ra vụ Tuấn bị vây bắt, tại quận 10, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Công an quận 10 tổ chức vây bắt Trần Duy Chinh (SN 1971, quê Nam Định) khi Chinh ôm lựu đạn và súng cố thủ trong nhà. Đám đông hiếu kỳ cũng vây quanh, đứng ken chặt tuyến đường Lý Thái Tổ. 

Để tránh nguy hiểm cho người dân, Công an quận 10 phải di dời những người hiếu kỳ này đi vô tình lộ ra khoảng hở để Chinh tẩu thoát. Nói như vậy để thấy người hiếu kỳ đã cản trở công việc truy bắt tội phạm của Công an.

Vô cảm, đây là hình ảnh dễ nhận thấy nhất đối với đám đông hiếu kỳ. Trở lại chuyện của Tuấn “khỉ”, khi đối tượng bị  bắn hạ, gia đình tổ chức hỏa táng và đưa tro cốt Tuấn “khỉ” về nhà tổ chức tang lễ thì trước nhà đã có hàng trăm youtuber đứng chờ sẵn giương máy quay, điện thoại bắt tất cả các khoảnh khắc. 

Có người còn lợi dụng vào thắp nhang để quay trực tiếp hình ảnh bàn thờ của Tuấn. Người thân của Tuấn không liên quan đến vụ án, họ chỉ muốn việc Tuấn đã trả giá thì mọi người cho họ một chút yên tĩnh. Người thân của Tuấn cho hay, gia đình đóng cửa, kéo rèm che kín căn nhà nhưng ngày nào cũng có từ vài chục đến cả trăm người dứng trước cửa nhà tò mò ngó vào trong. 

“Thằng Tuấn gây tội ác nó phải trả giá rồi, người còn sống thì vẫn phải nhận búa rìu của dư luận. Tuấn nó đền tội rồi, nhưng vẫn còn con nhỏ nên mong mọi người hãy buông tha để cho 2 con của Tuấn được phát triển bình thường, không bị ám ảnh mặc cảm về người cha tội lỗi!”, mẹ Tuấn đau đớn cho biết.

Anh Nguyễn Văn Huyên (tài xế xe tải, quê Phú Giáo) cho biết, có một lần anh chở hàng từ Bình Phước về Bình Dương trên QL14 thì phát hiện trước mặt là vụ TNGT chết người. 

“Khu vực hiện trường, người dân hiếu kỳ vây quanh, nhiều người dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim. Vị trí xảy ra vụ tai nạn nằm ngay khúc cua lên dốc, khuất tầm nhìn, rất may là tôi đã hạn chế tốc độ nếu không là lao vào đám đông bu đen này rồi!”, ông Huyên kể.

Một trinh sát thuộc Công an huyện Bình Chánh cho biết, thời điểm vây bắt khi xác định được đối tượng đang lẩn trốn là rất quan trọng. Bởi khi vừa gây án, đối tượng còn chưa xác định được mình sẽ chạy theo hướng nào để lẩn trốn. Do vậy đây là “thời gian vàng” để tìm ra đối tượng. Tuy nhiên việc người dân vây quanh hiện trường khiến lực lượng phải phân tán để dẹp đám đông nhiều lúc khiến đối tượng tìm được kẽ hở từ đám đông này để lẩn trốn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân tập trung đông tại các hiện trường vụ án, vụ tai nạn. Một phần là sự tò mò, muốn trực tiếp xem cảnh vây bắt tội phạm. 

Với tình trạng ngày càng nhiều người xúm lại để chụp, quay tung lên mạng xã hội là do các trang mạng xã hội, các kênh trực tuyến có trả tiền cho các video “nóng” đang diễn ra từ các vụ án giết người, TNGT… 

Số lượng view càng lớn, người theo dõi, tương tác, chia sẻ càng cao thì những youtuber càng có nhiều tiền. Càng độc, càng lạ, càng “nóng” thì người dân càng xem nhiều và lượng tiền cũng tăng theo nên bất chấp nguy hiểm, bất chấp vi phạm pháp luật, người người đổ xô đến hiện trường để quay phim chụp ảnh. 

Nếu hiện trường được phong tỏa mỏng, người dân tìm mọi cách để lọt sâu vào bên trong vô tình phá hủy chứng cứ tại hiện trường những vụ án gây khó khăn cho công tác điều tra.

Luật sư Nguyễn Văn Trường, Văn phòng Luật sư Trường (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, dưới góc độ pháp lý người hiếu kỳ tại hiện trường các vụ án gây khó khăn cho việc truy bắt tội phạm, cản trở người thi hành công vụ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có thể xem xét bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp. 

Với những người lao vào khu vực hiện trường vụ án, cản trở hoạt động thi hành công vụ mà đã được nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 nghị định 73/2010/NĐ-CP, những trường hợp này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 1 triệu tới 2 triệu đồng. 

Trong trường hợp người dân chứng kiến vụ việc bắt giữ tội phạm mà không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu của lực lượng chức năng mà có hành vi cản trở thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ đến mức nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015. Vì vậy đừng vì sự hiếu kỳ mà vô tình bị xử lý.

Anh Thư
.
.
.